Vùng đất Cát Tiên thuộc tỉnh Lâm Đồng lâu nay được người dân địa phương xem là “miền đất thánh” bởi những bí mật ngàn năm chưa được giải mã đầy đủ. Trong khi đó, các nhà khảo cổ gọi vùng đất này là Thánh địa Cát Tiên.
Hàng ngàn hiện vật
Lần theo những câu chuyện nhuốm màu hư thực, chúng tôi tìm về vùng dốc Khỉ, nơi có Khu Di chỉ khảo cổ Cát Tiên - di tích duy nhất đến nay trên vùng đất Tây Nguyên được công nhận là Di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Từ TP Đà Lạt đi dọc Quốc lộ 20 về phía Nam tỉnh Lâm Đồng hơn 200 km rồi rẽ phải, Thánh địa Cát Tiên với hàng ngàn hiện vật được tìm thấy trong 30 năm nay vẫn đang chờ các nhà khoa học, khảo cổ giải mã. Năm 1984, 2 cán bộ Bảo tàng Lâm Đồng tình cờ phát hiện di tích này trong một chuyến điền dã. Lập tức, Thánh địa Cát Tiên thu hút sự quan tâm của giới khoa học.
Di tích khảo cổ Cát Tiên trải dài khoảng 15 km dọc theo tả ngạn sông Đồng Nai. Di tích này còn kéo dài về phía hạ nguồn Bù Đăng của tỉnh Bình Phước. Di tích được phân bổ dày đặc, tập trung tại xã Quảng Ngãi và một phần của hai xã Đức Phổ, Gia Viễn thuộc huyện Cát Tiên.
Khu Di tích Cát Tiên nằm bên dốc Khỉ, cạnh lưu vực sông Đồng Nai còn là ẩn số đối với các nhà nghiên cứu, khảo cổ
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó trưởng Ban Quản lý di tích Cát Tiên, cho biết: “Ngay từ khi mới phát hiện, các nhà khảo cổ đã cho rằng đây rất có thể là một trung tâm tôn giáo, là thủ đô của một vương quốc cổ bị lãng quên. Tuy nhiên, qua gần 10 lần khai quật, đến nay, chủ nhân “mê cung thần linh” Cát Tiên vẫn còn là điều gây tranh cãi trong giới khoa học”.
Năm 1994, gần 10 năm sau sau khi được phát hiện, khu di tích được tiến hành khai quật khảo cổ và nghiên cứu. Kết quả khai quật đã phát lộ nhiều kiến trúc đền tháp, mộ tháp, nhà dài, đường đá cổ, máng nước… Quá trình khai quật còn tìm thấy hơn 1.000 hiện vật, gồm nhiều chất liệu: vàng, bạc, đồng, sắt, đá quý, gốm, đá... Ngoài ra, nhiều ngẫu tượng Linga, Yoni (bộ phận sinh dục của nam và nữ), tượng thần Ganesa, Uma, các lá vàng dập nổi hình vị thần, các linh vật thuộc Bà la môn giáo… cũng được tìm thấy.
Ông Nguyễn Văn Tiến đưa chúng tôi đến Thánh địa Cát Tiên vào một buổi sáng đầu năm. Ánh nắng nhanh chóng bao trùm khu di tích và nóng như đổ lửa khiến hơn 100 bậc tam cấp dẫn lên gò 1A với độ cao 50 m ở xã Quảng Ngãi như cao hơn. “Ðây là cái gò cao và đẹp nhất, được người xưa chọn để xây đền tháp chính của khu thánh địa. Khi khai quật gò 1A, các nhà khảo cổ đã phát hiện bộ Linga - Yoni lớn nhất Ðông Nam Á. Linga cao 2,1 m, đường kính 0,7 m và Yoni có cạnh dài tới 2,26 m” - ông Tiến giới thiệu.
Theo ông Tiến, qua gần 10 lần khai quật, các nhà khoa học, khảo cổ trong và ngoài nước đã phát hiện hàng ngàn “báu vật” nhưng vẫn chưa giải mã chúng một cách rõ ràng. “Những hiện vật này đang được trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng. Khi nhà trưng bày tại Khu Di tích Cát Tiên xây dựng hoàn thành trong năm 2017, chúng sẽ được đưa về đây chờ các nhà nghiên cứu khảo chứng” - ông cho biết.
