Khám phá ngôi chùa được mệnh danh "Hoan châu đệ nhị phong cảnh"

Chùa Thiên Tượng là một trong những danh thắng của Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đã được mệnh danh là Hoan châu đệ nhị phong cảnh, được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh quốc gia năm 2005.



Ảnh minh họa (nguồn internet)


Chùa Thiên Tượng do Chuyết Công Thiền sư xây dựng cách đây trên 700 năm. Chùa toạ lạc bên sườn núi Thiên Tượng, lưng dựa vào vách núi trùng điệp, mặt hướng về phía tây có thoáng đãng với bao la đồng ruộng, làng quê. Thế chùa đã đẹp lại có voi đá thiên tạo, nước suối trong vắt quanh năm chảy vào hồ. Chùa được kết cấu hài hoà các công trình như nhà Tổ, nhà Tăng, hệ thống tháp  và lăng mộ các bậc tăng ni đã từng trụ trì qua các thời đại…Cùng với nét điêu khắc tài hoa, các công trình được bố trí theo tầng, bậc của thế núi tạo nên một quần thể kiến trúc trang nhã, thâm nghiêm mà phong quang.

Vua Thiệu Trị khi ra bắc đã ghé vào vãn cảnh chùa và đề thơ khắc vào bia đá. Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (thế kỷ18) khi đến thăm chùa đã viết:

Trải xem thế giới khắp ba nghìn

Ðồi một là đây chốn Tượng Thiên

Ánh ỏi chim ca, vang tiếng kệ

Nhặt khoan tiếng suối, tỏ rừng thiền

Ðến đầu thế kỷ 19, chùa Thiên Tượng vẫn là ngôi chùa đẹp, là chốn u tịch, thâm nghiêm, nhưng vào năm Ất Dậu 1885, sau biến cố kinh thành Huế, vua tôi Hàm Nghi chạy ra Sơn Phòng, Hương Khê phát động phong trào Cần Vương thì vùng Hồng Lĩnh cũng trở thành nơi hoạt động chống thực dân Pháp. Vì vậy, thực dân Pháp đã cho đốt chùa và tàn phá chùa thành phế tích. Ðến năm 1901, Tổng đốc An Tĩnh là Ðào Tấn đã cho trùng tu xây dựng lại chùa.

Chùa Thiên Tượng có thượng tịnh, hạ tịnh, có Lưu Ðức tháp và Thạch Sơn tháp, trong chùa có chuông Ðại Hồng và nhiều tượng Phật có giá trị nghệ thuật cao... Khuôn viên chùa chừng 150.000 m2 được giới hạn bởi hai suối lớn (suối Bắc và suối Nam) cả hai đều bắt nguồn từ đỉnh Thiên Tượng mà hợp thành. Ðường lên chùa được xếp đá công phu theo từng bậc như thang đá. Từ chùa nhìn xuống thị xã Hồng Lĩnh đẹp như một bức tranh.

Di tích này nằm ngay lưng chừng đỉnh núi Hồng bên quốc lộ 1A thuộc địa phận phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh, tiếp giáp nơi giao nhau giữa sông Lam, sông La. Ai ra Bắc hay vào Nam trên quốc lộ đều nhìn thấy danh thắng này.

Chùa nằm trong địa thế của đỉnh núi có độ dốc thoai thoải, hướng Tây có một hang đá bằng phẳng, trong hang có chữ khắc đá ghi danh công trạng của những người có công dẹp giặc, giúp dân, cứu nước. Trên miệng hang có hòn đá to hình con vịt. Trước hang có hòn đá to nữa, hình con voi nên gọi là “đá voi”. Đứng ở đây có thể nhìn bao quát xung quanh. Bên tả, bên hữu đều có khe nước suối chảy róc rách. Tiếng của suối lẫn trong tiếng gió reo tạo nên một bản nhạc du dương và sâu lắng. Không ít người trong lòng sầu não, tủi buồn nhưng khi tới chùa bỗng cảm thấy tâm hồn thư thái.

Mỗi dịp xuân về, tết đến, chùa Thiên Tượng lại nghi ngút hương và lễ vật của dòng người từ muôn phương đổ về. Thiên Tượng có nghĩa là “voi trời”, về lịch sử chùa chưa có sử sách nào ghi lại chính xác năm xây dựng. Nhưng lớp hậu duệ hôm nay khi đến chùa đều khâm phục trước kiến trúc và kỹ thuật điệu nghệ của các bậc tiền bối.


Linh Linh (Tổng hợp)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/kham-pha-ngoi-chua-duoc-menh-danh-hoan-chau-de-nhi-phong-canh-a8308.html