07/02/2017 10:13
07/02/2017 10:13
Về phương Nam thăm ngôi chùa "không nhang khói"
Nằm trên một ngọn đồi phía Tây ngạn sông Đồng Nai, chùa Bửu Long tọa lạc tại số 81 Nguyễn Xiển, phường Long Bình, quận 9, cách trung tâm TP.HCM khoảng 20km. Điều khác biệt, chùa Bửu Long không thắp nhang, người dân chỉ đến cầu nguyện và tham quan cảnh chùa.

Bảo tháp Gotama Cetiya - Ảnh: Báo Thanh Niên
Chùa Bửu Long được thành lập năm 1942, đến năm 2007 thì được trùng tu và xây dựng thêm. Chùa thuộc hệ phái Phật giáo nguyên thủy, được xây dựng theo nét kiến trúc đặc trưng của các chùa ở Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Myanmar…, kết hợp cùng nét kiến trúc các chùa thời Nguyễn. Nhờ đó, chùa Bửu Long mang vẻ đẹp rất riêng, vừa khiêm nhường nhưng cũng vừa lộng lẫy.
Chùa có khuôn viên rộng hơn 11 ha, nằm trên một ngọn đồi bao quanh bởi rừng cây xanh, hướng ra bờ sông Đồng Nai. Đây là nơi lý tưởng để bạn vừa tham quan du lịch vừa tìm thấy sự thanh tịnh cho riêng mình.
Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã đặt văn phòng tại đây để làm trung tâm nghiên cứu và giới thiệu lịch sử hình thành Phật giáo nguyên thủy.
Đặc biệt, chùa Bửu Long có một Bảo tháp Gotama Cetiya thờ xá lợi Đức Phật và Chư Thánh Tăng, rộng trên 2.000m², cao 70m, một kiến trúc vừa hoành tráng hiện đại vừa biểu hiện nét cổ kính nhất của nền văn minh Suvannabhumi cổ đại trong vùng Đông Nam Á. Bảo tháp có qui mô lớn nhất Việt Nam, cao 3 tầng với chiều cao 56 mét và 04 tháp xung quang với tên gọi: tháp Đản sinh, tháp Thành đạo, tháp Pháp luân, tháp Niết bàn. Tháp có tổng sức chứa trên 2000 người cùng vào tham quan chiêm bái xá lợi Phật.
Kiến trúc chùa theo văn hóa Phật giáo cổ đại và liên tục được trùng tu tôn tạo gồm chánh điện, Tăng xá, trai đường, khách đường, tổ đường, thiền thất của chư Tăng, Ni viện, Ni xá và am thất của Tu nữ, tịnh nhân.
Ngoài ra còn có một động khổ hạnh tưởng niệm 6 năm Bồ-tát Tất-đạt-đa tu khổ hạnh và một tượng Phật nằm (tạc từ đá granite dài 8m, nặng trên 50 tấn), xung quanh trang trí 10 trụ đèn cũng bằng đá granite, điêu khắc theo mẫu trụ đá vua Asoka (A Dục) tại các Phật tích Ấn Độ.
Chính điện ngày nay được trùng tu từ di tích cũ - nơi Tổ sư và Đại đức Lão Tâm để lại, chủ yếu là tôn tạo cho khang trang và tiện nghi hơn, nhưng vẫn giữ lại hình dáng như cũ, chỉ thêm phần tiền đường và một vài chi tiết phối hợp giữa kiến trúc Phật giáo Đông Nam Á với kiến trúc triều đại nhà Nguyễn.
Tọa lạc trên một ngọn đồi nên không khí nơi đây mát mẻ quanh năm, kết hợp với khuôn viên rộng rãi, cây xanh phủ bóng làm cho du khách cảm thấy tâm hồn thanh tịnh dịu dàng khi bước chân đến nơi này.
Ngước mắt lên bầu trời xanh, ngắm nhìn tòa bảo tháp uy nghiêm lộng lẫy, văng vẳng bên tai là tiếng chuông gió phát ra từ trên đỉnh bảo tháp, một không gian lý tưởng để bạn gột rửa tâm hồn, tìm về chốn bình yên sau bao bộn bề của cuộc sống.

Người dân tới đây chỉ chiêm bái, cầu nguyện chứ không thắp hương - Ảnh: infonet
Cứ mỗi dịp đầu năm mới, người dân TP.HCM và các tỉnh lận cận lại đến chùa này để cầu nguyện và tham quan cảnh chùa. Tuy nhiên, mọi người đến đây chỉ chiêm bái cầu nguyện chứ không thắp hương trong chùa giống như các chùa chiền thường thấy.
Linh Linh (Tổng hợp)
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ve-phuong-nam-tham-ngoi-chua-khong-nhang-khoi-a8610.html