Phát huy và gìn giữ giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Tràng An

Ngày 26 - 10 - 2016, ủy ban Di sản Thế giới họp tại Paris (Cộng hòa Pháp) đã chính thức thông qua Tuyên bố giá trị nổi bật toàn cầu Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An và phê duyệt điều chỉnh ranh giới khu Di sản. Đây là cơ sở pháp lý ban đầu rất quan trọng để phát huy và giữ gìn giá trị của Di sản Tràng An.



Du khách thăm Tràng An - Ảnh: Xuân Trường

Phê duyệt điều chỉnh ranh giới khu Di sản

Theo Quyết định, ủy ban Di sản Thế giới đã đề nghị phía Việt Nam chỉnh sửa ranh giới khu di sản để phản ánh tốt hơn các khu vực và thuộc tính của giá trị nổi bật toàn cầu và đảm bảo một vùng đệm hợp lý bao quanh. Diện tích khu Di sản: đã công nhận 6.172 héc ta, đề xuất chỉnh sửa 6.226 héc ta. Diện tích vùng đệm: đã công nhận 6.080 héc ta, đề xuất chỉnh sửa 6.026 héc ta.

Trên thực tế, việc chỉnh sửa ranh giới đã bổ sung thêm 54 héc ta (gần 1%) vào diện tích tổng thể của khu Di sản, bao gồm các thay đổi chính sau: Mở rộng khu vực Tây Bắc của khu Di sản để bổ sung thêm núi Đính, nơi có môi trường tự nhiên và một ngôi chùa cổ. Những giá trị văn hoá, lịch sử này sẽ bổ sung các giá trị văn hoá-lịch sử cho Cố Đô Hoa Lư, một trong 3 khu vực được bảo vệ của khu di sản, đồng thời bổ sung thêm địa hình núi karst tự nhiên cho khu di sản. Mở rộng ranh giới phía Nam của khu di sản để bổ sung một quả núi độc lập khá lớn, mà một phần của khu vực này trước đây là dành cho việc sử dụng trong sản xuất thủ công chế tác đá.

Khu vực này hiện đã nằm ngoài khu vực cho khai thác, do nguyên liệu đá sẽ được lấy từ nơi khác. Tỉnh đã có chính sách ưu tiên, hỗ trợ người dân địa phương, đặc biệt các thợ đá và gia đình của họ học nghề, kỹ năng mới và tìm công việc khác thay thế. Mở rộng một chút diện tích phía Đông Bắc khu di sản để gộp thêm các tháp núi đá vôi đứng rời rạc trên cánh đồng bóc mòn xung quanh để minh chứng tốt hơn cho các địa điểm cuối cùng trong quá trình phát triển tháp karst của sơn khối đá vôi. Thu hẹp một phần diện tích nhỏ ở rìa phía bắc khu di sản nhằm loại bỏ một mỏ khai thác đá cũ gần sông Hoàng Long. Thu hẹp khu vực xung quanh bến thuyền Tam Cốc của khu di sản nhằm đưa ra ngoài khu di sản một số nhà ở, khách sạn và cơ sở kinh doanh thương mại tư nhân (cửa hàng, nhà hàng...) và một khu khách sạn ở gần chùa Bích Động.

Vùng đệm đề xuất bao quanh toàn bộ khu di sản hầu như được giữ nguyên, chỉ bị thu hẹp một phần diện tích nhỏ (khoảng 54 ha) để mở rộng vùng lõi của khu di sản. Không có thay đổi nào đối với ranh giới ngoài của vùng đệm. Ranh giới vùng đệm được phân định rõ ràng theo các đặc điểm tự nhiên, như các dòng sông chính và các ranh giới hành chính. Ranh giới này đã được Ban quản lý, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý và các bên có liên quan xác nhận đầy đủ trên bản đồ điều chỉnh ranh giới.

Về nguyên tắc, việc tập trung xem xét lại ranh giới là để đảm bảo khu di sản bao hàm tất cả các giá trị và thuộc tính mà danh hiệu Di sản Thế giới của khu di sản có được, bao gồm: Các di tích khảo cổ học quan trọng giúp cho việc tìm hiểu được câu chuyện cư trú và thích ứng của con người với sự thay đổi cảnh quan và môi trường; Tất cả các khu vực mang các đặc điểm tự nhiên nổi bật nhất và các khu vực có vẻ đẹp tự nhiên hiếm có và có giá trị thẩm mỹ; Một không gian cảnh quan địa chất và địa mạo đủ để thể hiện các giai đoạn tiến hóa địa mạo cuối cùng của tháp karst trong môi trường nhiệt đới ẩm

Việc chỉnh sửa đề xuất bổ sung cho khu di sản một số giá trị và thuộc tính tương đương với những giá trị và thuộc tính của Giá trị nổi bật toàn cầu đã được công nhận, cụ thể, bổ sung một số khu vực tự nhiên có giá trị để làm phong phú và phát triển câu chuyện địa chất theo tiêu chí VIII; Đảm bảo không một khu vực nào có giá trị nổi bật toàn cầu bị đưa ra khỏi khu di sản cũng như không làm giảm đi tính xác thực văn hóa và tiêu chuẩn về tính toàn vẹn của khu di sản.

