Nhà sưu tầm Nguyễn Hữu Hoàng với chiếc áo của một vị quan triều Nguyễn
Hoàng bào của nhà vua về đất Huế
Căn nhà riêng của nhà sưu tầm cổ vật Nguyễn Hữu Hoàng ở xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh TT Huế nằm sát bên tỉnh lộ 10, nhà của anh là địa chỉ quen thuộc của giới nghiên cứu và sưu tầm đồ cổ ở trong và ngoài tỉnh. Bạn bè anh ví von rằng căn nhà của Hoàng giống như một bảo tàng thu nhỏ với hơn 1 nghìn hiện vật đang được trưng bày. Trong đó có những hiện vật “độc nhất vô nhị” như trang phục cung đình triều Nguyễn với hơn 50 bộ.
Nói về chặng đường đi tìm cổ vật của mình, Hoàng tâm sự rằng, anh xuất thân trong một gia đình gốc xưa ở Huế, có bố làm thợ mộc, mẹ hành nghề buôn bán nên Hoàng có đủ điều kiện để ăn học thành tài, tuy nhiên đến năm lớp 11 anh đã đưa ra một quyết định khiến cả nhà phải bất ngờ đó là đi sưu tầm cổ vật.
"Ngay từ nhỏ tôi đã sớm tiếp xúc với những thứ cổ xưa còn lại trong gia đình, như cái chén hay cái bát của ông bà để lại, tôi đem ra ngắm nghía rồi đam mê lúc nào không hay", Hoàng nói.
Nói là làm nên đến năm 15 tuổi anh bắt đầu rong ruổi trên chiếc xe đạp của mình trên các con đường ở Huế để săn lùng cổ vật. Thời gian đầu mới vào nghề anh chỉ tìm gặp những chén, bát hay đồ gốm, nhưng như vậy chưa thỏa được đam mê của mình anh quyết định đi đến các tỉnh khác để sưu tầm và kể cả... ra nước ngoài.
Năm 19 tuổi anh quyết định ra khỏi Huế để sang các tỉnh khác để tìm cổ vật. Mỗi chuyến đi của anh kéo dài từ 10 đến 15 ngày, có khi cả tháng trời. Anh lội hết làng này sang làng khác, tỉnh này sang tỉnh nọ đến khi đầy ba lô anh mới quay về nhà.
Vào thời điểm đó còn quá trẻ nên trong tay không có vốn, anh phải tự mình đi vay người nhà và bạn bè để theo đuổi đam mê. "Trong một lần ra Quảng Trị tôi tình cờ thấy một bộ men lam sứ ngự dụng của vua chúa nhà nguyễn, rất thích nhưng lại không có tiền để mua tôi liền quay về nhà đi vay tiền, ngày đó tôi đã mua bộ men lam sứ đó với giá... 2 cây vàng tức khoảng 24 triệu đồng là số tiền rất lớn vào thời điểm đó", Hoàng nhớ lại.
Hoa văn trên một chiếc áo của quan đại thần triều Nguyễn mà anh Hoàng sưu tập được
Trong số những cổ vật mà mình sưu tầm được, Hoàng tâm đắc nhất là bộ sưu tập “Trang phục cung đình triều Nguyễn” với hơn 50 bộ. Trong khi đó, cả nước chỉ có 2 bảo tàng đang còn lưu giữ trang phục cung đình triều Nguyễn là Bảo tàng lịch sử TP Hồ Chí Minh và Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế. Một trong những chiếc áo nổi bật trong bộ sưu tập trang phục cung đình của Hoàng, là chiếc áo hoàng bào thượng triều của nhà vua. Ai đã tận mắt nhìn thấy chiếc hoàng bào này cũng không khỏi trầm trồ, mê hoặc trước những hoa văn, họa tiết tinh xảo.
Nói về bộ hoàng bào Hoàng cho biết bộ áo này đến với anh một cách khá bất ngờ đến nổi đến bây giờ anh vẫn còn chưa tin được, nếu nói như cách của anh thì "quý vật tìm quý nhân".
