CCB Đại tá Phan Văn Thảo 68 tuổi (thứ hai từ trái sang) đang gói bánh chưng làm mẫu để truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Tham dự gói bánh chưng Lang Liêu năm nay có nhiều nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lịch sử, khảo cổ học, dân tộc học, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo, nghệ sĩ ở trung ương, bà con dân tộc Mường xã Vĩnh Tiến, sinh viên một số trường đại học và một số bà con Việt Kiều Mỹ về quê ăn Tết, đón xuân Đinh Dậu..
Cựu chiến binh Đại tá Hải quân Phan Văn Thảo 68 tuổi là vị khéo tay gói bánh chưng làm mẫu để truyền dạy cho thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống và nét đẹp văn hóa Tết Nguyên đán của người Việt. Chiếc vạc đồng bốn quai đời nhà Lang (dân tộc Mường ở tỉnh Hòa Bình) mà TS Nguyễn Việt đã sưu tầm được dùng để nấu bánh chưng.lang Liêu.
Trước khi bắt tay gói bánh chưng, TS Nguyễn Việt (mặc áo the, khăn xếp) đã giới thiệu ý nghĩa và “Chứng cứ Khảo cổ học về Bánh chưng Lang Liêu”.
TS Nguyễn Việt cho rằng: Trên quan điểm khoa học, câu chuyện Lang Liêu làm bánh vẫn chỉ là huyền thọai. Huyền thoại luôn như những màn khói bao trùm mỗi không gian sinh tồn tộc người. Nhưng cũng tồn tại một nguyên lý khoa học của chuyên ngành nghiên cứu văn hóa dân gian, đó là “không có lửa thì không có khói”. Màn khói huyền thoại tuy không phải là sử liệu thật, nhưng bao giờ nó cũng bắt nguồn từ một sự thực lịch sử nào đó. Đó chính là cái lõi “lửa” đã tạo nên màn khói huyền thọai đó. Thế rồi, việc phát hiện từng hạt lúa nếp, mảnh chõ khảo cổ và giờ đây cả những chiếc lá dong còn khá nguyên vẹn in hình trong chiếc nồi đồng thời Đông Sơn Âu Lạc đã giúp chúng ta vén dần màn khói huyền thọai về sự tích Lang Liêu và Bánh chưng Bánh Dày để nhận chân lịch sử dân tộc từ hai, ba ngàn năm trước.
Vạc đồng bốn quai nguyên của nhà Lang dân tộc Mường (Hòa Bình) do TS Nguyễn Việt sưu tầm được dùng để nấu bánh chưng Lang Liêu.
Nói đến Bánh chưng, Bánh Dày cũng tức là nói về việc sử dụng lúa nếp từ rất sớm của người Việt cổ, muộn nhất là từ 3500 năm trước, lúa trồng (Oriza Sativa) có dạng hạt bầu (large form) giống lúa nếp dính (gloutinous rice) đã tìm thấy phổ biến ở nhiều di tích khảo cổ học Việt Nam. Đến thời kỳ phát triển rực rỡ của văn hóa Đông Sơn, nền văn hóa đại diện cho phát triển đỉnh cao của văn minh Văn Lang – Âu Lạc gắn với các đời Hùng Vương và An Dương Vương thì lúa nếp đã trở thành một nguồn thức ăn phổ biến, đặt nền móng cho tập tục dùng lúa nếp như một loại hình thức ăn lễ nghi dành cho tổ tiên và thần thánh của người Việt và nhiều dân tộc anh em sống trên đất nước Việt Nam hiện nay.
Cặp bánh chưng Lang Liêu cúng ông bà tổ tiên.
Mảng lúa nếp nương râu in trong lòng trống đồng Đông Sơn (CQK-collection)
Ngoài dạng lúa nếp hạt bầu râu ngắn các nhà khảo cổ học còn ghi nhận dấu in lúa nếp nương râu dài trong lòng một trống đồng Đông Sơn khai quật được ở miền tây Thanh Hóa. Trên nền tảng văn hóa khảo cổ có thực đó, sự tích Lang Liêu và Bánh chưng đã ra đời. Việc các nhà khảo cổ của Trung Tâm Tiền sử Đông Nam Á đã phát hiện dấu in của một chiếc lá dong còn nguyên vẹn và tươi tắn càng làm “tươi” thêm sự thực Bánh chưng từ trên 2000 năm nay.
Lúa hạt dài và lúa nếp hạt tròn khai quật được ở hang Xóm Trại (Hòa Bình).
Vết in chiếc lá dong bên trong nồi đồng Đông Sơn (hình trên) và nguyên trạng phóng đại của nó.
Hình dưới đây là nguyên trạng phát hiện khảo cổ học thú vị nói trên. Đó là một chiếc nồi đồng khai quật được ở Làng Vực (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) thuộc phong cách Đông Sơn Âu Lạc có thể định tuổi vào khoảng thế kỷ 1-2 trước Công nguyên. Trong lòng chiếc nồi đó in dấu rất nhiều lá dong ở tình trạng lót nồi. Đó là những hình lá dong nằm phẳng ở tư thế nguyên chiếc bao quanh đáy và cạnh nồi. Nhờ ô xuýt đồng từ lớp gỉ của nồi mà chiếc lá được giữ nguyên trạng, thậm chí có màu xanh như những chiếc lá còn tươi. Phục nguyên chiếc lá còn nguyên vẹn nhất, ta thấy nó có độ dài khoảng trên 30cm rộng khoảng 15cm. So sánh độ lớn và cấu trúc nhánh lá có thể nhận biết được lá thuộc họ dong riềng (Cannaceae). Loài cây này được xem như một dạng cây bản địa mọc hoang dại và được ươm trồng từ nhiều ngàn năm nay ở Việt Nam và Đông Nam Á cổ đại. Cho đến nay, cây rong riềng vẫn được coi như một loại cây cho bột, cho lá dễ trồng, năng xuất cao, có thể giúp xóa đói giảm nghèo ở nhiều vùng dân tộc miền núi nước ta.
Thưởng thức rượu cần ngày xuân của dân tộc Mường (Hòa Bình).
Việc sử dụng lá dong riềng trong các nhóm cư dân tiền sử săn bắt hái lượm ở Đông Nam Á cổ đại hẳn không có gì xa lạ. Tuy nhiên, việc phát hiện bằng chứng thật của lá dong riềng trong khung cảnh khảo cổ học giúp khẳng định niên đại muộn nhất của việc sử dụng lá dong riềng trong đời sống bếp núc quý tộc ở Việt Nam là từ khoảng thế kỷ thứ 1-2 trước Công nguyên.
Những chiếc bánh đầu tiên được dâng lên các Vua Hùng và Lang Liêu để ghi nhận công đức của người xưa.
Theo truyền thuyết: Người con trai thứ 18 của vua Hùng là Lang Liêu tính tình thuần hậu, chí hiếu, làm ra bánh chưng, bánh dầy. Kết quả được vua cha chọn nhường ngôi. Cái giỏi và cái tâm của Lang Liêu là biết sử dụng những nguyên liệu thông thường có sẵn như: lá, gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn… để làm thành món ăn, mà trong đó đã gói ghém cả một nền văn minh nông nghiệp lúa nước, mang ý nghĩa sâu xa để làm vật phẩm cúng tế tổ tiên, đất trời, dâng lên vua cha.
Vũ Xuân Bân