Toàn bộ khu di sản đề xuất được bảo vệ ở khung pháp lý cao nhất hiện có của Việt Nam, bao gồm cả cấp tỉnh và cấp quốc gia. Các diện tích đề xuất bổ sung vào khu di sản sẽ được Ban quản lý Quần thể Danh thắng Tràng An quản lý như quản lý khu di sản đã được công nhận. Không có bất cứ một thay đổi nào đối với cách quản trị, quản lý tổng thể, hay tổ chức bảo vệ cho khu Di sản thế giới. Toàn bộ khu di sản đề xuất bổ sung đã được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt và sẽ được quản lý theo các điều khoản trong kế hoạch quản lý khu di sản đã ban hành.

Các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Tràng An

Tràng An là địa danh nổi bật ở Đông Nam á và có ý nghĩa toàn cầu trong việc minh chứng cách thức con người sớm tương tác với cảnh quan thiên nhiên và thích ứng với những biến động lớn của môi trường trong giai đoạn hơn 30.000 năm (Tiêu chí V): Lịch sử văn hóa lâu dài nơi đây gắn liền với quá trình tiến hóa địa chất của khu sơn khối đá vôi Tràng An (trên 11 nghìn năm trước). Trong giai đoạn này, con người trải qua một số biến động môi trường và khí hậu khắc nghiệt nhất trong lịch sử Trái đất, bao gồm cả việc nước dâng ngập cảnh quan nhiều lần do dao động của mực nước biển. Trong một cảnh quan cô đọng như vậy, nhiều di chỉ có các giai đoạn cư trú và chức năng khác nhau, kể cả hệ thống cư trú của con người sớm mang tính duy nhất.

Cảnh quan tháp karst Tràng An là một trong những khu vực đẹp và ngoạn mục nhất thuộc loại này trên thế giới (Tiêu chí vii): Thống trị cảnh quan là các tháp đá vôi hùng vĩ cao tới 200m với tấm thảm rừng phủ lên trên, ở nhiều chỗ các tháp đá vôi này nối liền nhau, vây kín các trũng sâu, nơi có các đường nước thông nhau qua vô số các hang động ngầm.

Tràng An là một di sản địa chất tuyệt vời, thể hiện các giai đoạn cuối cùng của quá trình tiến hóa cảnh quan karst trong môi trường nhiệt đới ẩm rõ hơn bất kỳ nơi nào khác trên Trái đất (Tiêu chí viii):. Chính sự phân cắt sâu một khối đá vôi được nâng lên trong suốt giai đoạn năm triệu năm đã tạo nên hàng loạt các cảnh quan karst cổ điển, bao gồm các tháp, nón, trũng sâu khép kín (hố sụt), các thung lũng tiêu nước hướng tâm (bồn địa), các hang động ngầm và xuyên thủy có các trầm tích hang động. Sự dao động của mực nước biển trước đây thể hiện qua một loạt các ngấn xâm thực trên các vách đá cao, với các hang động liên quan, các sàn ngấn sóng, bồi tích bãi biển và các lớp vỏ nhuyễn thể biển.

Về tính toàn vẹn, Khu di sản có đủ các yếu tố kích thước và phạm vi để chứa đựng toàn bộ sơn khối đá vôi, với đầy đủ các dạng địa hình karst cổ điển và các quá trình địa mạo liên quan. Khu vực này cũng bao gồm tất cả các hang động và các di chỉ khảo cổ học. Địa hình hiểm trở khiến khu vực này không có người dân cư trú và khai thác, phần lớn khu vực lõi vẫn giữ ở trạng thái tự nhiên. Kiến thức về giá trị văn hóa nổi bật toàn cầu của khu di sản chủ yếu dựa trên các bằng chứng khảo cổ học qua những nghiên cứu chuyên sâu ở các di chỉ hang động, nơi mà phần lớn vẫn giữ được ở tình trạng nguyên khởi – một điều hiếm thấy ở Đông Nam á. Các tài nguyên khảo cổ học phong phú chủ yếu là các tích tụ nhuyễn thể, chứa đựng vỏ nhuyễn thể, xương động vật, công cụ đá, bếp lửa, gốm vặn thừng và một số di cốt người. Các di chỉ còn cung cấp tư liệu về cổ môi trường sinh động qua phân tích phấn hoa, hạt quả, mô thực vật, di cốt động vật, và các bằng chứng địa mạo về đường bờ biển cổ.

Từ khi được vinh danh là Di sản Văn hóa, Thiên nhiên Thế giới, hoạt động du lịch được bài bản hơn từ khai thác các tuyến du lịch, kiểm soát tình trạng quá tải tại một điểm đến, tiến hành các cuộc khai quật dưới sự tài trợ của trường Đại học Cambridge – Queens (Vương quốc Anh) giúp đỡ, tiến hành khai quật nghiên cứu những giá trị văn hóa còn ẩn sâu của Tràng An. Điều này, khẳng định tỉnh Ninh Bình đã đặc biệt quan tâm nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp gắn kết chặt chẽ với sự quản lý của Nhà nước và sự phối hợp trách nhiệm của người dân, cộng đồng dân cư vùng di sản, thông qua đó góp phần nâng cao hiệu quả đổi mới công tác quản lý, làm tốt hơn trong hoạt động du lịch trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.


Nguyễn Minh

Nguồn: Ninh Bình Online

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/phat-huy-va-gin-giu-gia-tri-noi-bat-toan-cau-cua-di-san-trang-an-a8703.html