Hoàng kể lại cách đây chừng mười năm trước, nghe tin một ông cụ ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) là chủ nhân sở hữu chiếc áo của quan triều Nguyễn. Ngày hôm sau, Hoàng phóng xe máy đi ra tận nhà ông cụ để thấy được hiện vật mà lâu nay khao khát tìm kiếm. “Khi nhìn thấy chiếc áo hoàng bào, tôi không tin vào mắt mình. Tôi cũng không hiểu vì sao chiếc áo lại “lạc” đến vùng đất này và mình rất may có cơ duyên được gặp”.
Tuy nhiên khi anh đặt đề nghị để mua lại thì ông cụ chủ nhà không đồng ý bán. Không nản lòng, nhà sưu tầm này “ăn dầm ở dề” suốt 4 tháng tại mảnh đất Hướng Hóa để thuyết phục ông cụ nhưng vẫn không thành công. Bởi, chủ nhân này cũng thấy chiếc áo đẹp nên muốn lưu giữ trong nhà. Sau đó, thỉnh thoảng Hoàng vẫn ghé nhà ông cụ để hỏi thăm chiếc hoàng bào và lại đặt vấn đề mua nhưng ông cụ quyết không bán.
Sau đó vì biết tin, có nhiều nhà sưu tầm cổ vật đến hỏi mua, Hoàng lo sợ báu vật này trước nguy cơ không được về Huế nên nhờ một số già làng ở đó tác động. Cuối cùng, ông cụ cũng chấp nhận bán chiếc áo hoàng bào cho anh Hoàng với mong muốn chiếc áo sẽ được gìn giữ, bảo quản tốt hơn.
Sau khi đã có bộ long bào trong tay anh liền dùng trầm để xông nói như theo lời anh là “an lòng vị vua nơi chính suối”. Thời điểm Hoàng mới công bố. Ai cũng nữa tin nữa ngờ vì tính chân thật của bộ long bào nhưng khi tận mắt chứng kiến ai cũng phải trầm trồ thán phục bởi sự tinh tế của nó.
Trong số hàng ngàn cổ vật quý hiếm từng sở hữu, Nguyễn Hữu Hoàng đã dành một phần không nhỏ để hiến tặng cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế; Bảo tàng Văn hóa Huế; Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng ở các tỉnh: Quảng Ngãi, Quảng Nam, Huế, Quảng Trị và Thanh Hóa Thanh Hóa, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi cùng một số nhà lưu niệm trong và ngoài tỉnh.
Một chiếc tô khắc chép bài thơ nôm trong bộ sưu tập của ông Nguyễn Xuân Hoa
Người giữ hồn cốt Huế qua cổ vật cung đình triều Nguyễn
Xuất thân trong một gia đình có bố là một vị quan nho trong triều đình nên từ nhỏ ông Nguyễn Xuân Hoa một nhà nghiên cứu văn hóa Huế đã may mắn tiếp xúc được với các đồ vật quý, sau này lớn lên niềm đam mê với đồ cổ vẫn cứ theo đuổi ông.
Ngôi nhà của nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa như một không gian trưng bày của hơn 200 chủng loại sứ ký thời Nguyễn, số chủng loại này nhiều hơn cả bảo tàng. Cùng với đó là hàng chục bức tranh gương mang đậm dấu ấn của các vua chúa triều Nguyễn. Trong số đó có những chiếc tô khắc chép các bài thơ Nôm với những đường nét rất tinh tế ở thời của các vị vua: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức… được đánh giá cao về thẩm mỹ.
Trong số những cổ vật quý hiếm đang sở hữu, ông Hoa tâm đắc nhất là bô sưu tập những tô sứ men lam - sứ ký kiểu ngự dụng vua triều Nguyễn. Nói về cơ duyên với bộ sưu tập này ông Hoa kể lại rằng, khoảng năm 1980 sau khi được một người quen giới thiệu, ông Hoa đã tìm đến một gia đình quý tộc đang sở hữu một cái tô trên đó có chép bài sớ thời vua Gia Long.
