Linh thiêng một miền di tích

Nổi tiếng với cảnh đẹp nên thơ trữ tình đặc trưng của miền Tây xứ Thanh, đến với khu di tích đền Cửa Đặt vào dịp đầu xuân, du khách còn được lắng lòng trong không gian thiêng nổi tiếng khắp một vùng.

Từ TP Thanh Hóa, chỉ  chưa đầy hai giờ chạy xe dọc theo Quốc lộ 47, đền Cửa Đặt (xã Xuân Mỹ, huyện Thường Xuân) đã hiện ra phía trước, chúng tôi gọi đây là chuyến đi ngược ngàn! Những cung đường trải nhựa láng mịn, thoải dốc vừa đủ, quanh cua theo hình thế núi để du khách cảm nhận được vẻ đẹp còn hoang sơ của một miền đất hứa. Núi rừng miền Tây xứ Thanh vẫn vậy, tĩnh tại và trong vắt, đủ để mỗi người lắng lòng mình trước thiên nhiên bao điều kì vĩ, để biết rằng, tạo hóa ban cho con người bao điều thú vị mà đâu cần ta phải bon chen.

Quả thực, có đến đây, mới cảm nhận được không khí lễ hội náo nhiệt đến nhường nào. Hàng ngàn du khách từ mọi miền nối chân nhau về hành lễ, dâng hương và vãn cảnh. Đông đúc là vậy, song mỗi du khách đều cố gắng để giữ gìn sự tôn nghiêm cần thiết cho chốn tâm linh.




Hàng vạn du khách về di tích đền Cửa Đặt dâng hương dịp đầu xuân.

Tại sao một di tích cách xa trung tâm thành phố lại có sức hấp dẫn kì lạ, thu hút đông đảo du khách muôn phương tới trẩy hội đến vậy? Đem sự băn khoăn còn bỏ ngỏ, chúng tôi tự nhủ lòng phải tìm ra lời giải.

Đền Cửa Đặt được đặt tên từ chính ngôi làng mà di tích tọa lạc. Người dân trong vùng vẫn gọi nơi này bằng cái tên có nguồn gốc lâu đời, có phần thổ âm bản địa: Cửa Đặt. Song nhiều du khách phương xa thì dường như thích tên gọi Cửa Đạt hơn vì nghe có vẻ thuận tai. Từ xa xưa, đền Cửa Đặt đã nổi tiếng khắp vùng với vẻ đẹp non nước kỳ thú và đặc biệt là sự linh thiêng được chở che bởi bà chúa Thượng Ngàn. Tương truyền rằng, bà chúa Thượng Ngàn sinh ở thời Trần, vì có công cứu giúp nhân dân qua cơn khổ ải nên khi mất, bà được nhân dân phong Thánh và cai quản cả vùng miền núi rộng lớn. Người dân trong vùng vẫn tin rằng, cuộc sống của mình được chúa Thượng Ngàn bảo trợ, giúp đỡ, chỉ dạy cho mọi điều. Bà chỉ cho nhân dân lấy cây thuốc quý trên rừng chữa bệnh, học cách làm ăn, chăn nuôi, buôn bán... để có cuộc sống no đủ, trù phú. Mang ơn bà chúa Thượng Ngàn, hàng trăm năm trôi qua, người dân vẫn duy trì tục thờ bà như một tín ngưỡng. Đặc biệt, vào dịp đầu xuân thì đền thờ bà chúa Thượng Ngàn đông đúc gấp bội. Bởi người ta tin, khi mùa xuân đến, với sự độ trì, giúp đỡ của chúa Bà cai quản miền rừng núi, mọi thứ sẽ hanh thông, như cây rừng đâm chồi nảy lộc khi tiết xuân đến.

Cùng với đền thờ bà chúa Thượng Ngàn, khu di tích đền Cửa Đặt còn là nơi người dân trong vùng dành sự yêu mến trân quý cho vị tướng từng lãnh đạo người dân trong vùng hưởng ứng phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX Cầm Bá Thước. Dù phong trào thất bại và vị tướng trẻ hi sinh khi mới ở tuổi 37 song công lao, sự anh dũng của người anh hùng miền sơn cước đã được sử sách lưu lại, nhân dân ghi nhớ. Và, tưởng nhớ công lao của ông, người dân đã lập đền thờ, quanh năm hương khói.

Lắng lòng mình trước những câu chuyện bi tráng và đầy linh thiêng về khu di tích đền Cửa Đặt, chúng tôi phần nào hiểu ra, nơi này vì sao nổi tiếng đến vậy. Đến với di tích, du khách không chỉ thưởng lãm cảnh đẹp hoang sơ, đắm say lòng người. Hành lễ, dâng hương, cầu mong một năm nhiều may mắn. Và còn không quên lựa chọn cho mình những sản vật đặc trưng hay những vị thuốc quý được chính người bản địa tìm kiếm từ trong rừng. Điều đặc biệt, người dân tin rằng, chỉ cần mang những sản vật dâng lên chúa Thượng Ngàn, sau đó xin lộc mang về thì hiệu quả tốt hơn rất nhiều. Niềm tin đó không chỉ người bản địa mà phần đông du khách đến đây đều vô cùng tin tưởng. Đó có lẽ cũng là lý do để con đường “sản vật” dọc hai bên đường vào di tích luôn tấp nập người vào xem, mua hàng và thậm chí là cho không nếu họ thấy mến bạn. Điều đó thật thú vị! Người bạn đi cùng tôi giải thích: đồng bào ở đây họ thật lắm, nếu họ quý ai đó, họ sẵn sàng cho đi những gì mình có. Tất cả đều là “lộc” do mẹ thiên nhiên ban tặng. Bởi vậy, du khách đã đến đây rồi, đừng quên mang về cho mình ít nhất một vài thứ “lộc” của núi rừng.

Và để chuyến đi lễ, hành hương về miền di tích đền Cửa Đặt được trọn vẹn niềm vui, chúng tôi còn được người bạn dẫn đường vốn người bản địa dẫn đi tham quan công trình phục vụ sản xuất và dân sinh Hồ Cửa Đạt rất gần di tích. Cả vùng lòng hồ mênh mông nước, tĩnh lặng đến nao lòng. Đặc biệt, việc đi thuyền trên lòng hồ cũng là niềm vui hấp dẫn đối với không ít du khách đến đây. Được biết, Hồ Cửa Đạt được đánh giá là công trình thủy lợi chứa nước lớn nhất Đông Nam Á.

Tạm biệt khu di tích đền Cửa Đặt linh thiêng, tạm biệt công trình Hồ Cửa Đạt kì vĩ, tạm biệt cả những điểm đến hấp dẫn nơi miền Tây xứ Thanh mà chúng tôi vẫn chưa thể khám phá khi một ngày khép lại. Chúng tôi nói lời tạm biệt, để chuẩn bị cho một hành trình quay lại khám phá “dài hơi” hơn.


Thu Trang

Nguồn: vanhoadoisong.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/linh-thieng-mot-mien-di-tich-a8555.html