04/02/2017 09:23
04/02/2017 09:23
Mỗi di tích, mỗi địa chỉ in dấu chân Người
Những địa chỉ in dấu chân Người đang là những địa chỉ đỏ nhắc nhớ các thế hệ hôm nay về truyền thống, niềm vinh dự tự hào của quê hương được Bác 4 lần về thăm.
Bác Hồ đứng trên lễ đài và hàng vạn nhân dân tỉnh Thanh Hóa về dự mít tinh đón Bác. (Ảnh tư liệu)
Rừng Thông lịch sử
Địa chỉ đỏ đầu tiên, chúng tôi đến thăm là Khu Di tích Rừng Thông, huyện Đông Sơn - vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử với dấu vết của nền văn hóa Đông Sơn xưa. Chính nơi đây, giữa rừng thông reo bạt ngàn, du khách có thể tự tại thả lòng mình hòa nhịp với thiên nhiên và lắng nghe những câu chuyện kể về cách mạng, về Bác Hồ, vị cha già kính yêu của dân tộc. Và có lẽ, bởi sự ưu ái “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” mà cách đây 70 năm, vào ngày 20/2/1947 khi lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa, Bác Hồ đã lựa chọn Rừng Thông là nơi để Bác nói chuyện với cán bộ chủ chốt của Thanh Hóa lúc bấy giờ về đạo đức của người cán bộ cách mạng, về đường lối cách mạng của Đảng và chủ trương kháng chiến của Đảng và Chính phủ.
Chiến tranh khép lại cùng những câu chuyện đi vào lịch sử, nhưng Rừng Thông thì vẫn còn đó, sừng sững với thời gian và ôm trọn trong mình những dấu mốc quan trọng, những kỷ niệm không thể nào quên. Năm 1989, địa điểm Rừng Thông đã chính thức được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Cũng tại nơi đây, trong những năm qua, nhiều công trình ghi dấu ấn đã lần lượt được xây dựng: Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ của huyện Đông Sơn, đường lên khu vực trung tâm và hoàn thành các hạng mục cảnh quan... Nơi đây cũng vinh dự và tự hào được đón nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đến dâng hương, tưởng nhớ Bác, các thế hệ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân đến báo công với Bác. Và từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa của người dân nơi đây, đó là mỗi độ xuân về, tại khu vực này, huyện lại tổ chức Tết trồng cây nhớ Bác, nhất là khi kết thúc năm học, các trường trong huyện đã tổ chức cho học sinh đến dâng hương, báo công với Bác về những thành tích đạt được trong học tập, cũng như hứa với anh linh của Người quyết tâm học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức để trở thành những công dân có ích cho gia đình, xã hội.
Yên Trường được đón Bác về thăm
Rời di tích Rừng Thông, chúng tôi ngược đường đến thăm Khu Di tích Lịch sử tưởng niệm Bác Hồ ở xã Yên Trường, huyện Yên Định. Mảnh đất mà Bác từng về thăm đã trở thành Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Di tích tọa lạc ở trung tâm xã, được bao bọc xung quanh là xóm làng trù phú. Tượng đài Bác được xây dựng ở chính giữa với hình ảnh Bác đang mỉm cười với mọi người khiến ai đến đây đều xúc động. Và càng xúc động hơn khi được xem những tư liệu được cán bộ và nhân dân nơi đây treo trang trọng trong phòng trưng bày.
Bà Đàm Thị Hoa - Chủ tịch UBND xã Yên Trường cho biết: Để tỏ lòng thành kính của nhân dân đối với Bác, đồng thời giáo dục truyền thống cho cán bộ và nhân dân trong xã, nhất là lớp trẻ, năm 1990 cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự đóng góp của nhân dân, Yên Trường đã xây dựng Khu tưởng niệm Bác Hồ. Công trình hoàn thành vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác. Trong dịp kỷ niệm 40 năm, 50 năm, mới đây là 55 năm ngày Bác Hồ về thăm Yên Trường, được sự quan tâm của huyện và sự đóng góp của nhân dân, xã tiến hành xây dựng nhà trưng bày lưu niệm Bác Hồ, tu sửa nâng cấp nhà dâng hương và một số công trình nằm trong quần thể khu di tích.
