Làng nghề hối hả thu hoạch ngày cuối năm

Đến hẹn lại lên, cứ vào đầu tháng Chạp không khí tại các làng nghề cả nước lại rộn ràng, hối hả chuẩn bị hàng hóa để sẵn sàng phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết.



Sự ồn ào, náo nhiệt của các làng nghề vào xuân phần nào đã xua đi cái giá lạnh của mùa đông.

 
Làng hoa vào mùa

Đến thăm những làng hoa nổi tiếng là vùng cung cấp hoa tươi cho Hà Nội như Tây Tựu, Liên Mạc, Mê Linh, Phụng Công... những ngày áp Tết này thấy sắc hoa muôn màu rộn ràng khắp chốn.

Những lái buôn đến đánh hàng đi các nơi, những người chơi hoa, ngắm hoa đến thăm làng… Chị Nguyễn Hoài Thu – Người trồng hoa ở làng Tây Tựu - cho biết:

Nếu để trồng một cây ra hoa là điều đơn giản với những người như chúng tôi. Nhưng để chăm sóc thế nào để cho hoa nở đúng vào dịp Tết lại là việc không hề đơn giản.

“Người trồng hoa phải căn cứ vào đặc điểm của từng loại hoa, từng cây hoa rồi xem thời tiết nóng hay lạnh để “hãm” hay “thả”. Nếu cần ấm thì quây kín cây rồi thắp đèn để thúc, nếu cần lạnh thì phải mở cây, khoanh đốt nó sẽ nở hoa đúng như mình mong muốn…” – Chị Thu nói.

Được biết, hiện làng hoa Tây Tựu có khoảng gần 335 ha trồng hoa và gần 160 ha người dân thuê của các xã lân cận để trồng hoa. Hàng năm Tây Tựu cung cấp ra thị trường hơn 250 triệu bông hoa các loại. Việc chuyển đổi cây trồng đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây.

Nói về cách chăm sóc để hoa ra đúng vụ, chị Đặng Thị Hải – một người có thâm niên trồng hoa ở làng Tây Tựu - cho biết, việc lựa chọn giống hoa ảnh hưởng quyết định tới chất lượng hoa, đặc biệt là việc chăm sóc hoa cũng cần phải tỉ mỉ và kỹ lưỡng.

Hoa cúc ở Tây Tựu có khoảng 5 - 7 loài, trồng thì rất nhàn bởi là loại cây trồng ngắn ngày, sức chịu đựng tốt nên lớn rất nhanh. Nhưng riêng với hoa hồng thì lại rất dễ gặp sâu bệnh, do vậy đòi hỏi người trồng phải thường xuyên chăm tưới cẩn thận.

Muốn có một bông hoa đẹp và nở đúng thời điểm thì ngoài khâu chăm bón cẩn thận còn phải chú ý từ lúc hoa bắt đầu ra nụ và phải dùng giấy báo cuốn từng nụ hoa để bảo vệ hoa khỏi ảnh hưởng bởi thời tiết xấu và các loại sâu bệnh khác...

Cây cảnh ra... phố

Cũng như làng hoa Tây Tựu, mỗi khi những dịp Tết đến gần thì các vườn quất, cam, bưởi cảnh ở huyện Văn Giang (Hưng Yên) cũng trở nên nhộn nhịp bởi người mua, người bán.

Nhiều chậu cam canh, quất cảnh, bưởi Diễn đã được chở đi. Ngoài Nhật Tân (Hà Nội), Văn Giang là một trong những “địa chỉ” quen thuộc chuyên cung cấp quất, cam cho khắp nơi mỗi khi Tết đến xuân về.

Trên cánh đồng bạt ngàn quất cảnh, những cây quất tầm trung được trồng nhiều hơn cả. Giá cả các chậu cây ở đây chênh nhau khá nhiều.

Những cây quất bình dân có giá khoảng từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn. Riêng những cây quất lớn, giá từ vài triệu đến cả chục triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Quyết - Chủ một vườn quất, cam ở Văn Giang - cho biết: Những chậu quất cảnh to chủ yếu được các cơ quan thuê bày trong những ngày Tết. Còn người dân chủ yếu chơi loại quất cảnh tầm vừa đến nhỏ...

Cũng theo anh Quyết, những năm gần đây, xu hướng chơi bưởi chậu cũng được nhiều người hưởng ứng. Đặc biệt, loại bưởi được cắt ghép cùng với phật thủ, cam canh tạo ra loại cây có 3 thứ quả được rất nhiều người ưa chuộng. Những chậu bưởi được cắt ghép với phật thủ, cam canh có giá đắt hơn nhiều so với loại thông thường.

Rộn ràng làng mỳ, miến Minh Khai

Nhắc đến Minh Khai (huyện Hoài Đức, Hà Nội), người ta có thể nghĩ ngay đến hình ảnh của một làng nghề chế biến nông sản thực phẩm truyền thống với đa dạng các mặt hàng mỳ, miến được bán và xuất khẩu đi trong, ngoài nước.

Đến với làng nghề Minh Khai vào những tháng cuối năm, có thể thấy không khí thật rộn ràng từ các xưởng sản xuất, sự tấp nập, vội vã của kẻ mua, người bán.

Các xưởng sản xuất mỳ, miến tranh thủ từng ngày, nhà nào cũng cố gắng hoạt động hết công suất để có hàng phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán đang cận kề.

Những mẻ mỳ, mẻ miến được tạo nên từ đôi tay khéo léo của những người thợ lành nghề, trải qua những công đoạn hết sức tỉ mỉ. Tiếp xúc với mỳ với miến hằng ngày đấy nhưng đâu phải cứ có tiền, có máy móc là làm được ngay mà phải có bí quyết, sự tìm tòi sáng tạo và cái tâm của người làm nghề mới có thể thành công. Chẳng thế mà cùng một làng có người không đủ hàng để bán, nhưng có nhà thì chật vật tìm đầu ra cho sản phẩm.

Trước đây, việc làm mỳ, miến chủ yếu là làm thủ công, sử dụng sức lao động của con người là chính song đến nay, các hộ sản xuất đã áp dụng công nghệ tiên tiến. Những chiếc máy mỳ bỏ bột tự động, máy sản xuất miến dong liên hoàn đã hoàn toàn thay thế những loại máy móc cũ đã giúp giảm bớt sức lao động, tạo ra năng suất cao.

Làng nghề truyền thống Minh Khai có từ nhiều năm, nhiều thế hệ đã đi qua với biết bao biến động xảy ra song bí quyết sản xuất miến vẫn được lưu truyền hết năm này qua năm khác, các thế hệ con cháu tiếp nối và phát huy những gì ông cha để lại và cho tới bây giờ...

Mỗi làng nghề, mỗi vùng quê có một sản phẩm, thế mạnh đặc trưng, nhưng cùng hướng tới là phục vụ thị trường vào dịp Tết. Với mỗi làng nghề, việc sản xuất sôi động, tiêu thụ sản phẩm nhanh chính là góp phần mang đến một cái Tết sung túc, đầm ấm cho những hộ sản xuất, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, tạo niềm phấn khởi để họ chuẩn bị cho vụ sản xuất mới.


Nam Khánh

Nguồn: giaoducthoidai.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/lang-nghe-hoi-ha-thu-hoach-ngay-cuoi-nam-a8380.html