Lễ hội chùa Keo ở Thái Bình

Lễ hội chùa Keo ở Thái Bình được tổ chức mỗi năm hai lần. Lần thứ nhất diễn ra trọn một ngày vào dịp sau tết Nguyên đán ngày 4 tháng Giêng. Dân làng tập trung về chùa làm lễ dâng cúng đầy đủ: "đăng, trà, hương, hoa, quả, thực" (thắp đèn, rót nước chè, đốt hương, cắm hoa, đặt quả, đơm cơm) và xin phép được đức Phật cho tiến hành hội xuân đầu năm. Hội xuân đầu năm ở chùa Keo thực chất là lễ hội cầu may, xin được Phật thánh phù hộ cho dân được cơm no áo ấm, xin thánh giúp sức bằng phép lạ cho trời mưa gió thuận hòa, cho mùa vụ bội thu và chăn nuôi phát triển.


Xưa kia, tham gia tổ chức hội chùa Keo có tám giáp. Sau nghi lễ cúng Phật, hội thi nấu cơm  được tiến hành. Dứt ba hồi trống lớn, tám chàng trai đại diện của tám  giáp lấy lọ sành ra ao chùa múc nước vo gạo, xiết đậu, giã bột... và lấy lửa từ hai thanh cật tre già. Sau một tuần hương, khi trống điểm báo hết thời gian thi, sao cho mỗi giáp có đủ hai đĩa xôi, hai bát cơm, bốn bát chè, hai đĩa bánh . Giáp nào đạt mọi tiêu chuẩn tốt nhất được tôn vinh là thắng cuộc, thì được  trao giải thưởng của hội. Giải nhất 100 quan tiền, giải nhì ba quan. Cả tám mâm đều được mời khách và chủ trong hội hưởng lộc đầu năm. Trong hội có tục thi bắt vịt. Hai con vịt khỏe, to được thả xuống ao rộng trước cửa chùa, tám   chàng trai của tám giáp bơi lặn săn vịt bằng tay phải còn tay trái phải giữ một lá cờ đuôi nheo bằng giấy sao cho khỏi ướt, trải suốt thời gian săn bắt vịt trong ao. Cuối cùng ai bắt được vịt mà cờ không bị ngấm nước là thắng cuộc. Cuộc thi thứ ba là thi ném pháo. Hai cây tre cao khoảng sáu, bảy mét được buộc một đoạn tre khác có khoảng cách ba mét, ở giữa treo một nón pháo. Nón pháo hình chóp cụt, phết giấy kín, trong lòng nón có một lá đề tẩm thuốc pháo, một dây pháo tép có pháo đùng ở đoạn kết. Người chơi dùng pháo tép rời, đứng dưới sân châm ngòi đốt rồi ném vào nón pháo. Chỉ khi nào có người ném trúng nón pháo, pháo nổ chạm vào lá đề, lá đề bốc cháy, pháo nổ theo, thì bốn quả pháo đùng nổ xé tan nón pháo sẽ có một dù nhỏ tung ra, kéo theo lá phướn có dòng chữ "Thiên hạ thái bình, hòa cốc phong đăng ".
 
Hội tháng 9 cũng có mặt đủ tám giáp. Không khí lễ hội rộn lên từ ngày 10. Các Phật tử, tăng ni cùng lo lau rửa, tu chỉnh đồ thờ, tắm tượng và thay áo tượng thánh. Ngày 11 dựng cờ đại, cử bốn mươi hai chàng trai trẻ khiêng kiệu. Các giáp chuẩn bị tổ chức cho đội thuyền bơi chải của mình xuống sông.
 
Ngày 13 lễ hội chính thức. Lễ Phật ở trong chùa do một vài cụ chăm lo. Hội thi bơi chải diễn ra rộn ràng trên một khúc sông khoảng năm  cây số. Trai thanh gái tú, người già, trẻ em nô nức reo hò cổ vũ. Cuộc vui khỏe kéo dài suốt ba ngày hội. Các bậc Nho lão tập trung tại chùa thi viết và đọc văn tế theo chủ đề "lục cúng". Buổi tối, tất cả những người khiêng kiệu, cầm cờ, mục đồng và chức sắc đều vào trước ban thờ thánh, lễ cầu an. Ngoài sân chùa hội thi đánh trống, thổi kèn vang dội. 12 giờ đêm, chủ hội làm lễ cúng cột cờ phướn.
 
