08/02/2017 08:28
08/02/2017 08:28
Bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội mùa xuân quê Thanh
Mùa xuân - mùa lễ hội. Theo sự vần xoay của vũ trụ, của đất trời mang đến cho xứ sở này một năm có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông - ấm áp, nắng ngập tràn, hanh heo và giá rét... Như cây đào, cây mận suốt cả mùa đông dài gom góp từng hạt sương mỗi sáng, rễ siêng chắt chiu trong đất cằn, cành lá khẳng khiu đón lấy khí trời trong trẻo... để khi xuân về bỗng bừng lên muôn sắc. Mùa xuân đến, lễ hội ở các làng quê tỉnh Thanh rực rỡ tỏa hương, khoe sắc.
Cũng như lễ hội cổ truyền trên phạm vi cả nước, xứ Thanh có các loại hình lễ hội tiêu biểu đó là: Lễ hội thờ các nhân vật huyền thoại có bóng dáng lịch sử; Lễ hội thờ các vị Thành hoàng làng - có công dựng làng, lập bản, truyền dạy nghề nghiệp; lễ hội tôn vinh các anh hùng lịch sử; lễ hội tôn giáo; lễ hội gắn với các hiện tượng của tự nhiên...
Lễ hội cổ truyền ở Thanh Hóa diễn ra hầu như quanh năm, nhưng tập trung nhiều nhất là mùa xuân. Từ non cao Mường Lát theo dòng Mã giang về cửa biển Lạch Trào, hay khởi đầu từ đèo Ba Dội tới đèo Hoằng Mai, hoặc về nơi bát ngát cánh đồng xanh màu ngô lúa của đôi bờ sông Chu trù phú... đến bất cứ nơi đâu của miền “địa linh nhân kiệt” cũng đều bắt gặp đủ sắc màu hội lễ xốn xang, lay động lòng người, biết ơn tiền nhân, hướng về cội nguồn dân tộc.
Lễ hội xứ Thanh khởi đầu từ tháng Giêng và kéo dài suốt tháng Ba âm lịch. Khởi đầu là lễ hội của đồng bào Thái khi nghe tiếng sấm vào đầu năm mới, lễ hội Gầu Tào của người Mông bắt đầu từ sau vụ thu hoạch cuối năm, lễ hội rước đình liệu của cư dân vùng chiêm trũng làng Động Bồng vào lúc đón giao thừa... Sau thời khắc giao thừa các lễ hội thờ các vị nhiên thần khởi mở, vào ngày mùng 5 tết, từ địa đầu Bỉm Sơn cho tới các cửa sông đổ ra biển cả, lễ hội của các làng Cự Nham, Do Xuyên, Nghi Sơn tưng bừng trống dong cờ mở, gợi nhớ về phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn và lòng thành kính, ngưỡng vọng, biết ơn vị anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung đánh tan quân Thanh xâm lược, giải phóng đất nước. Lễ hội được mở ra từ đèo cao Ba Dội tới suốt dọc bờ biển tỉnh Thanh đến đâu cũng hiện ra tinh kỳ phấp phới, vang tiếng reo hò của dân binh mở hội đua thuyền và hình tượng Quang Trung tập duyệt quân binh thần tốc trên đường ra Bắc.
Từ non cao tới biển khơi vui hội nhưng người dân không sao nhãng việc chăm lo sản xuất. Các làng bản người Mường, Thái, Kinh, Thổ... mở hội khai hạ, xuống đồng. Bản Lùm Nưa, mường Trịnh Vạn mở hội Nàng Han cầu cho nhân khang, vật thịnh; Làng Ngọc, Cẩm Lương mở hội cầu nước cho cây trồng quanh năm tươi tốt; Làng Giáp Mai (Nông Cống) tổ chức cấy cày, đưa cây mạ xuống ruộng đầu tiên và mong ước cho mùa về “lúa tốt bằng mây, lúa xây sậm hạt”. Các làng chài ven sông biển mở hội cầu ngư tôn vinh các vị Thủy thần và thần Biển như: Độc Cước, Tứ vị Thánh Nương, Đức ông sông nước, Nam Hải cự tộc Ngọc Lân tôn thần - Cá Voi... phù trợ, giúp đỡ ngư dân "đi khơi gặp đống, đi lộng gặp tía", cuộc sống yên lành, cho "cơm đầy rá, cá đầy nồi".
Lễ hội cầu ngư ở Ngư Lộc, Hậu Lộc - Ảnh: Trọng Thắng
Xứ Thanh, miền đất của huyền thoại, cổ tích. Miền đất này có vai trò quan trọng trong việc hình thành quốc gia, dân tộc, hình thành văn hóa... mang đậm tính huyền sử. Trong mỗi bản làng, từ non cao tới đồng bằng và tận biển khơi ở đâu cũng xuất hiện và lưu dấu các nhân vật khổng lồ có sức mạnh phi thường xẻ núi lấp biển, những Ông Gióng đánh giặc Ân, An Dương Vương, Mỵ Châu - Trọng Thủy, các vị Thánh Cao Sơn Đại vương, Tứ Vị Thánh Nương, Thánh Lưỡng, Thánh Bưng... nửa huyền thoại, nửa lịch sử. Xứ Thanh như là “sân khấu chính trị” của đất nước, chứng kiến bao sự kiện lịch sử hào hùng, nơi khởi nghiệp của nhiều vị vua anh minh, nhiều anh hùng dũng sĩ. Cuộc đời và chiến công của họ đã được sử sách lưu danh, nhân dân lập đền miếu thờ phụng, hàng năm mở hội tưởng niệm thông qua các lễ nghi, phong tục, hội hè, được tái hiện trong diễn xướng dân gian thấm đậm tinh thần yêu quê hương xứ sở được linh thiêng hóa.
