Văn hóa dân tộc - lớp phòng thủ cuối cùng của một quốc gia

Mùa xuân là mùa của lễ hội Việt Nam, cũng tức là mùa của văn hóa truyền thống nhân dân ta. Mà ở bất kỳ quốc gia nào cũng vậy, người dân có giữ được nước hay không, chính là ở cái ý thức có giữ được văn hóa dân tộc hay không.



Phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam trong kinh doanh (Ảnh minh họa theo Cinet)

Văn hóa dân tộc là lòng tự tôn của dân tộc đó

Một dân tộc phải có lòng tự tôn, thì mới quyết tâm giữ nước. Đó là quy luật vĩnh viễn xưa nay.

Qua hàng nghìn năm giao lưu với bên ngoài mà văn hóa dân tộc còn được giữ lại, thì đó chính là biểu hiện còn lòng tự tôn của dân tộc ấy.

Để bảo vệ được Tổ quốc, thì người ta phải chấp nhận hi sinh xương máu, tính mạng của mình để "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", chứ  không phải chỉ là những lời hô hào khẩu hiệu, những việc làm chạy theo phong trào mà mong bảo vệ được Tổ quốc. Cho nên, để bảo vệ được đất nước, thì mỗi người phải có động lực rất lớn, lớn đến nỗi sẵn sàng hi sinh tính mạng của mình vì Tổ quốc. Động lực đó, đương nhiên chính là lòng yêu nước. Vậy lòng yêu nước mãnh liệt ấy từ đâu mà có?

Nếu lòng yêu nước mà mãnh liệt được đến mức "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" ấy, thì lòng yêu nước đó phải là từ sự thần tượng hóa đối với Tổ quốc mình.

Nhưng nếu như đất nước họ không phải là một cường quốc, mà chỉ là một quốc gia nhỏ, thậm chí có khi đầy rẫy khó khăn trở ngại, thiên tai hiểm họa, thì có cái gì để mà họ yêu, họ thần tượng?

Đó chính là văn hóa bản sắc của dân tộc họ. Vì đó là thứ mang ý chí tự do tư tưởng của họ, cho nên, họ muốn chống lại ngoại xâm, thế lực đã cưỡng ép họ phải từ bỏ thứ mang ý chí tự do tư tưởng đó. Vì thực ra,  sự thần tượng văn hóa dân tộc chính là lòng tự tôn về ý chí tự do tư tưởng của dân tộc đó, được thể hiện qua văn hóa bản sắc của họ, thứ mà họ muốn giữ lấy truyền lại muôn đời sau.

Văn hóa dân tộc là thể hiện lòng trung hiếu với tổ tiên

Nếu như trước kia, thì còn là vì bị ngoại xâm chà đạp áp bức bóc lột thậm tệ mà người ta vùng lên chống ngoại xâm để bảo vệ Tổ quốc mà bảo vệ quyền lợi của mình. Nhưng ngày nay, các đế quốc cũng đã biết cách làm "minh quân" để thu phục thiên hạ, lập ra những hình thức cai trị linh hoạt như: một đất nước hai chế độ, vùng tự trị, liên bang trực thuộc,... để làm yên lòng người bản xứ.

Nếu ở thuở ban đầu mới dựng nước, thì lòng yêu nước đó là lòng tự tôn của một dân tộc, không chịu bị ngoại bang chinh phục. Còn về các đời sau, thì lúc này, ngoài lòng tự tôn, lòng yêu nước còn là thể hiện cái tình cảm của thế hệ sau đối với thế hệ trước, yêu nước như là yêu cha mẹ của mình. Do đất nước đã hòa quyện thân xác của bao thế hệ cha ông đã ngã xuống, cho nên đất nước là kỉ vật thiêng liêng của cha ông để lại, bảo vệ đất nước cũng là bảo vệ thân xác cha ông, quyết không để ngoại bang cướp đoạt. Đó là thể hiện cái lòng trung hiếu của thế hệ sau đối với thế hệ trước.

Mà người đời sau chỉ có thể ghi nhớ được hình ảnh các thế hệ tổ tiên trước của mình như thế nào, chính là qua văn hóa bản sắc dân tộc.

Nhờ có văn hóa bản sắc dân tộc, các thế hệ về sau luôn lưu giữ lại được hình ảnh của cha ông thuở trước, để mà duy trì được lòng trung hiếu với cha ông, vì có lòng trung hiếu đó mà "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", quyết giữ trọn lòng trung thành với tổ tiên của mình mà chống ngoại xâm đến cùng, cho dù ngoại xâm dùng đủ mọi thủ đoạn đe dọa và dụ dỗ để thôn tính. Và đương nhiên, chừng nào họ còn giữ được văn hóa bản sắc thì họ mới còn giữ được lòng trung hiếu với tổ tiên, mới còn quyết tâm bảo vệ Tổ quốc đến cùng.

Văn hóa dân tộc là sức đề kháng ngoại xâm của dân tộc

Điều này được minh chứng rất rõ ở dân tộc ta. Mặc dù bị 1000 năm phương Bắc đô hộ và tích cực thực hiện đồng hóa văn hóa, nhưng nhờ giữ được tiếng nói Việt, sáng tạo chữ Nôm, và nhiều thứ tiếp thu cải biên khác, mà dân tộc ta cuối cùng đã thoát khỏi cái ách 1000 năm Bắc thuộc, một kỳ tích mà ít dân tộc trong vùng làm được, khiến cho cả khu vực ngày nay cũng phải ngỡ ngàng. Chính nhờ cố giữ được nền văn hóa còn có sự khác biệt, mà dân ta đã không bị sát nhập vào các triều đại phương Bắc, vùng lên giành độc lập thành công, lập chính quyền riêng của dân ta, dù phải hi sinh biết bao núi xương sông máu.

Cho nên, văn hóa bản sắc dân tộc, chính là lớp phòng thủ cuối cùng của một quốc gia.  Và tất nhiên, để bảo vệ được Tổ quốc, lớp phòng thủ này phải được thường xuyên củng cố vững chắc qua các thế hệ, giáo dục con cháu không được quên vị trí trọng yếu của lớp phòng thủ cuối cùng này.

Tuy nhiên, ngày nay, các lễ hội văn hóa dân tộc đang bị các địa phương thương mại hóa, hiện tượng buôn thần, bán thánh ngày càng nhiều, làm hỏng đi ý nghĩa thiêng liêng của văn hóa cha ông, rất cần phải được chấn chỉnh nghiêm khắc, kịp thời.    


Phạm Mạnh Hà

Nguồn: laodong.com.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/van-hoa-dan-toc-lop-phong-thu-cuoi-cung-cua-mot-quoc-gia-a8628.html