Lễ phát lương Đền Trần Thương là Di sản văn hóa

Đêm 10-2, tại Đền Trần Thương (xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, Hà Nam) sẽ diễn ra lễ đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, đồng thời khai hội lễ phát lương Đức Thánh Trần năm 2017.

Đền Trần Thương là nơi thờ Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng gia quyến và các bộ tướng có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông thế kỷ XIII. Trong số các di tích thờ Trần Hưng Đạo trên đất Hà Nam và cả nước, đền Trần Thương là di tích tiêu biểu, có quy mô kiến trúc lớn. Ngày 23-12-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định xếp hạng đây là di tích quốc gia đặc biệt.

Ngôi đền thâm nghiêm, cổ kính tọa lạc trên đất thiêng “Hình nhân bái tướng”, “Ngũ mã thất tinh” được xây kiểu “Tứ thủy quy đường”. Tổng thể kiến trúc cảnh quan ngôi đền gồm nghi môn ngoại, nghi môn nội, năm tòa, 15 gian, chia thành ba cung: đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, hai giải vũ cùng năm giếng.

Theo các bậc cao niên, hằng năm, cứ vào tiết “Tháng tám giỗ cha”, các cụ đều có lệ rước nước và nhập lương từ sông Hồng. Tục này nhằm tái hiện lại sự kiện lịch sử về việc phát lương khao quân của quân đội nhà Trần khi đánh thắng giặc Nguyên - Mông lần thứ ba (năm 1288) trở về. Dựa trên những yếu tố lịch sử và tâm linh, từ năm 2010, tỉnh Hà Nam đã tổ chức lễ phát lương Đức Thánh Trần nhằm cầu lộc, cầu phúc, cầu một năm sung túc, no đủ cho nhân dân và khách thập phương về lễ bái tại đền. Nghi lễ phát lương tại đền Trần Thương diễn ra cùng thời điểm với lễ khai ấn tại đền Trần (Nam Định).

Nghi lễ phát lương được chia làm ba phần. Mở đầu là lễ rước lương thảo từ kho lương vào trong đền. Lễ gồm bảy mâm đựng những túi lương nhỏ do bảy cô gái thanh tân mặc áo dài màu đỏ, chít khăn đỏ đội. Cùng với đó là chín chàng trai mặc quần áo màu đỏ, đầu đội nón lá đỏ, thắt lưng khăn vàng, chân quấn xà cạp viền xanh, đi giày vải màu vàng khiêng kiệu, trên kiệu đặt ba túi lương lớn.

Phần thứ hai là lễ châm đuốc và dâng hương, phần thứ ba là bảy cô gái, chín chàng trai rước lương thảo vào hậu cung làm mật lễ.

Những năm gần đây, mỗi dịp lễ hội, ban tổ chức phát khoảng 150.000 túi lương tại 30 điểm. Du khách sẽ nhận được một túi lụa màu đỏ cùng với ấn và thẻ, bên trong có túi lương bao gồm ba loại hạt chủ lực của địa phương là ngô đỏ, đậu tương và nếp cái hoa vàng.

Việc tổ chức lễ phát lương tại đền Trần Thương không chỉ mang ý nghĩa khai lộc đầu xuân, mà còn góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo sự đoàn kết trong nhân dân, giáo dục con cháu về truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của ông cha.

Dưới đây là một vài hình ảnh chuẩn bị cho lễ phát lương tại đền Trần Thương (Hà Nam):





Chuẩn bị cho lễ đón nhận bằng di sản văn hóa  phi vật thể Quốc gia ở đền Trần Thương.



Cây bồ đề do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trồng tại đền Trần Thương ngày 2-2 vừa qua.



Một điểm được chuẩn bị để phát lương cho du khách trong ngày lễ hội.

Công Thi

Nguồn: Pháp Luật TP.HCM

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/le-phat-luong-den-tran-thuong-la-di-san-van-hoa-a8619.html