“Hành trình” lần theo dấu tích Đan Lăng của Vua Quang Trung: Vén bức màn bí mật

Trong suốt gần 15 ngày diễn ra cuộc thám sát khảo cổ học đoàn thám sát đã phát hiện ra nhiều di vật khảo cổ tại năm hố, bước đầu có thể vén lên bức màn bí ẩn mang tên cung điện Đan Dương và Đan Lăng.



Sau 15 ngày tiến hành thám sát khảo cổ lịch sử tại gò Dương Xuân, các chuyên gia và cơ quan chức năng bước đầu tìm được những di vật lịch sử dưới lòng đất.

>> Cuộc thám sát khảo cổ mang tính “lịch sử”

Phát hiện dấu tích tường thành cổ


Trong suốt gần 15 ngày diễn ra cuộc thám sát khảo cổ học, đoàn thám sát vui mừng phát hiện ra nhiều di vật khảo cổ tại năm hố. Bước đầu đã có thể vén lên bức màn bí ẩn mang tên cung điện Ðan Dương và Ðan Lăng.
 
Tại hố khảo cố ở nhà ông Oánh, đoàn thám sát đã đào được một lớp đất có dấu hiệu lạ có phần khác với các tầng đất khác. Các chuyên gia cho hay, lớp đất một nửa có màu vàng, một nửa có màu vàng trắng như cát và sỏi, nghi là liên quan đến một công trình kiến trúc. Lớp đất này sau khi được phát hiện đã được giữ nguyên chỉ đào lớp đất bên cạnh.

Tại hố thám sát tại chùa Vạn Phước phát hiện được mẫu vật như một thanh kiếm, tuy nhiên các chuyên gia khảo cổ cho rằng chưa đánh giá được đó có phải là kiếm hay không. Tại ba hố này còn phát hiện được thêm các mảnh sành sứ và gạch, nồi đất...


Ðến chiều ngày 10/10 trong lúc đào thám sát hố số 5 tại số nhà 13/120 Ðiện Biên Phủ, đoàn nghiên cứu đã phát hiện được dấu vết rất quan trọng nghi là dấu tích của một bức tường thành cổ. 

Theo đó khi đoàn khảo cổ đào đến độ sâu chừng 0,2 mét đã chạm phải một lớp đá. Sau khi đào hết theo đường chữ L thì phát hiện nhiều tảng đá xếp theo hàng trùng với đường chữ L như đã cắm mốc. Lớp đá này gồm khoảng 5 tảng đá khá lớn đặt theo 2 hàng ngay ngắn vuông góc với nhau, đoạn giữa có khuyết một đoạn không có đá. Riêng đoạn cuối lớp đá ở hàng song song với bờ tường và khá giống lớp đất lạ ở hố thứ 3 ở nhà ông Nguyễn Hữu Oánh tìm nghi liên quan công trình kiến trúc.

Theo Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học Bùi Văn Liêm thì lớp đá này nghi là tường móng của bức thành cổ. Dấu hiệu này khá quan trọng và cũng có phần rất may mắn khi chính TS. Liêm vào sáng cùng ngày đã xác định hố cuối cùng này phải đào khác các hố khác. Không ngờ chính hình chữ L này đã tương ứng với đường chạy của lớp các tảng đá xếp khá ngay ngắn, giống như vết tích một tường thành cổ. Chính vì vậy mà đoàn đã đào mở rộng hố này để tiếp tục tìm kiếm các dấu hiệu khả nghi.

Ðoàn đã đào thám sát tại vườn nhà bà Lê Thị Rô để mở rộng hố nói trên. Khi mở rộng sang nhà bà Rô thì tìm được thêm chiều rộng của nền đá khoảng 5,5m, hiện chiều dài của nền đá vẫn chưa phát hiện được. “Nền đá thể hiện một kiến trúc, công trình rất lớn”, ông Liêm cho biết.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Ðắc Xuân có mặt tại hiện trường khảo cổ nói rằng ngôi nhà số 13/120 Ðiện Biên Phủ này nguyên là một trong những ngôi nhà đầu tiên ở vùng gò Dương Xuân. Chủ nhân thời đó là bà Lê Thị Rô đã từng khẳng định với ông bờ tường sát hố khảo cổ thứ 5 là “bà đã thấy nguyên bộ móng bức tường cổ xây dựng giống như vôi vữa các mộ Tàu ngày xưa dưới bức tường này”. Sự kiện này gợi nhớ đến thông tin giáo sĩ La Bartette đã viết, khi Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ nhất về lại Phú Xuân ông “đã cho xây cất một bức tường cao 20 pied chung quanh Dinh ông”.