Ngày 14, sau lễ dâng hương, đám rước bắt đầu diễu hành. Đi đầu đám rước là đôi  ngựa gỗ có bánh xe kéo, rồi đến tám lá cờ ngũ sắc bát bửu đi trước kiệu thánh. Bên cạnh kiệu thánh có một thuyền rồng và một chiếc nữa nhỏ hơn đặt trên giá tiểu đình và tám trẻ mục đồng đi theo. Đó là biểu tượng diễn lại thân thế, sự nghiệp của thiền sư Không Lộ. Giữa chặng đường đi của đám rước còn có hình ảnh bà Chàng theo Không Lộ lên trời bán cá, cùng sáu con rối gỗ khác đón chào. Ở ao chùa cùng lúc có một con thuyền chở tám đứa trẻ tề chỉnh trong trang phục lễ hội đang bơi quanh cũng là phụ cảnh diễn lại cuộc đời chài lưới khi thánh Không Lộ chưa xuất gia đi tu. Chiều 14, trước ban thờ thánh có điệu múa tôn giáo "ếch vồ" do mười hai "chân kiệu” (người khiêng kiệu) biểu diễn.
 
Ngày 15 kết thúc hội vẫn diễn lại lệ dâng cúng. Tại toà nhà giá roi lại có lễ chèo chải cạn hầu thánh.
 
Hơn đâu hết, tượng Phật ở chùa Keo như một bảo tàng mỹ thuật Phật giáo. Gọi là chùa Keo vì chùa làm ở ấp Keo cũ. Thực tế đây là một quần thể di tích bao gồm  một chùa thờ Phật và một đền thờ thánh được kiến trúc rất đặc biệt, một mặt tôn sùng đạo Phật đến mức điển hình ở Việt Nam, một mặt rất đề cao đức thánh Không Lộ cũng đã trở thành vị Phật bản địa. Mọi thủ tục nghi lễ cúng bái không phân biệt trong ngày hội, trong các ngày sóc vọng.
 
Thiền sư Từ Đạo Hạnh được phối thờ cùng các đức Phật Thích Ca và cả hệ thống các vị Phật khác, được coi là linh hồn chủ yếu ở lễ hội chùa Láng (Hà Nội) và lễ hội chùa Thầy (Hà Tây), là một hiện tượng tâm lý tôn giáo giống như lễ hội chùa Keo.
 
Là bậc thầy của thiền sư Minh Không, thiền sư Từ Đạo Hạnh trước khi xuất gia tu hành, người học đạo tu tiên. Sử cũ cho biết là trước khi đi tu, Từ Đạo Hạnh có thế danh là Từ Lộ. Cha Từ Lộ là Từ Vinh làm quan triều Lý bị pháp sư Đại Điên chém làm ba mảnh. Có câu ngạn ngữ: "Làng Mọc thờ đầu, Lũ Cầu thờ chân, Pháp Vân thờ mình" là để ghi nhớ  án mạng khủng khiếp này. Từ Lộ nuôi chí phục thù cho cha, nên cùng Minh Không, Giác Hải tìm đường sang Tây Thiên (?) học đạo. Khi đạo pháp đã mầu nhiệm, Từ Lộ ném gậy xuống sông thì gậy nhảy ngược dòng đến cầu Tây Dương, gậy dừng lại. Từ Lộ tìm đến nhà Đại Điên, giết chết kẻ thù rồi đến núi Sài tu hành, hái lá rừng làm thuốc chữa bệnh cho dân, dạy dân múa hát và làm trò múa rối. Công đức, tài danh Từ Đạo Hạnh nổi tiếng. Sau, sư đầu thai vào nhà Sùng Hiền hầu, chính là vua Lý Thần Tông. Nhiều chùa đúc tượng thiền sư Từ Đạo Hạnh phối thờ với tượng Phật.
 
Trương Sỹ Hùng

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/le-hoi-chua-keo-o-thai-binh-a8547.html