20/01/2017 08:50
20/01/2017 08:50
Khám phá ngôi chùa từng được coi là đệ nhất tùng lâm của Thăng Long xưa
Không chỉ được biết đến là một trong những ngôi chùa cổ nhất Hà Nội, vẻ bề thế của kiến trúc, hài hòa của không gian khiến cho chùa Láng (quận Đống Đa) từng được coi là đệ nhất tùng lâm ở phía Tây kinh thành Thăng Long xưa.
Vẻ bề thế của quần thể kiến trúc hài hòa
Chùa tương truyền được xây dựng từ thời vua Lý Anh Tông (trị vì từ 1138 đến 1175). Chùa thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Theo truyền thuyết, nhà sư này đã đầu thai làm con trai một nhà quý tộc Sùng Hiền hầu, em vua Lý Nhân Tông.
Chùa Láng - Chốn thiền tâm trong lòng Hà Nôi - Ảnh: hanhtrinhtamlinh.com
Vua Lý Nhân Tông (trị vì từ 1072 đến 1127) không có con, nên con trai của ông Sùng Hiền hầu được nối ngôi, tức vua Lý Thần Tông (trị vì từ 1128 đến 1138). Do sự tích ấy mà con của Lý Thần Tông là Lý Anh Tông đã cho xây cất chùa Chiêu Thiền để thờ vua cha và tiền thân của Người là thiền sư Từ Đạo Hạnh.
Chùa đã được trùng tu nhiều lần, những lần quan trọng nhất là vào các năm 1656, 1901 và 1989.
Cổng chùa ngoài cùng bao gồm bốn cột vuông với ba mái cong không chùm lên cột mà gắn vào sườn cột, mái giữa cao hơn hai mái bên, hơi giống kiến trúc cổng ở cung vua phủ chúa ngày xưa, trên cổng có tấm hoành phi lớn đề chữ " Thiền Thiên Khải Thánh ". Qua cổng là một sân lát gạch Bát Tràng, giữa sân là chiếc sập đá, nơi đặt kiệu trong các ngày lễ hội. Cuối sân có cửa tam quan. Từ đây có con đường lát gạch, hai bên là hàng muỗm cổ thọ cả gần ngàn tuổi dẫn đến cổng thứ ba.
Qua cổng này ở giữa có ngôi nhà bát giác nơi đặt tượng của Từ Đạo Hạnh. Qua nhà bát giác này mới đến các công trình chính trong chùa: bái đường, nhà thiêu hương, thượng điện, các dãy hành lang, nhà tổ và tăng phòng...
Động thập điện Diêm Vương ở hai đầu đốc tòa tiền đường khá đẹp, miêu tả những hình phạt ở các tầng địa ngục.
Đây là một trong những ngôi chùa có số lượng tượng thờ nhiều nhất Hà Nội và cả Việt Nam, gồm 198 pho tượng. Cơ Bản gồm có: Khuyến thiện, Trừng Ác, Tứ Đại thiên Vương, Chuẩn đề, Phạm thiên, Đế Thích, Cửu Long Phún Thủy, Thập bát La hán, Lịch Đại Tổ Sư, Tam Tòa Thánh Mẫu, Tứ Vị Vua Bà,...
Ngoài các tượng Phật ở thượng điện, trong hậu cung còn có tượng nhà sư Từ Đạo Hạnh và tượng vua Lý Thần Tông. Tượng Từ Đạo Hạnh làm bằng mây đan phủ sơn còn tượng Lý Thần Tông làm bằng gỗ mít.
Vì được trùng tu nhiều lần, trong chùa không còn dấu tích của các kiến trúc di vật cổ. Tấm bia cổ nhất còn lại ở đây được dựng năm Thịnh Đức thứ 4 (1656) nhà Hậu Lê. Văn bia do tiến sĩ Nguyễn Văn Trạc viết.
Vẻ bề thế của quần thể kiến trúc hài hòa, cân xứng với không gian thoáng đãng khiến cho chùa Láng đã từng được coi là "đệ nhất tùng lâm" ở phía Tây kinh thành Thăng Long xưa.
Đặc sắc lễ hội chùa Láng
Hội chùa Láng diễn ra vào ngày 7-3 âm lịch, trước đây có tục rước kiệu lội qua sông Tô lên làng Dịch Vọng Tiễn để thăm mẹ Từ Đạo Hạnh được thờ ở chùa Hoa Lăng.
