02/02/2017 09:30
02/02/2017 09:30
Đồng Tháp Mười - Nỗi nhớ khách phương xa...
Đứng ở mảnh đất Đồng Tháp Mười, nhìn trời xanh, mây trắng, gió mơn man cùng một màu xanh bạt ngàn của lúa, của tràm, tôi luôn muốn níu kéo sự bình yên này.
Cuối tháng 8/2016, tôi về Mộc Hóa cùng Hội Đồng hương Long An tại TP.HCM để trao nhà tình thương cho nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC)/dioxin ở 2 xã Bình Phong Thạnh và Tân Thành. Hôm đó, đoàn cũng về thăm và tặng tập vở cho học trò nghèo của huyện. Đây là lần thứ hai trong vòng 2 tuần lễ, tôi có dịp về mảnh đất Long An “Trung dũng, kiên cường”.
Về chốn bình yên
Xe chúng tôi xuất phát từ TP.HCM lúc 6 giờ sáng, đến gần 8 giờ thì dừng lại để chờ xe của các anh chị Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn - đơn vị tài trợ xây nhà tình thương. Chúng tôi ghé vào một quán nước. Hai vợ chồng chị chủ quán rất vui vẻ, nhiệt tình dù khách chỉ... nằm võng chứ không uống nước. Trong khi mấy chú, mấy cô trong đoàn nghỉ ngơi, tôi lững thững đi dọc mé kênh. Một chiếc phà nhỏ xình xịch chở khách qua sông. Cảm giác bình yên đến lạ!
Ảnh - Tôn Thất Hùng
Hai vợ chồng chị chủ quán vừa đi ruộng về. Bữa sáng của họ là một nồi cơm gạo đỏ, kèm theo tô mắm chưng thơm lừng và một rổ hẹ nước đầy tú hụ. Hai vợ chồng xì xụp nhai nhai, nuốt nuốt nhìn ngon không thể tả. Tôi tự nhận mình có hơi... vô duyên khi vợ chồng người ta ăn cơm mà cứ nhìn chằm chằm. Thấy tôi nhìn, chị chủ nhà phân bua: “Mới đi ruộng về nên đói bụng”. Tôi bật cười, thầm nghĩ, cái tô mắm chưng thật tương phản với cái đầu tóc nhuộm vàng óng ánh của chị chủ quán. Hạnh phúc của đôi vợ chồng ấy giản dị mà đằm thắm, ngọt ngào biết bao!
Chúng tôi đi thẳng về Tân Thành để trao nhà cho anh Võ Quốc Trung, là con của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Căn nhà còn lại được trao cho chị Huỳnh Thị Thu Trang ở xã Bình Phong Thạnh. Theo kế hoạch ban đầu thì chúng tôi chỉ trao một điểm ở xã Tân Thành, rồi quay ra trường Nguyễn Văn Dinh để tặng tập vở cho các em học sinh nghèo. Thế nhưng sau đó, bà Hồ Bạch Tuyết - Phó Chủ tịch Hội Đồng hương Long An tại TP.HCM đổi ý: “Tới đây rồi mà không vô trong đó thì thật là uổng!”. Thế là, chúng tôi xuống vỏ lãi, nhằm hướng Bình Phong Thạnh trực chỉ.
Con sông Vàm Cỏ Tây mùa này nước vẫn xanh biêng biếc. Chiếc vỏ lãi lao vun vút trên sông. Tôi không kìm được cảm xúc, cất giọng: “Vàm Cỏ Đông, ơi hỡi dòng sông...”. Bà Lê Thị Thu Hồng - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc dam cam/dioxin tỉnh Long An ghẹo tôi: “Đi trên Vàm Cỏ Tây mà nhớ Vàm Cỏ Đông nghen!”. Tôi chưa kịp trả lời thì một chiếc vỏ lãi chạy ngược chiều khiến sóng dâng cao, nước văng tung tóe, chiếc vỏ lãi của chúng tôi nhảy chồm chồm trên mặt sông. Tôi cười thích thú, có cảm giác đang trở về dòng sông tuổi thơ của mình. Và rồi mắt bỗng cay cay.
Thấm đẫm “mùi quê”
Bình Phong Thạnh đang vào mùa gặt. Những cánh đồng lúa chín vàng xen lẫn những mảnh ruộng vừa gặt xong, gốc rạ lô nhô. Hiện ra trước mắt tôi là những chiếc máy gặt đập liên hợp. Giữa đồng lúa bạt ngàn, máy gặt đến đâu lúa vô bao đến đó, chủ ruộng chỉ việc vác những bao lúa chất lên xe chở về phơi sấy. Ai đó nói sau lưng tôi: “Nhìn cảnh này thấy vui quá phải không? Giờ máy móc làm thay con người. Quê hương đổi thay, tiến bộ nhiều rồi, không còn cảnh con trâu đi trước, cái cày theo sau như ngày xưa”. Tôi nhắm mắt lại, hít căng lồng ngực mùi lúa chín, mùi rơm rạ và mùi khói đốt đồng hòa quyện vào nhau tạo thành một mùi thật đặc biệt: “Mùi quê”.
Chị bạn trong đoàn cũng thích thú hết nhìn lúa lại xem khói đốt đồng. Từng đụn khói lãng đãng bay lên làm cho cái nắng như dịu bớt. Đứng chỗ nhà chị Thu Trang nhìn về đại bản doanh của “ông Ba Đất phèn” Nguyễn Văn Bé, tôi thấy những mái nhà ẩn hiện giữa mênh mông rừng tràm. Tự nhủ lòng, lần sau có dịp về Mộc Hóa, chắc chắn tôi sẽ vô thăm ông. Ấy thế mà, tôi đành lỡ hẹn bởi chỉ mấy hôm sau, ông vĩnh viễn ra đi vì một cơn tai biến. Tôi thấy một nỗi tiếc nuối vô hạn. Biết ông đã lâu, gặp ông nhiều lần nhưng tôi chưa bao giờ được đến thăm cơ ngơi của ông giữa Đồng Tháp Mười. Ở đời có nhiều việc muốn thì phải làm ngay; đừng chần chừ hẹn lần, hẹn lựa để rồi hối tiếc.
