Quán Giá - Yên Sở và những giá trị văn hóa nghệ thuật độc đáo

Quán Giá (Đền Giá) xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội là di tích lịch sử quốc gia. Quán Giá nơi tôn thờ tướng công Lý Phục Man – người con ưu tú của quê hương làng Giá – người anh hùng dân tộc đã dựng nên nhà nước Vạn Xuân – nhà nước độc lập đầu tiên của dân tộc ta.

Kiến trúc độc đáo của Quán Giá

Quán Giá là một ngôi đền nguy nga, bề thế tọa lạc trên một khuôn viên rộng lớn, tựa lưng vào khu rừng Cấm, phía trước là dãy núi Phượng Lĩnh - Sài sơn. Thật hiếm có ngôi đền nào to rộng, tráng lệ như Đình Quán Giá. Từ trên đê tả Đáy rẽ xuống, qua đường chân ngựa là đến ngay khu Đền chính. Qua một sân cỏ rộng là gặp bức tường cổ, giữa có đôi cột trụ cao, to với đôi câu đối được viết bằng hai hàng đại tự khảm sứ:


“Đại danh thùy vũ trụ

Chính khí tác sơn hà”

Dịch nghĩa:

“Tên người che chùm thiên hạ

Khí thiêng nâng nhấc núi sông”.

Và bên trong cột cũng đôi câu đối lớn như thế:

“Nhất thiên tang tử ấm

Vạn đại kiếm cung hùng”

Dịch nghĩa:

“Một vùng trời quê hương được nhờ ơn

Muôn đời sau đất này vẫn hùng mạnh”.

Lại qua một sân cỏ thứ hai nữa là đến Tam quan 3 gian, cao rộng, kề bên nối với hai bức tường , có hai cửa nhỏ gọi là cửa Sước rồi kéo dài 2 bức tường tả hữu ra 2 bên. Đặc biệt là trên hai bức tường này người xưa gắn mỗi bên 26 và 23 viên gạch nung làm thành 2 bức phù điêu, trên đắp hình gia súc, chim muông, ngư tiều, nho sĩ... Hai bức tường và những viên gạch trang trí này, được xây dựng từ đời vua Lê Gia Tông (1672), cho đến nay chưa ai giải mã được mục đích, nội dung của những bức tranh gốm nung này. Đặc biệt trên hai bức tường này được gắn 49 bức phù điêu bằng gốm nung thể hiện những nét văn hoá đặc sắc của nhân dân làng Giá.



Toàn cảnh Quán Giá, Yên Sở.

Qua cửa Tam quan, đến sân cỏ thứ 3 bên phải và bên trái sân này là hai dãy hành lang: hành lang phía Tây dành cho các giáp Yên Sở, hành lang phía Đông là của các giáp Đắc Sở và Tiền Yên. Rồi qua bậc đá tam cấp (những bậc đá ở Đền đều được làm từ năm Chính Hòa 2 đời Lê Hy Tôn (1680), là đến một sân gạch, nền cao, khá rộng, tiếp theo là đền Hạ (còn gọi là Tiền đường), đền Trung và trong cùng là đền Thượng. Đặc biệt đền Trung và đền Thượng được nối với nhau bằng một hàng hiên kín. Tổng thể tạo thành hình chữ “công”. Các vách của đền Giá là những nét ngoài của chữ “quốc”. Các cụ trong làng cho biết: Từ bệ gạch nơi có tượng Tướng công ra đến sân cỏ ngoài cùng là chín bậc thăm thẳm "cửu trùng". Kề hai sân trong, thu vào một chút ở hai đầu hồi Đền trung, phía Đông là nhà ngựa, phía Tây là nhà bia.

Giá trị của di tích Quán Giá

Đền Quán Giá là một di tích lịch sử - văn hóa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận. Đây không chỉ là nơi diễn ra hoạt động tín ngưỡng tâm linh mà đây còn là nơi sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương.

Giá trị tâm linh: Nói đến làng Giá Lụa quê tôi,không ai là không biết đến câu “ Đình không xà, làng bảy ba cái Giếng” hay “ Đền Kẻ Giá cái lá cũng thiêng” để thấy được sự linh thiêng của Đức Thánh Giá. Đây là địa điểm diễn ra hoạt động tín ngưỡng.Vào những ngày Rằm, mồng 1 hay lễ Tết người dân trong làng thường mang hương, hoa, trà, quả, thực ra cúng tướng công Lý Phục Man, đặc biệt là những việc cưới xin hay mừng thọ thì gia đình cũng hay mang khi thì con gà, chai rượu, khi thì con lợn, tày giò trước là để cúng lễ báo cáo với tướng công sau là để báo cho bà con trong làng biết.

Không chỉ người dân trong làng thấy sự linh thiêng của di tích mà cả khách thập phương cũng kéo về rất đông, nhất là vào ngày hội làng.




Độc đáo lễ hội Quán Giá.

Giá trị văn hóa – nghệ thuật: Biết đến Đền Quán Giá không đơn thuần chỉ là một di tích lịch sử với những chiến công hiển hách mà đây còn là nơi tổ chức nhiều hoạt động văn hóa cho người dân trong vùng. Ngày lễ Tết thì tổ chức các trò chơi dân gian như: đánh đu, chơi ô ăn quan, chơi cờ người hay đấu vật... ngày hội thì đây là nơi diễn ra nhiều nghi lễ trang nghiêm. Là nơi giao lưu văn hóa giữa các xã Yên Sở, Đắc Sở, Tiền Yên, Cát Quế, Dương Liễu...

Giá trị giáo dục truyền thống: Đền là nơi thờ tướng công Lý Phục Man – người anh hùng dân tộc, người con trung hiếu của quê hương. Để giáo dục thế hệ trẻ truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, đạo lý “ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc, cùng với lòng yêu quê hương đất nước – nơi chôn rau cắt rốn, mỗi người dân trong vùng cũng như thế hệ trẻ xã Yên Sở phải biết quý trọng công lao to lớn của tướng công, các nhà trường cùng với ban quản lý di tích phát động thăm quan, tuyên truyền và tổ chức nhiều hoạt động bảo vệ và chăm sóc di tích, tổ chức giờ học ngoại khóa tại di tích để học sinh hiểu và thêm yêu di tích.


Minh Hoàng

Nguồn: langvietonline

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/quan-gia-yen-so-va-nhung-gia-tri-van-hoa-nghe-thuat-doc-dao-a8429.html