Táo bạo với đam mê
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nghề thủ công - mỹ nghệ truyền thống ở Hà Nội, ngay từ khi còn nhỏ, Nguyễn Trí Quang đã tỏ ra thích thú và say mê với những hình mẫu, hoa văn được khắc trên các sản phẩm thủ công.
Trí Quang chia sẻ: “Hồi đó, em thường dành phần lớn thời gian trong ngày để mày mò, tìm hiểu về mỹ thuật, điêu khắc qua các cuốn sách của Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ… và em thường cùng bố đi ghi dữ liệu, thu thập, sưu tầm mẫu cổ vật, linh vật mỗi khi có cơ hội”.
Năm lớp 8 (2012), nhận thấy rất nhiều tiềm năng của công nghệ 3D trong các lĩnh vực như thương mại, di sản, y tế, giáo dục... Trí Quang bắt đầu mày mò đưa hình ảnh các sản phẩm của gia đình lên web và đã gây được ấn tượng không nhỏ với khách hàng. Để tìm hiểu công nghệ mới sẽ phải mất rất nhiều thời gian, Quang đã mạnh dạn đề nghị gia đình cho phép dừng việc học văn hóa ở trường.
“Gia đình em rất bất ngờ với lời đề nghị này nhưng cũng không phản đối kịch liệt. Dù hiểu niềm đam mê của con nhưng bố mẹ vẫn động viên để em tiếp tục đến trường. Trong khoảng thời gian ấy, cứ đi học về là em lại dính chặt lấy cái máy tính để đổ file, ghép hình, viết code xây dựng website”, Quang chia sẻ.
Nguyễn Trí Quang bên đình làng cổ.
Trong khoảng thời gian này, Quang cùng bố đi khắp các di tích, tìm kiếm và thu thập dữ liệu về linh vật, cấu kiện cổ. Quang cho biết thêm: “Khó khăn nhất chính là khâu thu thập, phân tích dữ liệu mẫu vật”.
Sau mỗi chuyến đi, trở về nhà, Quang lại ngồi hàng giờ bên máy tính để tối ưu hóa hình ảnh cho những mẫu vật 3D, rồi đăng tải chúng trên trang thông tin điện tử của mình. Sau hơn 1 năm làm việc không ngừng nghỉ, trang thông tin về cổ vật, linh vật và di sản 3D của Quang dần trở thành một “địa chỉ vàng”, thu hút sự quan tâm, theo dõi của nhiều nhà nghiên cứu di sản, nghệ nhân làm nghề điêu khắc, chế tác, những người yêu linh vật…
Giữ gìn di sản bằng không gian… ảo
Khác với nhiều sản phẩm 3D hóa thông thường, người thực hiện phải quan sát trực tiếp mẫu vật hoặc chụp ảnh, sau đó, dựng lại trên máy tính bằng phần mềm đồ họa, độ chính xác thường không cao.
Hình ảnh của các mẫu vật được Quang xử lý theo công nghệ VR3D và đăng tải trên mạng cho phép người xem có thể quan sát ở mọi góc độ, chạm tới những họa tiết nhỏ nhất.
Màu sắc và kích thước của mẫu vật ảo đều được quét từ linh vật, cổ vật thực tế, nên có độ chân thực rất cao. Ngay cả những vết bụi, vết nứt nhỏ trên cấu kiện, khó có thể quan sát bằng mắt thường, cũng được giữ nguyên vẹn khi chuyển sang mô hình 3D.
17 tuổi, Nguyễn Trí Quang đã tạo cho mình một “Bảo tàng sống” với gần 100 linh vật Việt cổ, trong số đó, nhiều linh vật có giá trị lịch sử như: Sư tử đá thời Lý ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh), bệ sư tử thời Lý tại chùa Hương Lãng (Hưng Yên), nghê đá ở bậc thềm Đại nội Huế, rồng đá cổ chầu bên điện Kính Thiên - Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội)… giúp người xem có được cái nhìn tổng quan về hình tượng linh vật, cổ vật của các triều đại phong kiến trong lịch sử Việt Nam.
Không chỉ dừng lại ở những linh vật, cổ vật hiện có, khi mô hình không gian VR3D của đình Tiền Lệ (Hoài Đức) xuất hiện trên trang facebook cá nhân cũng như group Đình làng Việt là lúc những người yêu di sản hết lời trầm trồ, thán phục. Nguyễn Trí Quang tâm sự: “Đây là công trình lớn đầu tiên kể từ khi em làm quen với công nghệ 3D. Scan 3D chất lượng cao cả 1 di tích lớn như đình Tiền Lệ là rất khó, nó vượt qua giới hạn xử lý của các thiết bị hiện tại. Em tìm tòi, thử nghiệm ròng rã trong 2 năm, 4 tháng. Đó chỉ là thời gian thi công sau khi đã có giải pháp tương đối”.
Đình làng Tiền Lệ (Hoài Đức) - Di tích cổ đầu tiên được bảo tồn nguyên vẹn bằng công nghệ tương tác 3D.
Quang khẳng định, riêng khâu 3D scanning thôi, hiện trên thế giới rất hiếm có công trình nào làm được với độ phân giải cao, bao phủ hầu hết mọi ngóc ngách từ trong ra ngoài, ghi nhận từng thớ gỗ, kẽ gạch như ở đây. Không chỉ dừng lại ở đó, VR3D đình Tiền Lệ còn tạo ra một kịch bản tương tác cho người xem, hệt như một chuyến tham quan.
Rất nhiều thời gian, chi phí và cả mồ hôi trên thực địa đã giúp VR3D hiện thực hóa ước mơ: “3D hóa toàn diện, lưu giữ hiện trạng, tạo ra bảo hiểm về kỹ thuật cho các di tích lớn”. Nguyễn Trí Quang tiết lộ thêm, thời gian tới em sẽ cập nhật thêm cả tính năng xem bằng kính VR để người xem có cảm giác được thực sự đi trong di tích.
Không chỉ dừng lại ở đó, Quang cho biết, trong tương lai, cậu muốn sử dụng công nghệ VR3D để số hóa toàn bộ di sản Việt, đóng góp vào “Tổng kho di sản”, nơi lưu giữ toàn bộ dữ liệu về di sản Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, để mọi người có thể chiêm ngưỡng dễ dàng.
(Theo langvietonline.vn)