16/01/2017 16:10
16/01/2017 16:10
Khám phá ngôi chùa cổ độc đáo nhất kinh Bắc
Chùa Bổ Đà được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2016 và là một trong những ngôi chùa độc đáo nhất miền đất Kinh Bắc, là Trung tâm Phật giáo lớn của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Chùa toạ lạc trên ngọn núi Phượng Hoàng (Bổ Đà sơn), phía Bắc dòng sông Cầu, thuộc địa phận xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Chùa Bổ là một trong những nơi còn giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ. Chùa có kiến trúc độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam, đó là lối kiến trúc "nội thông ngoại bế" tạo vẻ u tịch, thanh vắng, linh thiêng.
Với hệ thống bố cục kiến trúc hài hòa được xây dựng bằng các vật liệu: gạch nung, ngói, tiểu sành, tường bao được làm bằng đất rất độc đáo. Các bức tường, cổng và một số công trình khác được xây dựng hoàn toàn bằng đất nện theo lối chình tường. Cổng vào chùa nền lát đá muối có kích thước to nhỏ khác nhau, xây theo kiến trúc thời Nguyễn mang dáng dấp gác chuông.
Điểm đặc biệt ở đây là nhiều bức tường được xây bằng tiểu sành giống như làng Thổ Hà, nơi chuyên sản xuất chum vại, tiểu sành cách đó vài cây số, tạo vẻ rất trầm mặc, gần gũi với vùng thôn quê ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Toàn bộ chùa chính có diện tích khoảng 51.784m² được phân ra làm ba khu rõ rệt. Khu vườn: 31.000m², khu nội tự chùa 13.000m² và khu vườn tháp rộng: 7.784m².
Vườn tháp ngàn năm tuổi - phatgiao.org.vn
Khu vườn tháp ngàn năm tuổi được xây tường đất kè đá. Với một vườn tháp cổ, nơi tàng lưu xá lị, tro cốt nhục thân của các vị tăng ni, với gần 100 ngôi tháp (có 87 tháp, được xây vào các thời điểm với nhiều kiểu loại khác nhau, không kể 18 mộ không xây), vườn tháp chùa Bổ Đà được đánh giá là đẹp và lớn nhất Việt Nam. Các ngôi tháp mộ xếp hàng hàng, lớp lớp và được xây dựng theo những quy định riêng và rất chặt chẽ của thiền môn.
Khu vườn chùa được trồng các loại cây ăn quả truyền thống và các loại hoa màu theo thời vụ. Xung quanh được đào hào (rộng 2m sâu 1,5m) vừa để thoát nước vừa để ngăn cách bảo vệ. Ngoài giá trị vật chất của di tích, từ xưa khu vườn chùa Bổ Đà đã là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân.
Khu nội tự chùa (chùa Tứ Ân Tự): Chùa chính Tứ Ân Tự xây dựng vào thời Hậu Lê, được thiết kế theo kiểu kiến trúc Nội công ngoại quốc (một nét đặc trưng của chùa Việt Nam) bố trí tám cửa ra vào tượng trưng cho tám quái của vũ trụ (bát quái), đường đi thiết kế theo kiểu chữ Lục, trời mưa đi từ nhà nọ sang nhà kia không bị ướt. Kiểu kiến trúc này giống với chùa Phật Tích tại Bắc Ninh.
Mái chùa cổ kính - phatgiao.org.vn
Toàn bộ khu chùa hiện nay gồm 16 toà nhà lớn nhỏ với tổng số 92 gian. Bao gồm: nhà bếp, nhà tạo soạn, nhà tổ ly, nhà tổ, nhà tiền tế, nhà in Kinh,nhà trai, nhà hành lang hình thước thợ, nhà pháp, nhà khách, nhà ga, toà tam bảo. Toà Tam bảo kiến trúc theo kiểu chữ đinh. Phần hậu cung dài 12m x 7,7m gồm 5 gian. Toà tiền đường dài 21m x 11m có 7 gian, tường gạch, lợp ngói, nền lát gạch vuông, nền nhà cao 0,90m có 3 bậc. Bậc thềm được lát bằng những phiến đá xanh có kích thước to nhỏ khác nhau. Phía trên là 5 bộ cửa bức bàn.
Tại chùa còn có rất nhiều tài liệu, hiện vật quý hiếm, ngoài hệ thống tượng Phật theo thiền phái Trúc Lâm còn có văn khắc, thư tịch cổ, đại tự, câu đối, hương án (tòa Cửu Long), hai cây đèn gỗ thời Lê, chuông đồng niên hiệu Tự Đức, mõ cá dài trên mái…, đặc biệt bộ kinh Phật cổ nhất Việt Nam (khoảng 300 năm) được khắc trên 2.000 tấm gỗ thị vẫn còn khá nguyên vẹn, hiện được lưu giữ tại chùa.
Phương Linh (Tổng hợp)
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/kham-pha-ngoi-chua-co-doc-dao-nhat-kinh-bac-a8421.html