Trưa hôm đó, chúng tôi ăn cơm với các thầy cô ở Trường Tiểu học Nguyễn Văn Dinh, huyện Mộc Hóa. Đường xa, đói, mệt nên nhìn thấy mâm cơm được dọn lên, mắt tôi sáng rỡ, trăm ngàn con kiến thi nhau bò trong bụng. Cá lóc đồng xối mỡ, những chiếc vảy xù lên giòn rụm. Cá linh non chiên giòn cuốn bánh tráng, lẩu cá thác lác với khổ qua, cá lóc kho tiêu với thịt ba rọi,... Đầu bếp là chính các thầy, cô của trường. Nghe mọi người nói nước lên kha khá rồi, tôi thầm cầu mong cho năm nay lũ về thật cao để bà con mình có thể kiếm sống từ những sản vật mùa nước nổi.
Chợt nhớ hôm đi Tân Hưng trước đó 2 tuần. Nơi tôi đến là xã Hưng Hà và Hưng Thạnh. Ở đó cũng có những cánh đồng lúa xanh mút mắt. Xa xa, những hàng thốt nốt vươn cao. Khi biết nơi đó là biên giới, tôi bỗng thấy trong lòng xốn xang. Bây giờ, nơi ấy là biên giới hòa bình, hữu nghị nhưng cách nay hơn 30 năm, đó chính là chiến trường. Chiến tranh biên giới cướp đi bao nhiêu sinh mạng đồng bào. Giờ đứng ở mảnh đất này, nhìn trời xanh, mây trắng, gió mơn man cùng một màu xanh bạt ngàn của lúa, cầu mong hòa bình là mãi mãi...
Ấm lòng 2 tiếng “đồng hương”
Bác Nguyễn Văn Tìm - nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, Ban Liên lạc Hội Đồng hương Long An tại TP.HCM, năm nay ngoài 80 tuổi mà vẫn hăng hái tham gia những chuyến đi tặng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách; tặng tập vở cho học trò nghèo vùng sâu, vùng xa; khám bệnh, phát thuốc cho đồng bào nghèo. Không chỉ vậy, bác còn dành dụm những đồng lương hưu của mình để ủng hộ tập vở, quần áo cho các cháu học sinh nghèo.
Bà Hồ Bạch Tuyết (bìa trái) trao nhà tình thương tại xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa
Hôm chúng tôi về thăm Trường Tiểu học Nguyễn Văn Dinh, dù không được khỏe nhưng bác vẫn theo cùng. Tôi để ý thấy trong hành lý của bác có một bọc thuốc nên hỏi: “Bác có mệt lắm không?”, ông già cười: “Cỡ tuổi này rồi thì trong người không bệnh này cũng bệnh kia, có gì đâu mà lo hả cháu? Được về thăm quê, giúp đỡ bà con là vui rồi”.
Trong Hội Đồng hương Long An, người mà tôi quen biết lâu nhất có lẽ là bà Hồ Bạch Tuyết. Tôi biết người phụ nữ ấy đã hơn 20 năm, khi bà còn làm Chủ tịch Công đoàn Công ty Viễn thông TP.HCM. Mấy năm nay nghỉ hưu, bà chuyên tâm làm công tác xã hội - từ thiện.
Chưa xong chuyến này, nghe bà tính tới chuyến sau; hết xây nhà lại xây cầu, khám bệnh, phát thuốc; tặng sách vở, áo quần,... Bà khoe với tôi: “Trường Nguyễn Văn Dinh là trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, tổng kinh phí xây dựng hơn 10 tỉ đồng, trong đó, Hội Đồng hương Long An tại TP.HCM đóng góp hơn 3 tỉ đồng”.
Tôi giở quyển sổ tay của bà ra xem, trong đó dày đặc lịch trình những chuyến đi: Phối hợp Hội Chữ thập đỏ TP.HCM tổ chức đoàn y, bác sĩ của Bệnh viện Trưng Vương khám bệnh, phát thuốc, tặng quà cho hộ nghèo thuộc 3 xã của huyện Tân Hưng; xây 2 nhà tình thương cho NNCĐDC/dioxin ở huyện Tân Hưng; xây 2 căn nhà tình thương cho NNCĐDC/dioxin ở huyện Mộc Hóa, xây 1 căn nhà tình thương cho NNCĐDC/dioxin ở huyện Đức Hòa, xây 1 căn nhà tình thương cho hộ nghèo ở xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa; tổ chức 2 đoàn bác sĩ khám bệnh từ thiện ở xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ và Hội Người cao tuổi huyện Mộc Hóa; khám bệnh, phát thuốc và tặng quà cho 600 người dân trong tháng 6/2016,...
Khi thấy tôi trầm trồ, bà cười: “Đây là cái tình của những người con Long An đang sinh sống, làm việc tại TP. HCM dành cho người dân còn khó khăn ở quê nhà. Chủ yếu là “góp gió thành bão”. Tôi giờ nghỉ hưu rồi, niềm hạnh phúc lớn nhất là được góp phần xây dựng quê hương. Có vất vả gì đâu! Càng có nhiều bàn tay chăm lo thì quê hương mình càng mau giàu đẹp”.
Long An thấm đẫm ân tình...
Hồng Thủy
Nguồn: Long An Online
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/dong-thap-muoi-noi-nho-khach-phuong-xa-a8533.html