>> Kỳ 1: Huyền tích về giai thoại
Dáng dấp dung nhân Bà Chiêm Sơn trong Dinh Bà.
Từ một “nữ thần địa phương”, các Bà được nhân dân “thần thánh hoá” với những giai thoại hết sức ly kì và độc đáo. Các Bà được ngư dân địa phương xưng tôn là Bà Mẹ của nhân dân, là vị thần bảo hộ cho dân làng, người đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thanh bình qua truyện kể thần thoại mộc mạc, gần gũi nhưng cũng không kém phần huyền bí, linh thiêng.
Thần phả về Bà Thu Bồn, Bà Chiêm Sơn có chép, 2 Bà được sinh ra từ phiến đá trong một cái hang trên gò cao với những điểm khác thường: Mái tóc dài ngang lưng, hàm răng trắng ngà, chỉ biết cười không biết khóc, hành nghề chài lưới rồi bốc thuốc để “cứu nhân độ thế”. Riêng Bà Thu Bồn thì khi lên 5 tuổi đã biết dùng lá, rễ cây để chữa bệnh không công cho dân làng. Cũng có tài liệu khác cho rằng, 2 Bà có “lý lịch” xuất thân là nữ tướng của Chiêm Thành có nhan sắc hơn người, trong quá trình chạy trốn về với vùng đất Thánh đô Mỹ Sơn để lẩn tránh đội quân truy đuổi của nhà Lê (Đại Việt), do kiệt sức nên Bà đã lưu lạc đến vùng đất ở khu vực sông Thu Bồn rồi tóc vướng vào cành cây, ngã từ trên lưng voi xuống để hóa thân thành Bà Thu Bồn và Bà Chiêm Sơn. Do đó, ngoài 2 tên gọi trên, 2 Bà còn được gọi là Bà Bô Bô (hay Bà Pô Pô) phu nhân. 2 Bà quy tiên khi chưa hết tuổi xuân thì.
Linh thiêng và lạ thường không kém, gốc tích Bà Chợ Được, Bà Phường Chào (và cả Bà Chúa Hời) cũng được khắc hoạ rõ nét qua những sự tích và lưu truyền trong dân gian. 2 Bà tên thật là Nguyễn Thị Của, sinh ra tại làng Phường Chào, thuộc châu Phiếm Ái. Sau này đi lớn lên đi ngao du vùng sông nước Quảng Nam và đến thôn Phước Ấm (xã Bình Triều) đã linh ứng để tạo dựng nơi bãi cát hoang vắng này thành ngôi Chợ Được như ngày nay. Từ đó, thế nhân hay gọi 2 Bà bằng 2 tên thân mật là Bà Chợ Được hay Bà Phường Chào. Về “lý lịch”, 2 Bà khi sinh ra được sinh ra từ bụi và mây trắng ở nơi khuê các uy nghi nhưng dáng người lại khoẻ mạnh, bước đi khác thường, tiếng nói sang sảng, thân thể không có xương, khi chết hồn bay đi khắp nơi, rất linh thiêng và tôn hiển. Bà cũng hành nghề bốc thuốc, chữa bệnh cứu người, biến hoá thần thông để trị bọn tham quan, và Bà ra đi ở tuổi đời còn khá non trẻ - 18 tuổi.
Lễ hội Bà Thu Bồn được diễn ra hằng năm vào ngày 10-11-12/02 Âm lịch.
So với Nữ thần Pô Inư Nagar thì sự tích hiện thân các Bà trong tín ngưỡng Tục thờ Bà của ngư dân Quảng Nam na ná nhau. Bà Pô Inư Nagar được sinh từ mây trời và từ bọt biển, hiện thân dưới hình dạng một khúc gỗ kỳ nam nổi trên mặt biển. Bà có 97 chồng và 38 người con gái (và 38 người này đều cũng trở thành nữ thần). Bà tạo dựng ra đất đai, cây kỳ nam, lúa gạo và đã đem nguồn “sinh thực khí” cứu sống muôn loài. Hơn nữa, Bà là người hiền lành, ghét hạng người độc ác, thường giúp những người khốn khổ, bày vẽ cho dân làng làm ruộng.
Vì thế, để tưởng nhớ đến công đức các Bà, mỗi năm khi đến độ xuân về, dân làng khắp vùng sông nước Quảng Nam lại tổ chức ngày hội vía Bà với mục đích cầu cho “quốc thái dân an”, bày tỏ lòng tri ân của dân làng đối với các Bà. Hình tượng các Bà không dừng lại là người “mình trần da thịt” và mà đã đi vào tâm thức của người dân nơi đây với sự linh ứng và tôn hiển. Chẳng hạn, theo thần phả về Bà Chợ Được, Bà Phường Chào cho hay, ở khu vực mộ và lăng 2 Bà rất linh thiêng. Mộ Bà Phường Chào được chôn ở quê nhà bị một con trâu húc sụp đổ nhưng dân làng không chịu tu sửa hay cúng kính tạ lỗi. Kể từ đó, làng luôn bị mất mùa, xiu xẻo. Sau đó, dân làng sắm lễ vật mời thầy về cúng bái sắm lễ cúng bái thì mới hết xả hết vận hạn cho làng. Hay trong chiến tranh, Bà Chợ Được còn báo mộng và linh ứng cho dân làng tránh được những vụ oanh tạc của đế quốc Mỹ. Từ đó cho thấy sự truyền tụng trong dân gian về Bà thật là linh ứng. Chính nó đã phần nào tô đậm thêm sự uy nghi, huyền bí ở chốn lăng thờ các Bà.
Chính yếu tố linh thiêng này mà khi lên ngôi, các vị vua đã công nhận danh phận cho các Bà. Bà Chợ Được đã từng 2 lần được vua Thành Thái và Khải Định nhà Nguyễn suy tôn Thần Nữ Linh Ứng Nguyễn Thị Tôn Thần và ban sắc phong là Trung Đẳng Thần, rồi Thượng Đẳng Thần. Bà Thu Bồn là Bô Bô Thượng đẳng thần... Rõ ràng, từ những sắc phong càng chứng tỏ các Bà không phải là người trần tục, cũng không phải là tiên nữ, nhưng tên tuổi cùng những kỳ tích của các Bà đã đi vào huyền thoại và sử sách, để lại trong lòng nhân dân những giai thoại hết sức thần bí.
Tục thờ Bà trong xã hội nông nghiệp Quảng Nam không phải là một hình tượng cá biệt mà cũng chẳng phải là một hiện tượng hy hữu trong nền văn hoá dân tộc. Tục thờ Bà không chỉ dừng lại là hiện thân của “mẹ lúa”, “mẹ ngô” thuần túy mà còn thể hiện khát vọng vươn xa trong hình tượng “mẹ kinh tế”, “mẹ làm ăn”, “mẹ may mắn”, “mẹ mùa” thì hình tượng” của ngư dân vùng sông nước Quảng Nam. Như vậy càng thể hiện “ước mơ phồn thực và lòng sùng kính các nữ thần địa phương” và càng “phản ánh khả năng hội tụ, chuyển tải văn hoá của ngôn từ, cũng như của năng lực sáng tạo của người Việt, trên cơ sở hình tượng tín ngưỡng... để kết thành hình tượng mới phù hợp với bản sắc dân tộc và yêu cầu tâm linh từng gia đình tiến hoá của lịch sử” (Theo GS-TS. Ngô Đức Thịnh, Đạo Mẫu Việt Nam, tập 1, NXB. Tôn Giáo, 2009).
Kỳ 3: Tục thờ Bà “tôn hiển” trong đời sống
Hữu Tiến