Ông Tiến tiết lộ “mê cung thần linh” Cát Tiên có tới 20 ngôi đền, mộ tháp quy mô lớn và cổ kính vùi trong lòng đất, mang dấu ấn Bà la môn giáo với tục thờ phồn thực. Trong lòng các đền, tháp luôn có bệ thờ Linga - Yoni, còn trên mi cửa và vách được khắc tạc các thiên tiên hay vũ nữ khỏa thân...
“Pho sử” trên những lá vàng
Khi khai quật Khu Di chỉ khảo cổ Cát Tiên, các nhà khoa học đã phát hiện 265 lá vàng yểm trong các đền, tháp. Việc này khiến giới khảo cổ rất phấn khích. Theo GS Hà Văn Tấn, nhà sử học và khảo cổ học, đây là “pho sử” trên vàng vô cùng thú vị và hấp dẫn.
TS Nguyễn Tiến Ðông, Viện Khảo cổ học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cũng cho rằng bộ hiện vật kim loại vàng này cực kỳ quý giá, không chỉ về mặt chất liệu mà lớn hơn là ý nghĩa văn hóa. Theo ông, người xưa đã sử dụng kỹ thuật vẽ chìm và gò nổi để lưu lại lên những lá vàng hình ảnh các vị thần như Shiva, Vishnu, Brama, India; các linh vật như voi, sư tử, lợn rừng; các hoa văn, biểu tượng trang trí cung đình như sóng nước, hoa sen, cánh hoan kết dải, bánh xe luân hồi… Nghệ thuật tạo hình trau chuốt, kỳ công, điêu luyện, tạo nên những đường nét hài hòa, sắc sảo, phóng khoáng…, diễn tả những ma lực của thần linh, sự sinh sôi và khát vọng vươn lên. Hình vẽ trên hàng trăm lá vàng như mê cung của các thần linh nên nhiều nhà khảo cổ nhận định đây có thể là một trung tâm tôn giáo, thủ đô của một vương quốc cổ bị lãng quên.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Tuấn, một hướng dẫn viên ở Thánh địa Cát Tiên, cho rằng khu di tích này là một kho báu vô giá. Về việc các linh vật Linga - Yoni xuất hiện những rạn nứt và không còn nguyên vẹn, anh Tuấn giải thích: “Khi được khai quật, 2 linh vật này còn khá nguyên vẹn. Tuy nhiên, công tác bảo vệ, bảo quản thời đó còn sơ sài; nhiều người dân nghĩ trong các linh vật này chứa vàng, vật quý nên đã xâm hại”.
Theo ông Nguyễn Văn Tiến, từ khi phát hiện và qua gần 10 lần khai quật, mỗi đợt lại phát hiện thêm những hiện vật mới với niên đại khác nhau ở “mê cung thần linh” Cát Tiên. “Điều đó không chỉ tạo nên sự tò mò cho các nhà khoa học mà còn khiến khu di tích khảo cổ này ngày càng huyền bí hơn” - ông nhận xét.
Nơi ở của thần linh
Theo già làng Điểu K’ Giang ở xã Quảng Ngãi, truyền thuyết của người Mạ kể rằng thuở xưa, có một chàng trai vào rừng săn thú. Trên đường đi, chàng gặp một thác nước khổng lồ cản đường và giương cung bắn mà không biết đó chính là Thần Nước. Thần nổi giận đuổi theo. Chàng chạy tới đâu, dòng nước cuốn theo tới đó. Đang đuổi bắt, Thần Nước bỗng thấy trước mặt có những nàng tiên xinh đẹp tắm gội, đùa vui trên dòng suối. Trên bờ là bãi cát trắng ngần, tinh khiết cùng muôn loài cỏ cây hoa tỏa hương thơm ngát. Mải ngắm nhìn, Thần Nước quên đi nỗi tức giận, những dòng nước lớn tỏa ra, đọng lại thành từng bàu lớn. Các địa danh: Cát Tiên, Bàu Sen, Bàu Sấu, Bàu Chim… ra đời từ đó.
Cũng theo truyền thuyết của người Mạ, đồi Khỉ cạnh dòng Đạ Đờng (tên gọi của người Mạ về sông Đồng Nai) vốn là nơi ở của các thần linh. Mỗi vị thần có một quyền năng. Trên các gò, đồi, các vị thần đều xây cho mình những cung điện nguy nga, rộng lớn. Ngày nọ, một trận mưa đá đã vùi lấp tất cả cung điện, đền đài. Các thần bỏ đi, cây cối mọc lên, thú rừng về ở, vùng đồi Khỉ trở nên hoang vắng, chìm khuất dưới bóng đại ngàn...
Đình Thi