Ðò chợ miền Tây

Ðò chợ là phương tiện giao thông sôi động nhất miền Tây sông nước một thời. Những chuyến đò nối liền các cù lao, cồn bãi xa xôi với các chợ. Là nét văn hóa đặc trưng, độc đáo của đồng bằng, những chuyến đò còn là câu chuyện cuộc sống, mưu sinh của con người nặng lòng với dòng sông, bến nước quê nhà.


Tiếng còi đò liên tục vang lên báo hiệu giờ xuất bến. Mấy anh bốc xếp tại chợ cá hất mặt về phía anh chủ đò, cười như kiểu chọc quê: "Bây giờ còn mấy khách đi đò mà bóp còi, cha nội". Nghe tiếng còi, tôi hớt hải chạy xuống bến chợ cá, í ới gọi: "Ðò ơi, đi đò, đi đò!". Chiếc đò vừa rời bến không xa, quay lại rước người khách lạ. Ðò chòng chành lướt sóng, qua mấy vạt cù lao xanh ngát. Tôi ngồi trên đò, lòng nhẹ nhàng mà bâng khuâng khó tả. Hơn 20 năm, tôi mới có dịp đi đò chợ. Trong ký ức, những chuyến đò chở cả tuổi thơ tôi ra khỏi cồn bãi quê nhà, theo má tới những buổi chợ xa. Cái nghề hàng xáo của má nuôi cả nhà gần chục miệng ăn, chị em tôi được tới trường. Mấy chục năm ròng rã, đò chợ vẫn cần mẫn chở những cuộc mưu sinh của bạn hàng nghèo, như má. Với người cù lao bốn mặt là sông, chuyện lụy đò là điều chắc chắn. Cả đò dọc lẫn đò ngang. Ðò ngang, là phà, trẹt gỗ hoặc xuồng chèo, chỉ đưa khách ngang sông. Ðò dọc là chiếc tắc ráng lớn chạy dọc theo nhiều tuyến sông đón khách đi chợ xa, còn gọi là đò chợ. Mỗi chiếc đò có kích thước, tải trọng lớn, nhỏ khác nhau nhưng có chung kiểu dáng thiết kế và mục đích là chở khách. Ðò có kiểu mui (trần) cứng cáp có thể đi lại trên đó, để khách ngồi hóng gió hoặc chứa hàng hóa. Trong khoang, có hai băng ghế dài bằng gỗ chạy dọc thân be làm chỗ ngồi cho khách. Với những chuyến đò đi xa với thời gian dài, chủ đò mắc võng để khách nghỉ ngơi trong suốt hành trình…

Tiếng còi đò lại vang lên, đưa tôi ra khỏi miền ký ức. Lúc này, đò đã ra khỏi vàm, tới sông Cổ Chiên mênh mông nước đỏ. Ðò này chạy tuyến cố định, mỗi ngày một chuyến đi, về từ chợ thị trấn Chợ Lách, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre tới TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, quãng đường chừng 20 km/lượt. Anh Lê Văn Phương, chủ đò, chạy tuyến này đã hai chục năm. Anh kể, hồi trước, đò anh chật cứng chỗ ngồi, đông khách lắm. Bây giờ, chỉ còn hai vị khách bám víu với chuyến đò chợ của anh Phương để mưu sinh với cái nghề đặc biệt: đi chợ đò. Ðó là dì Năm Hương và dì Hai Liên, gần 70 tuổi, cùng là người ở Chợ Lách. Công việc của hai dì là đi chợ mua hàng thuê cho mấy chủ tiệm không có thời gian đi mua trực tiếp. Thù lao một ngày tính bằng "hoa hồng" trên tổng số tiền hàng của khách nhờ mua, có bữa nhiều cũng kiếm cỡ trăm mấy chục ngàn đồng; ít thì năm, bảy chục ngàn đồng/người. Thu nhập ít ỏi từ cái nghề "chợ đò" này mà đi xe đò, xe khách thì không còn tiền mua gạo. "Bởi vậy, tôi vẫn đi đò chợ, dù đường sá có thông thương. Mấy chục năm, con đò giúp tôi mưu sinh, giờ nghỉ một bữa đã thấy buồn", dì Năm Hương tâm sự. Khách đi đò thưa dần, chủ đò phải tìm đủ kế sinh nhai. Anh Phương tới từng cửa hàng tạp hóa ở Chợ Lách để hỏi hôm nay chị Ba, cô Bảy, anh Tư, chú Tám… cần mua gì? Anh ghi lại rồi chở hàng về và nhận tiền… "paga" (tiền cước vận chuyển), chứ hổng tính công. Tranh thủ trong lúc lái đò, anh tẩn mẩn ghi từng đơn hàng, tách riêng từng cửa tiệm. Mặt trời gần đứng bóng, đò anh Phương cập bến chợ TP Vĩnh Long. Anh tất bật, luồn lách vào từng ngõ chợ để giao đơn cho các cửa hàng, rồi lật đật quay trở lại đò tranh thủ ngả lưng, chợp mắt. Tôi ngồi nán lại trên đò, bởi muốn níu kéo cảm xúc và ký ức tuổi thơ. Hỏi anh bao nhiêu tiền cước cho một chuyến đò này, anh bảo, chỉ 15.000 đồng, nhưng lại xua tay không nhận. "Có khách nhớ đò chợ, chịu đi là mừng lắm rồi. Khi nào nhớ đò thì cứ kiếm anh, hén chú!", anh bịn rịn cầm chặt tay tôi nói vậy.

