Ngôi chùa với những dấu chân kỳ lạ trên mặt đá

Chùa Chân Tiên tọa lạc lưng chừng đỉnh Am Tiên là một trong những ngôi chùa cổ khá nổi tiếng về sự linh thiêng ở Hà Tĩnh. Người ta biết đến ngôi chùa này nhiều hơn bởi xung quanh chùa có nhiều tảng đá với những dấu chân kỳ lạ gắn liền với nhiều huyền thoại về các nàng tiên nữ.



Chùa Chân Tiên tọa lạc lưng chừng của đỉnh Am Tiên, được xây dựng vào đời nhà Trần (Thế kỷ XIII) - Ảnh: giadinh.net.vn

Chùa Chân Tiên hay Chân Tiên Tự, thuộc xã Thịnh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Từ thành phố Vinh, theo quốc lộ 1A về phía Nam đến thị trấn Nghèn tại km số 31 rẽ hướng Đông theo đường Liên Hương 18km sẽ đến chùa Chân Tiên.

Đây là một ngôi chùa khá đẹp trên núi Tiên Am, nằm cuối dãy Ngàn Hống, sát biển Đông. Đứng trên chùa nhìn xuống là những rừng thông xanh trùng điệp. Đi về bốn phía xung quanh chùa Chân Tiên, du khách sẽ được thưởng ngoạn nhiều cảnh đẹp và chứng tích gắn với những truyền thuyết, huyền thoại hấp dẫn như: cây đa nơi Thái thượng lão quân nghỉ mát, dấu chân Tiên, chùa Vồn Sơn thờ Phật Tổ, bàn cờ tiên, nền Sơn Tinh, nền Hoàng Thạch, bàu tiên v.v…

Sở dĩ chùa mang tên Chân Tiên bởi khởi thủy, ngay chỗ chùa được xây dựng, trên một tảng đá rộng lớn, bằng phẳng tự nhiên xuất hiện những “dấu chân” hết sức kỳ lạ.

Theo dân gian truyền lại thì do có phong cảnh hữu tình nên núi Am Tiên là nơi có nhiều thần tiên từng đặt chân chu du chốn này.

Hiện nay, nhiều dấu tích còn để lại mà người dân ở đây cho rằng đó những là gì còn sót lại của các vị tiên đặt chân đến như: Động Trúc, Động Mai, Động Thạch Thất, Động Đá Người... nhiều hang đá xưa có tiếng như: Đá Bắt Chí, đá Giả Gạo, đá Cối Xay, Hang 12 cửa... Nhưng thể hiện rõ nhất để minh chứng cho việc các thần tiên từng đặt chân đến đây đó là: Dấu chân ông Bành Tổ, Vết chân Tiên nữ, Vó ngựa, suối Ngọc hay Bàu Tiên, bàn cờ Tiên, giếng Tiên, thạch kim quy… Mỗi dấu tích này gắn với một câu chuyện rất kì bí, khó giải thích được.

Chùa Chân Tiên được xây dựng vào thời nhà Trần (thế kỷ 13). Trong quá trình biến thiên của lịch sử, chùa đã được tu sửa 3 lần. Đây là công trình có kiến trúc hài hòa, gồm hai nhà: nhà bên trái (chùa thứ nhất) và nhà bên phải (chùa thứ hai).

Nhà bên trái thờ Phật Tổ, được xây dựng bằng vôi vữa theo kiến trúc tứ trụ, có 3 gian, xung quanh có tường bao bọc. Chùa được lợp ngói vảy, hai bên hiên chùa thờ hai vị: quan Văn (bên trái) và quan Võ (bên phải).

Nhà bên phải thờ Thánh Mẫu bao gồm các công trình như nhà Thượng điện, kiệu Long đình và nhà Bái đường với diện tích 56m2… Các công trình này đều được trang trí hoa văn, họa tiết khá tinh xảo như hình rồng, hình mặt trăng, hoa lá v.v...

Trong chùa Chân Tiên hiện nay còn lưu giữ một số hiện vật thờ tự quý hiếm như: các pho tượng Phật, lư hương, trống, hương án, cờ Phật…

Trong 99 đỉnh núi của dãy Ngàn Hống (tức núi Hồng Lĩnh) thì đỉnh Am Tiên (thuộc địa phận xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) xưa nay vẫn được người đời tôn xưng là “đệ nhất kỳ quan”. Không chỉ đẹp bởi hình sông thế núi kỳ vỹ, mỹ lệ, Am Tiên còn được xem là nơi dừng chân của các nàng tiên nữ chốn Tiên giới trong những lần du ngoạn trần thế. Bởi thế, bao quanh đỉnh núi này là hàng trăm câu chuyện mang màu sắc huyền bí mà cho đến bây giờ vẫn chưa thực sự tìm ra lời giải đáp đích xác.


Phương Linh (Tổng hợp)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ngoi-chua-voi-nhung-dau-chan-ky-la-tren-mat-da-a8482.html