Nghệ An: Gian nan việc cấp sổ đỏ ở khu tái định cư Thanh Sơn - Ngọc Lâm

Chuyển đến từ khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ huyện Tương Dương năm 2006, nhưng đến nay hàng ngàn hộ dân của 2 khu tái định cư thuộc xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Điều này dẫn đến việc các hộ dân ở đây trong mấy năm qua gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế ở vùng đất mới, nhiều hộ vì thiếu đất canh tác đã phải rời bỏ chỗ mới để về quê cũ.



Hằng ngày chị Hợi chỉ biết ở nhà vì không có đất để canh tác

Đói nghèo vì thiếu đất canh tác

Để xây dựng thủy điện Bản Vẽ, từ năm 2006 đến 2009, 2.123 hộ dân sống trong vùng lòng hồ phải chuyển tới nơi tái định cư tại xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm của huyện Thanh Chương (cách quê cũ hơn 200 km để sinh sống). Nhưng khổ nỗi kể từ khi chuyển tới chỗ ở mới tới nay hàng ngàn hộ dân của 2 khu tái định cư vẫn chưa được cấp sổ đỏ mới dẫn tới việc họ thiếu đất để sản xuất.

Xã Thanh Sơn là xã có nhiều hộ dân từ thủy điện Bản Vẽ về, đa số là dân tộc Thái và một ít dân tộc Khơ Mú vì vậy mà các bản tại xã Thanh Sơn hầu hết đều gặp khó khăn trong việc làm quen và phát triển kinh tế ở vùng đất mới, trong đó việc chưa cấp sổ đỏ mới cho các hộ dân làm các hộ dân không có đất canh tác khiến cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Và với số đất đền bù ít ỏi của nhà nước thì điều đó vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế của người dân trong việc thay đổi bộ mặt ở khu tái định cư.

Chị Moong Thị Hợi (30 tuổi) trú tại bản Hạnh Tiến xã Thanh Sơn chia sẻ: “Gia đình chị có 4 người chuyển về đây từ năm 2006 nhưng hiện tại vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Vì vậy mấy năm qua gia đình chị thiếu đất để canh tác. Nhà nước cũng có đền bù cho một ít đất để trồng keo nhưng hiệu quả kinh tế lại không cao. Còn đất ruộng để trồng lúa thì lại không có, miếng cơm manh áo hằng ngày chỉ dựa vào việc đi làm thuê của 2 vợ chồng để nuôi con ăn học, còn nếu không có gì để làm thì hằng ngày chị Hợi cũng chỉ biết ở nhà, làm những việc lặt vặt trong gia đình thỉnh thoảng có người gọi đi làm thuê thì chị đi”.

Đến với xóm Hạnh Tiến giờ đây không khó bắt gặp người già và phụ nữ vì đa số những gia đình trong xóm Hạnh Tiến đều không có sổ đỏ, không có đất để canh tác khiến những người phụ nữ không có việc làm mà nếu có việc đi làm thuê thì đi làm còn không thì cũng giống như gia đinh chị Hợi là ở nhà không có công ăn việc làm. Còn những nguời đàn ông bản ở đây chủ yếu làm các nghề phụ như đi bóc keo, hay đi hái chè thuê để kiếm thu nhập. Có một số ít hộ có ít đất thì họ trồng sắn hoặc trồng keo nhưng hiệu quả thu nhập không cao. Còn các hộ nghèo của xóm thì càng vất vả hơn nữa vì không có đất vừa gặp hoàn cảnh khó khăn. Như gia đình chị Mạc Thị Minh (48 tuổi) cũng ở bản Hạnh Tiến.

“Việc cấp sổ đỏ là từ khi chị còn ở trên Bản Vẽ nhưng từ khi xuống đây thì chưa thấy ai cấp sổ đỏ cho cả, đã có ý kiến lên trên nhưng họ bảo đợi, nhưng từ khi đề cập tới giờ mà chưa thấy họ cấp, gia đình đã nghèo nay không có đất canh tác thì chỉ dựa vào đứa con hằng ngày đi làm thuê về để kiếm gạo kiếm thức ăn và dựa vào ít đất quanh nhà để trồng rau để cải thiện thôi còn nếu nó nghỉ bữa nào thì gia đình cũng phải nhịn thôi. Việc thiếu đất nên chị cũng chỉ ở nhà trông con còn nhỏ với người chồng bị tai nạn nên cũng không làm được gì hết”, chị Minh chia sẻ.