Người dân địa phương cho biết, nơi phát hiện được nền đá trước đây là tường đất. Trước đây người dân từng phát hiện được tường cao từ 1m đến 1,5m. Sau khi căn cứ vào các dấu hiệu khảo cổ và thông tin người dân cung cấp, PGS-TS Bùi Văn Liêm cho rằng: “Ðã có những dấu hiệu đầu tiên tại hố thăm dò số 5”.

Còn tại hố thám sát ở trong khuôn viên chùa Thuyền Lâm, ngoài các hiện vật như mảnh gạch, đá, sành sứ, việc thăm dò cũng phát hiện một om (hũ) nghi táng thi hài nằm sâu khoảng 1m so với mặt đất. Phía nửa trên chiếc om này đã vỡ vụn, còn phía dưới hầu như còn nguyên vẹn; đất ở trong om có màu đen, khác so với màu đất phía ngoài. Cạnh chiếc om này cũng xuất hiện nhiều viên gạch thẻ, cũng tại chùa Thuyền Lâm đoàn đã tìm thấy một nồi đất lớn đã bị vỡ, chỉ còn phần đáy.

Ðến chiều 15/10, cuộc thám sát khảo cổ học đã kết thúc, đoàn thám sát tập trung tại hố nhà 13/120 Ðiện Biên Phủ để đánh giá bước đầu kết quả cuộc thám sát.

“Tuy chỉ là hố thăm dò nhưng có các tín hiệu rất tốt, có thể liên quan đến các kiến trúc khác trong sử sách đã nói đến như phủ, cung mùa đông, thành. Tuy nhiên cần phải nghiên cứu tiếp thì mới có thể kết luận được đó là thành, tường hay biểu hiện của tường thành, vì vậy chưa nên kết luận vội vàng mà phải tiếp tục nghiên cứu”, PGS-TS Bùi Văn Liêm trao đổi nhanh với phóng viên Phương Nam Plus tại hiện trường.

Ông Nguyễn Ðắc Xuân người đã bỏ ra hơn 30 năm để tìm kiếm cung điện Ðan Dương và lăng vua Quang Trung tiếp tục khẳng định rằng, vùng đất gò Dương Xuân có một kiến trúc lớn đang bị chôn vùi, các dấu hiệu của đợt thám sát chứng tỏ nghiên cứu của ông là có cơ sở. Ðồng thời đề xuất các đợt thám sát và khảo cổ trên quy mô rộng để tiếp tục tìm ra những bí ẩn của lịch sử.
 


Những di vật được phát hiện.
 
Vén bức màn bí mật để tiếp tục nghiên cứu
 
Chiều 15/10, thời gian của cuộc thám sát khảo cổ học tìm kiếm dấu tích nhà Tây Sơn kết thúc. Tại đây PGS-TS Bùi Văn Liêm cho biết đoàn sẽ chỉnh lý hiện vật, các bản vẽ để hoàn thiện hồ sơ. Sau đó các hiện vật này sẽ được phân tích lý, hóa, địa chất... để làm rõ niên đại và các thông tin cần thiết.

Ông Cao Huy Hùng - Giám đốc Bảo tàng lịch sử và cách mạng tỉnh TT. Huế cho biết sắp tới đơn vị này sẽ phối hợp với các bên liên quan tiến hành bảo vệ các hố thám sát để phục vụ cho việc nghiên cứu về sau này. Ông Hùng cũng cho hay, sẽ dùng bạt và ni lông trải xuống các hố thám sát sau đó sẽ lấp cát lên đồng thời hoàn thổ lại mặt bằng. Những hiện vật đào được khi khảo sát sẽ được đưa về bảo tàng để bảo quản chờ đoàn nghiên cứu của viện khảo cổ học vào làm việc.

Ông Phan Tiến Dũng – Giám đốc Sở VH, TT&DL tỉnh TT. Huế cho biết thêm sẽ công bố kết quả bước đầu của đợt thám sát khảo cổ lần này. Dự kiến khoảng 3 tháng sau khi tiến hành thăm dò, đoàn khảo cổ sẽ báo cáo sơ bộ với Bộ VH, TT&DL và sẽ nộp báo cáo chính thức về dấu tích cung điện Ðan Dương (lăng vua Quang Trung) lên các cơ quan chuyên môn.

Như vậy sau 15 ngày tiến hành thám sát khảo cổ lịch sử tại gò Dương Xuân, các chuyên gia và cơ quan chức năng bước đầu tìm được những di vật lịch sử dưới lòng đất, tuy chưa có các kết luận cụ thể nhưng những đánh giá ban đầu của đoàn thám sát đã bước đầu vén được bức màn bí ẩn của lịch sử về triều đại nhà Tây Sơn tạo tiền đề để tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về triều đại này về sau.

Còn tiếp...

 
Duy Tân

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/hanh-trinh-lan-theo-dau-tich-dan-lang-cua-vua-quang-trung-ven-buc-man-bi-mat-a8315.html