Khi tìm đến cái tô này ông Hoa đươc biết chiếc tô có hơn 200 năm tuổi, trên đó khắc bài sớ trên 400 chữ. Với nội dung trên bài sớ được bộc lộ một cách bộc trực, thẳng thắn, ý nói nhà Vua phải biết thương dân.
Sau một thời gian dài đeo đuổi, ông Hoa biết được gia đình quý tộc sở hữu cái tô đó gặp khó khăn nên bán cho một tay sưu tầm cổ vật. Và, sau đó, ông Hoa tìm mọi cách để mua lại cái tô nói trên với mong muốn lưu giữ vẻ đẹp thẩm mỹ, tư tưởng thẩm mỹ của cổ vật.
Không những sở hữu cái tô có đề chép bài sớ, ông Hoa hiện đang sở hữu 200 chủng loại men sứ ký kiểu thời Nguyễn như: bình uống nước, tách trà, ly chén, dĩa, tô, chum, bình cắm hoa… rất độc đáo và mang giá trị thẩm mỹ cao. Trên các cổ vật đó, đều có ghi chép những bài thơ hoặc các phong cảnh về Huế mà các vị vua yêu thích và đã đặt hàng theo yêu cầu.
Bức tranh gương tại nhà ông Hoa
Trong căn phòng chính giữa gian nhà ngoài những cổ vật nói trên ông Hoa còn trưng bày 25 bức tranh gương độc đáo khác nhau. Trong đó, bộ tranh gương Tứ Bình được xem là bộ tranh cổ, quý hiếm ở Huế. Nguyễn Xuân Hoa cho biết, bộ tranh gương cổ Tứ Bình có 4 bức tranh gương, mỗi bức được thêu hình 2 cô gái có, đó là một thị nữ và một tiểu thư. Các bức tranh thể hiện 2 cô gái đang cầm, kỳ, thi, họa. Hiện, bộ trang gương Tứ Bình này được Nguyễn Xuân Hoa treo trang trọng ngay chính giữa căn phòng trưng bày sách, cổ vật của tư gia mình. Bên cạnh bộ tranh gương Tứ Bình thì bộ tranh “Nhị thập Tứ Hiếu” hay bức tranh gương thờ công chúa mà ông Hoa đang sở hữu đều là những cổ vật độc đáo.
Tranh gương là một di sản đặc biệt, vừa có tính vật thể vừa mang tính phi vật thể, mang bản sắc đặc trưng của mỹ thuật cung đình Huế bởi xuất xứ, cách thể hiện cùng chất liệu độc đáo của chúng. Hiện ở Huế còn khoảng 40 bức tranh gương cao cấp. Tất cả các tranh gương này đều do triều Nguyễn để lại và đang được trưng bày tại bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, cung Diên Thọ, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Tự Đức, lăng Dục Đức, lăng Đồng Khánh, điện Huệ Nam, chùa Báo Quốc… Theo Nguyễn Xuân Hoa, tranh gương được đóng trong những khung gỗ chạm thếp vàng khá cầu kỳ. Các nghệ nhân dùng chất liệu là bột màu pha keo hoặc sơn để vẽ hoặc khảm xà cừ vào mặt sau của gương.
Nói về niềm đam mê với cổ vật cung đình, ông Hoa chia sẻ: “Sau năm 1975, nhiều người xem giá trị văn hóa truyền thống rẻ rúng và một số người yêu thích sưu tầm chuyên nghiệp muốn giữ lại giá trị văn hóa Huế. Nhận định, nếu đưa ra khỏi Huế thì lúc đó cổ vật “chảy máu”. Do đời sống kinh tế khó khăn, gia đình quý tộc, quan lại đã bán lại báu vật của gia đình. Nếu những cổ vật Huế cứ rời Huế mà đi thì bề dày văn hóa của vùng đất sẽ mỏng dần. Từ suy nghĩ đó, gặp cổ vật quý, tôi quyết tâm mua lại cho bằng được dù kinh tế rất khó khăn. Có những món không mua được vì không có đủ tiền thì hôm đó, trong người cứ ray rứt, khó chịu".
Kỳ 3: Cổ vật Huế hồi hương
Duy Sinh