Cũng giống như bản Hạnh Tiến xã Thanh Sơn thì bản Tà Xiêng xã Ngọc Lâm các hộ dân ở đây cũng đa số là dân tộc Thái và hầu hết các hộ dân cũng chưa được cấp sổ đỏ. Từ khi chuyển tới năm 2006 tới nay các bản thuộc khu tái định cư xã Ngọc Lâm trong đó có bản Tà Xiêng đều chưa được cấp sổ đỏ vì vậy mà người dân của bản hầu như thiếu đất canh tác. Họ chỉ dựa vào số đất ít ỏi của nhà nước đền bù nhưng hầu như không đạt hiệu quả gì, vì đất ở ở đây dốc và cằn cỗi không có nước nên không hợp với trồng ruộng, nên chủ yếu là trồng keo…

Chị Lô Thị Hương (52 tuổi) trú tại bản Tà Xiêng nói: “Từ khi chị xuống đây thì ngoài đất họ cho để xây nhà ra thì không có đất gì nữa hết, không có sổ đỏ người dân không có đất để canh tác, gia đình phải thuê một miếng đất của người khác để trồng sắn bán lấy tiền. Còn ruộng thì chưa thấy chia đến nỗi gạo cũng phải mua thôi. Gia đình cũng chỉ phụ thuộc vào miếng đất thuê ấy và đứa con mới học xong phải đi làm thuê, khổ lắm chú ạ!”

Tương tự chị Lương Thị Sơn (50 tuổi) bản Tà Xiêng cũng vậy, gia đình chị cũng được chia ít đất để trồng rừng nhưng không ăn thua, đời sống gặp nhiều khó khăn, trong nhà không có gì hết, ruộng thì mới được chia nhưng rất ít không đủ ăn.

“Chờ văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh"

Ông Vi Thanh Nghị - Xóm trưởng bản Tà Xiêng cho biết: Bản Tà Xiêng có 186 hộ với 705 khẩu nhưng hầu như không có hộ nào có bìa đỏ cả, hầu hết người dân thiếu đất để canh tác nên cuộc sống của người dân còn gặp khó khăn nhiều, ruộng đất không có nên họ chủ yếu đi làm thuê ở Nông trường chè Hạnh Lâm. Nhiều gia đình có con cái lớn tý là phải theo cha mẹ rồi, người thì đi bóc keo, người thì đi hái chè, vì nghèo quá không có tiền đóng học phí nên cũng phải bỏ học đi làm thuê… 

Phía cấp xã huyện cũng nhiều lần về để hướng dẫn bà con trồng cây công nghiệp như chè, keo nhưng đất ở đây dốc với lại thổ nhưỡng kém không làm được. Ông cho biết thêm, cũng đã có nhiều hộ đã bỏ khu tái định cư để về quê cũ để trồng lúa vì tình trạng thiếu đất canh tác, đất đai thổ nhưỡng quá sơ sài, thiếu nước khiến họ quanh về quê cũ, các cơ quan chức năng cũng phải thuyết phục họ mãi nhưng đến giờ vẫn còn nhiều hộ chưa quay về.

Người dân cũng đã gửi ý kiến lên cấp trên nhưng phía huyện bảo là “ra tết sẽ có cho người dân”? Điều đáng nói là việc người dân chưa được cấp sổ đỏ đã diễn ra nhiều năm nay nhưng các cấp chính quyền vẫn chưa cấp cho người dân khiến người dân thiếu đất để canh tác gây khó khăn cho việc phát triển vùng đất mới. 

Theo báo cáo của huyện Tương Dương thì đến nay có hơn 340 hộ dân với hơn 1.200 người dân ở khu tái định cư Thanh Sơn - Ngọc Lâm đã quay lại long hồ thủy điện Bản Vẽ để làm ăn. Các hộ dân này tập trung ở một số địa bàn các bản như sau: Chà Coong, Kim Hồng, Noong, Hiển, Xiềng Lằm, Xốp Pe, Chà Luân và Cành Sọt… Nguyên nhân ngoài việc chưa có bìa đỏ thì do bố trí tái định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Thanh Chương chưa phù hợp với đặc điểm phong tục, tập quán, trình độ sản xuất của nhân dân. Hơn nữa khi chuyển về các khu tái định cư dân chưa có đất sản xuất ngay mà phải chờ một thời gian dài mới chia đất. 

Về lý do hàng ngàn hộ dân ở khu tái định cư Thanh Sơn - Ngọc Lâm chưa có bìa đỏ, ông Phan Đình Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương thừa nhận, hiện tại một số hộ dân còn thiếu đất sản xuất. Hơn nữa đến nay tất cả các hộ dân tái định cư từ thủy điện Bản Vẽ về Thanh Chương đều chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì liên quan đến kinh phí. “Chưa được cấp bìa đỏ vì chưa rõ là tiền sử dụng đất các hộ dân có phải nộp hay không? Huyện đã xin ý kiến và chờ văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh. Về phía huyện, hiện nay đã xúc tiến đầy đủ về mặt nghiệp vụ chứ không có gì khó khăn. Chỉ có chờ Tỉnh là sẽ cấp bìa đỏ cho dân ngay”, ông Hà khẳng định.
 
Lê Việt

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nghe-an-gian-nan-viec-cap-so-do-o-khu-tai-dinh-cu-thanh-son-ngoc-lam-a860.html