Lễ hội chùa Láng - Ảnh: cinet.vn
Tại hội chùa Láng, phần lễ được tái hiện lại dưới hình thức đấu thần (diễn tả lại cuộc đấu giữa Từ Đạo Hạnh và Đại Điên). về phần hội, nhiều trò chơi dân gian như “bịt mắt đập niêu”, “thi thổi cơm”… thể hiện tinh thần đoàn kết, tạo cơ hội kết duyên cho các cặp nam thanh nữ tú. Vào những ngày này, nườm nượp phật tử, du khách thập phương khói hương nghi ngút. Còn vào những ngày thường, chùa Láng trở lại sự thanh tịnh vốn có. Dưới tán lá sum sê của những gốc đại thụ, thường là hình ảnh những cô cậu sinh viên ngồi ôn bài, những cụ già ở tuổi “xưa nay hiếm” ngồi đọc báo, hay lặng yên hưởng chút dư vị thanh bình hiếm hoi còn sót lại giữa lòng đô thị.
Tài liệu cũ ghi chép rằng: Hội Láng không phải được tổ chức hàng năm mà cứ phải mươi, mười lăm năm nhất là vào những lúc mưa thuận gió hoà, những khi vận hội thanh bình, nhà nhà no ấm hội mới được mở. Hội được mở cùng ngày với hội chùa Thầy, nơi tu hành của đức thiền sư. Việc chuẩn bị cho lễ hội khá công phu, chẳng hạn phải có đủ số lượng các loại pháo để bắn khoảng nửa giờ trong nghi lễ đấu thần, chọn lựa và huấn luyện hai bộ đô tuỳ nội và ngoại. Bộ đô tuỳ nội có 18 trai đinh, phải là những người đang còn chịu tang, như có ý để tang cho Thánh phụ (Từ Vinh) sẽ rước kiệu từ chùa Láng đến cống Cót, rồi độ hà sang sông, chuyển kiệu cho đô tỳ ngoại gồm 36 người (18 người dự bị), rước kiệu đi tiếp sang tận Dịch Vọng Hậu và lại rước trở về chùa Cả.
Ngày mồng 5 bắt đầu hội, kiệu Thánh được rước lên chùa Nền để ông thăm lại nơi chào đời. Ngày hôm sau lại rước Thánh xuống chùa Tam Huyền ở làng Mọc dể thăm cha. Hai ngày này chỉ rước bát hương mà không rước tượng. Tối mồng 6 tượng ngài trong chùa Cả được rước ngự tại nhà bát giác để Thánh xem mười cô gái xiêm y lộng lẫy hát múa. Mồng 7, chính hội có đám rước lớn có hai lá cờ tiết mao đi đầu. Nối theo là hai hàng chiêng trống. Có cả con đĩ đánh bồng và long đình gồm rất nhiều cờ, quạt, lọng, phướn theo sau. Lễ hội chùa Láng thực chất là lễ hội mùa xuân của cả một vùng gồm nhiều làng ở hai bên bờ sông Tô Lịch Hà Nội trước kia nên có những nét khác lạ. Từ chùa ra tới đường cái đám rước đi rất chậm, ra đến cổng làng thì tốc độ mới tăng dần lên. Vừa có lễ dành cho Thánh, vừa có lễ dành cho Phật lại vừa có lễ dành cho thiên tử tượng trưng cho 3 kiếp hoá của Từ Đạo Hạnh.
Cái độc đáo làm nên nét riêng của lễ hội là hình thức trình diễn đấu thần. Tới cửa chùa Thánh Tổ (thờ Đại Điên) đám rước dừng lại, pháo lệnh nổ vang, rồi tiếp đó hàng loạt pháo thăng thiên và pháo chuột được đốt phóng sang chùa Thánh Tổ, sang chỗ kiệu Đại Điên đang núp. Đúng chính ngọ (12 giờ trưa) đám rước thật nhanh đi về chùa Cả. Đêm đó có hát chèo vãn hội. Hội Láng đã cho ta thấy sinh động cảnh sinh hoạt của người Việt đời Lý. Xưa kia dường như Đạo và Đời hoà vào làm một chính vì thế những ngôi chùa dọc hai bờ Tô giang liên quan đến sự tích Từ Đạo Hạnh vẫn được dân gian gọi là đền. Hình thức hội Láng nằm trong hệ thống các phong tục hội hè miền phụ cận kinh thành Thăng Long. Trải nhiều đời, nó đã góp vào quá trình sinh hoạt văn hoá dân gian chốn đế đô một tổng thể lễ tiết phong phú và độc đáo.
Phương Linh (Tổng hợp)
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/kham-pha-ngoi-chua-tung-duoc-coi-la-de-nhat-tung-lam-cua-thang-long-xua-a8493.html