Các lễ hội tôn vinh các vị anh hùng dân tộc không chỉ diễn ra trong phạm vi làng mà có không gian và tầm ảnh hưởng rộng lớn, đó là hội làng Phú Điền (Hậu Lộc), Tân Ninh (Triệu Sơn), Xuân Du (Như Thanh)... tưởng nhớ Bà Triệu người nữ anh hùng với tiếng cồng tiến quân vọng mãi ngàn năm làm cho giặc Ngô khiếp vía; hội làng Đồng Cổ (Đan Nê) thờ thần Đồng Cổ - hồn thiêng sông núi; Hội làng Tép thờ Lê Lai tôn vinh dũng tướng liều mình cứu chúa; Hội làng Trung Lập thờ vua Lê Đại Hành người xây dựng triều đại Tiền Lê và đặt nền móng, mở ra thời kỳ phát triển cho vương triều Lý, trong hội có lệ tục cày ruộng tịch điền, khuyến khích việc canh nông...
Lễ hội mang tính lịch sử gắn với các nhân vật được lịch sử hóa như lễ hội đền Bà Triệu, Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Phụng Hiểu, Lê Lợi, Quang Trung,... thường có quy mô vượt ra khỏi phạm vi của làng, trở thành lễ hội của một vùng... Phần lớn lễ hội ở các miền quê Thanh đều mang tính dân gian đậm nét, nhưng cũng có những lễ hội mang tính cung đình như Lễ hội Lam Kinh, lễ hội đền Lê với “Bình Ngô phá trận” và “Chư hầu lai triều”, lễ hội làng Xuân Phả với màn hát múa, diễn tích “Ngũ quốc đồ tiến cống”.
Lễ hội ở Thanh Hóa có các loại hình hội làng gắn với thờ cúng Thành hoàng làng, không chỉ là các nhân vật lịch sử, những nhân thần có công với dân làng, mà còn tôn vinh những con người mở mang ngành nghề, xây dựng quê hương, sau khi mất hiển linh trở thành các vị tổ nghề. Tiêu biểu là lễ hội làng Trà Đông thờ ông tổ của nghề đúc đồng; lễ hội làng Triều Dương tôn vinh Bà Triều truyền dạy cho dân làng nghề đan dệt săm xúc;... với mong ước cầu ngư, cầu mùa màng tươi tốt, cầu an, dân khang, vật thịnh.
Liên quan tới hệ thống lễ hội của Thanh Hóa còn có hệ thống các vị thần linh của các tôn giáo, tín ngưỡng, như Phật giáo, Đạo giáo dân gian, các tín ngưỡng liên quan tới Sơn thần, Thủy thần, liên quan tới các nghi lễ nông nghiệp, ngư nghiệp, các thần tổ các ngành nghề... Đó là lớp thần tích vừa do sự tưởng tượng, sáng tạo của dân và về sau này còn là sự phong thần của triều đình phong kiến. Các lễ hội gắn với các tôn giáo tín ngưỡng, như hội chùa, hội nhà thờ Thiên chúa giáo, đặc biệt là các lễ hội gắn với tín ngưỡng dân gian, như hội đền Sòng, Phố Cát của Đạo Mẫu, lễ hội chù Mậu Xương của Đạo Đông (Nội Đạo)... hàng năm “xuân thu nhị kỳ” lễ hội khai mở nhưng phần lớn diễn ra vào dịp mùa xuân.
Lễ hội có quy mô ở một dòng họ, một làng bản và liên làng bản, liên vùng. Theo thống kê chưa đầy đủ, lễ hội cổ truyền xứ Thanh có hơn 70 lễ hội có quy mô lớn. Các lễ hội tiêu biểu vào mùa xuân như: Lễ hội Cửa Đặt, Phủ Na, lễ hội đền Độc Cước, Quang Trung, hội làng Xuân Phả, hội đền Bà Triệu, hội làng Cự Nham, hội đền Sòng - Phố Cát, Hội làng Ngư Lộc, hội chùa Báo Ân rước nước dâng tế thần linh, đức phật...
Hội làng mùa xuân ở Thanh Hóa ngoài các nghi thức cúng bái, rước tế mang tính linh thiêng, các trò diễn cũng đóng vai trò rất quan trọng. Hiếm có địa phương nào như ở Thanh Hóa còn bảo lưu kho tàng dân ca nghi lễ và trò diễn dân gian điển hình, phong phú như vậy. Điều này chỉ có thể giải thích từ miền “địa linh nhân kiệt”, người Thanh Hóa anh hùng mà trọng nghĩa nhân, cơ cấu tổ chức làng bền vững, từ sinh hoạt hội làng, hội vùng với sự đa dạng của mỗi vùng miền và dân tộc, đó chính là môi trường nảy sinh, nuôi dưỡng và phát triển của dân ca nghi lễ và trò diễn dân gian trong lễ hội.
Lễ hội truyền thống mùa xuân, không chỉ thỏa mãn những nhu cầu của con người trở về nguồn mà còn cố kết và biểu dương sức mạnh cộng đồng, về cân bằng đời sống tâm linh, về sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa và lễ hội còn là bảo tàng sống văn hóa cổ truyền của dân tộc. Giá trị của lễ hội cổ truyền xứ Thanh cần khôi phục, phát huy, đáp ứng nhu cầu của mọi người dân, phát triển kinh tế, du lịch và góp phần xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, quê hương.
Hoàng Minh Tường
Nguồn: vanhoadoisong.vn
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-le-hoi-mua-xuan-que-thanh-a8623.html