Khu tưởng niệm Người giữa lòng thành phố
Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là một trong những địa chỉ đỏ được chúng tôi tìm đến trong chuyến hành trình này. Điểm đến nằm giữa trung tâm TP Thanh Hóa, có diện tích rộng hơn 12.000m², có cảnh quan khuôn viên, được tạo bởi các thảm cỏ, bồn hoa, cây cảnh bon sai, đặc biệt là hai cây vú sữa trồng trước sân do nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trồng năm 2001 và nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trồng năm 2004. Hai bên là hai hàng Cau Vua do Ban Quản lý Di tích Phủ Chủ tịch tặng, trồng năm 2002. Ngoài ra trong vườn khu tưởng niệm còn có những loài cây đặc sắc nhất của núi rừng Thanh Hoá, như cây ăn quả, cây lấy gỗ quý hiếm, các loài hoa, bốn mùa đơm bông, toả hương thơm ngát, khiến mọi người về tham quan, tưởng niệm Bác cảm nhận được sự thiêng liêng nhưng cũng rất gần gũi, không phải nơi nào cũng có thể có được, nơi đây thực sự là một không gian xanh, thoáng đạt, ấn tượng giữa lòng thành phố quê Thanh.
Ông Trịnh Trọng Khánh - Phó Giám đốc TT-VH thành phố cho biết: Đây là một trong những công trình văn hóa đặc biệt có ý nghĩa to lớn, không những chỉ để cho các tầng lớp nhân dân, được tụ hội về đây dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn là nơi để trưng bày giới thiệu những hình ảnh tư liệu, hiện vật vô cùng quý giá qua bốn lần Bác Hồ về thăm. Ở đây có những hình ảnh về thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã làm được theo ý nguyện của Người, thể hiện qua hai chủ đề: “Bác Hồ với nhân dân Thanh Hóa và Thanh Hóa làm theo lời Bác”. Và còn là một điều đặc biệt hơn nữa, là nơi để tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ noi theo và tiếp bước, tiếp tục đẩy mạnh Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Nơi Bác nghỉ tại Sầm Sơn
Rời Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh uy nghiêm, thành kính chúng tôi hòa mình về biển Sầm Sơn sầm uất, náo nhiệt. Sầm Sơn những ngày của năm 1960 đã vinh dự chào đón Bác Hồ về làm việc và nghỉ dưỡng. Chỉ trong thời gian ngắn ngủi, Bác đã cùng sống và làm việc với ngư dân. Lần ấy, thay vì nghỉ ngơi tại nhà khách thì Bác lựa chọn đền Cô Tiên án ngữ trên dải Trường Lệ là nơi nghỉ của mình. Vào những ngày này, Sầm Sơn đã và đang có nhiều hoạt động có ý nghĩa để hướng tới kỷ niệm 70 năm Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa, đó là đã hoàn thành việc chỉnh trang nhà khách đền Cô Tiên và Bệ phía Tây đền Cô Tiên; chỉnh trang khuôn viên, tôn tạo bia lưu niệm nơi Bác về thăm và kéo lưới cùng ngư dân Sầm Sơn...
Thanh Hóa vinh dự và tự hào được 4 lần Bác về thăm. Khắc ghi lời dạy của Người, những vùng quê năm xưa luôn chung sức đồng lòng, đoàn kết, khắc phục khó khăn, xây dựng quê hương vững bước tiến lên trên con đường đổi mới và phát triển, góp phần để xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn. Và những địa chỉ in dấu chân Người đang là những địa chỉ đỏ nhắc nhớ các thế hệ hôm nay về truyền thống, niềm vinh dự tự hào của quê hương được Bác 4 lần về thăm.
Trung Hiếu
Nguồn: vanhoadoisong.vn
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/moi-di-tich-moi-dia-chi-in-dau-chan-nguoi-a8570.html