“Bôi bẩn" lên di tích không còn là điều mới lạ

Trước khi Đại hồng chung ở chùa Thiên Mụ (Huế) bị phát hiện "vẽ bậy", tháp Hòa Phong (Hà Nội), bia đá trên núi Bài Thơ (Quảng Ninh) cũng bị "bôi bẩn", từ đó đã làm ảnh hưởng đến các di tích.

Tháp Hòa Phong bị "bôi bẩn"

Theo ANTĐ đưa tin, tháp Hòa Phong, di tích duy nhất còn lại của ngôi chùa Báo Ân nổi tiếng, còn gọi là chùa Quan Thượng, được dựng từ đời Minh Mệnh (năm 1842) trên nền cũ của Lầu Ngũ Long trong phủ Chúa Trịnh là một di tích lịch sử nhưng hiện đang bị những dòng chữ nghuệch ngoạc, nhem nhuốc... "bôi bẩn".




Một góc tháp Hòa Phong - Ảnh: cand.com.vn

Cả 4 chân tháp dày đặc những chữ, chồng chéo lên nhau trông rất rối rắm và khó chịu. Nét chữ chủ yếu được viết bằng bút tẩy trắng xóa, với hầu hết nội dung yêu đương, nhớ nhung như: "anh yêu em, em yêu anh", "L (trái tim) T"... rồi ước mơ, tâm trạng buồn vui của người viết, hay những cái tên trai gái được ghép lồng vào nhau....thôi thì "đủ thứ trên đời"!

Mặt tiền của tháp có ghi tên Tháp Hòa Phong, nhưng ở ngay cả bảng tên này cũng bị ai đó viết bậy, lấp cả chữ tên tháp. Chính những dòng chữ trắng xóa cùng những hình vẽ nhem nhuốc này đã làm mất đi vẻ đẹp cổ kính của tháp.

Di tích lịch sử tháp Hòa Phong nằm ngay bên bờ hồ Hoàn Kiếm, hàng ngày có rất nhiều khách du lịch qua lại, chụp ảnh kỷ niệm tại đây. Tháp bị "bôi bẩn" như vậy làm bộ mặt của Hà Nội thêm xấu đi trong mắt bạn bè quốc tế!

Núi Bài Thơ dường như bị lãng quên

Núi Bài thơ là nơi ghi lại những dấu ấn lịch sử quan trọng. Mùa xuân năm 1468, vua Lê Thánh Tông trong chuyến đi kinh lý ở phía Đông đã dừng chân tại nơi này. Xúc động trước vẻ đẹp thần tiên của mây trời non nước Hạ Long, nhà vua đã làm một bài thơ và cho khắc vào phía Nam của vách núi đá và từ đó núi có tên Bài Thơ. Năm 1729, chúa Trịnh Cương đã làm một bài thơ họa lại bài thơ của vua Lê Thánh Tông và cho khắc vào gần đấy. Ngoài ra còn một số bài thơ của nhiều danh nhân thời Nguyễn.

Năm 1992, núi Bài Thơ đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Di tích này là nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều thi sỹ, nhiếp ảnh gia, nhạc sỹ mỗi khi có dịp đứng trên đỉnh núi ngắm Vịnh Hạ Long.




Bia đá trên đỉnh núi bị vẽ bậy, gạch xóa. Nguồn: internet

 
Mặc dù đẹp như vậy, lại mang ý nghĩa và giá trị lịch sử sâu sắc nhưng dường như núi Bài Thơ đang vùi trong quên lãng, ngày càng xuống cấp và trở nên xấu xí. Lối vào di tích giờ nằm lọt thỏm trong một con ngõ nhỏ, đường lên núi tối âm u, rộng chưa đầy 1m lại bị cản trở bởi nhiều cành cây bật gốc. Nhiều công trình được phục dụng từ năm 2003 giờ đã hoang tàn. Lối đi bị nhà dân cùng các vật liệu xây dựng, phế liệu chắn ngang khiến du khách di chuyển rất khó khăn. Đó là chưa kể những đàn dê chen chúc giữa các bậc đá lên xuống và vô tư “phóng uế”. Nhà di tích thì ngập đầy giấy rác, trên tường là những vết gạch xóa, vẽ bậy, bôi bẩn.

Càng lên gần tới đỉnh núi đường càng khó đi bởi các bậc xây bị bung vỡ, vỏ bánh, vỏ lon nước ngọt la liệt khắp nơi. Khi lên tới đỉnh núi, chưa kịp thu vào tầm mắt cảnh tượng hùng vĩ của hàng trăm hòn đảo đá nhấp nhô trên Vịnh Hạ Long thì lại nhìn thấy tấm bia đá bị gạch xoá chi chít đến nỗi không đọc được các dòng chữ ghi lại chứng tích lịch sử. Bất cứ ai nhìn thấy cảnh này đều không khỏi buồn và tiếc nuối.

Bảo vật Quốc gia Đại Hồng Chung bị viết bậy

Vietnamplus.vn thông tin, vẽ bậy lên di tích đang trở thành vấn nạn ở Huế, trong đó những di vật trở thành bảo vật quốc gia cũng không ngoại lệ như Đại hồng chung ở chùa Thiên Mụ.

Thiên Mụ là ngôi chùa nổi tiếng, hàng ngày ở đây có rất đông khách tham quan. Nhiều du khách nước ngoài khi đến chùa Thiên Mụ rất ấn tượng với chiếc chuông Đại hồng chung đặt phía bên phải tháp Phước Duyên nằm trong khuôn viên chùa.



 
Mặt trong Bảo vật Quốc gia Đại Hồng Chung - Ảnh: vietnamplus.vn

Tuy nhiên, chuông bị một số người vô ý thức dùng bút xóa màu trắng viết, vẽ bậy lên, kín cả mặt bên trong.

Trong khuôn viên chùa Thiên Mụ, ông rùa đội bia đá ở Lục giác đình phía Đông là một công trình mỹ thuật vô cùng độc đáo thời Vua Lê-Chúa Nguyễn.

Mai rùa chạm các đường vảy hình lục giác nhưng không một ô lục giác nào là không bị khắc tên hay những dòng lưu bút của hậu thế.

Trên lưng rùa đội bia đá ghi câu chuyện cổ xưa về chùa Thiên Mụ, thì nay lại nặng thêm với những cái tên như Hiền, Thư, Tiến, Hiếu, Nhật..., thậm chí còn có cả hàng chữ bằng tiếng Thái hoặc Campuchia bằng bút xóa trắng viết ngay ở trên đầu bia, trước cả những Hán tự.


Phương Linh (Tổng hợp)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/boi-ban-len-di-tich-khong-con-la-dieu-moi-la-a8453.html