Mưa tạnh. Ánh nắng cuối ngày bừng lên nhuộm đỏ một góc trời thủ phủ Tây Ðô. Chiếc đò Cần Thơ 24 chạy tuyến thành phố Cần Thơ - Cà Mau rời bến. Anh Tâm chủ đò giải thích, con số 24 có từ hơn chục năm về trước, lúc đò chợ sôi động nhứt đồng bằng. Mỗi chiếc đò có số hiệu riêng, giống như xe buýt bây giờ. Hiện tại, đò chợ tuyến này chỉ còn năm chiếc, thay phiên nhau chạy giáp vòng, trong một tháng. Mà chủ yếu là chở hàng hóa, chứ khách không còn.

Nhận đủ hàng, đò rời bến Cây Gừa, thẳng ra sông Hậu, hướng về phía biển. Ði một đoạn xa xa, đò rẽ vào vàm sông Phụng Hiệp. Dòng sông này chạy dài tới cống Cà Mau, ngang qua địa phận các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu. Trời tối sẫm. Mưa mỗi lúc càng nặng hạt. Anh Tâm ngồi ngay vị trí lái ở trước đò, đối diện gió táp, mưa sa. Chợ Phụng Hiệp bây giờ đã chìm sâu trong giấc ngủ. Chỉ còn ánh đèn vàng soi bóng nước. Chiếc đò lầm lũi lướt trong đêm, chở những cuộc mưu sinh của những con người nặng lòng với dòng sông, bến nước quê nhà. Anh Tâm kể, đời mình nặng nợ với dòng sông, với con đò. Từ nhỏ anh đã theo đò của ông nội, của ba dọc ngang miền sông nước. Những anh em của anh cũng lớn lên trên những chuyến đò xuôi ngược, rồi nối nghiệp của ba. "Mỗi chuyến đò xuất bến thành phố Cần Thơ chạy từ chiều hôm trước tới khoảng chín, mười giờ sáng hôm sau mới cập bến Cà Mau. Khách đi đò đông vui lắm, võng giăng la liệt trên đò. Người quen gặp nhau, tâm sự thâu đêm, suốt sáng", anh Tâm nhớ lại.

Ðã lâu rồi, chuyến đò chợ này mới được vui trở lại, vì có thêm một… người khách, là tôi. Bốn chiếc võng mắc thành hàng trên một lối đi duy nhất còn trống trên đò, ngay sau tay lái của anh Tâm. Trí (con trai anh Tâm), anh Phú (em trai út anh Tâm), anh Công (người làm công) cứ quấn quýt lấy tôi như người thân lâu ngày gặp lại. Anh Phú kể, cỡ ba năm nay, kiếm một người khách đi đò đỏ con mắt. Dẫu tiền đò cho cả chặng đường sông dài gần 200 cây số, rẻ hơn một nửa so với vé xe đò, chỉ 50.000 đồng/người, nhưng không có khách, con đò cũng thấy buồn. Là vì đò chạy chậm. Chủ đò như anh Tâm giờ trở thành người làm thuê, lao động nặng nhọc, khuân vác, lấy công làm lời. "Cỡ ba năm nữa, chắc đò chợ sẽ không còn", anh Tâm bùi ngùi...

Hừng đông, đò cập bến điểm bán vật liệu xây dựng nằm quay mặt ra dòng sông Phụng Hiệp (xã Tân Thạnh, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu). Bốn người trên đò mất gần ba giờ đồng hồ khiêng 10 tấn sắt xây dựng từ trên mui đò xuống mé sông, để nhận vỏn vẹn 850.000 đồng tiền vận chuyển. Xứ sở này chỉ có những con đường bê-tông nhỏ, cách xa quốc lộ, nhà cửa hai bên bờ sông lé đé nước, quanh năm. Người dân đi chợ, bán hàng, tụi nhỏ đi học cũng bằng xuồng máy đuôi tôm, tấp nập. Anh chủ đò trầm ngâm, dán mắt trên mặt sông mà lòng dạ bồn chồn, nghĩ đến một ngày mai, những chuyến đò sẽ đi vào cổ tích. Ðò chợ mãi còn cùng dòng sông, bến nước, để giữ lại nét văn hóa độc đáo của miền Tây sông nước, để kể câu chuyện của những con người mưu sinh bên dòng sông quê hương. Là tôi ước mong vậy.

(Theo Nhân Dân) 

Bùi Quốc Dũng

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/do-cho-mien-tay-a8269.html