06/01/2017 15:43
06/01/2017 15:43
Ý nghĩa của những chiếc bánh dày trong ngày Tết người Mông
Ngày Tết, hai món bánh không thể thiếu trong gia đình người Mông là bánh dày và bánh ngô nếp. Chúng vừa là món bánh dâng cúng tổ tiên, vừa là món quà tặng khách.

Người Mông làm bánh không chỉ để ăn, làm quà, mà để nhớ lời dạy của tổ tiên. Ảnh: Phunuvietnam.vn
Theo tiếng Mông, bánh dày có tên gọi là “Pé” hoặc “Dúa” tùy theo từng vùng khác nhau. Với người Kinh, bánh chưng bánh dày là biểu tượng cho tết, cho Trái đất và bầu trời vuông tròn đầy đủ. Còn với người Mông, bánh dày là biểu tượng cho tình yêu, sự thủy chung son sắt của trai gái người Mông, bánh dày còn tượng trưng cho Mặt trăng, Mặt trời - là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài.
Bánh dày của người Mông được làm rất công phu, nguyên liệu chính là gạo nếp nương thơm và dẻo. Khi đã chọn được gạo ưng ý, gạo mang vo cho sạch rồi ngâm bằng nước ấm khoảng 12 giờ rồi vớt ra để ráo nước mới cho vào chõ để đồ xôi. Chõ xôi được làm bằng gỗ để khi xôi chín không bị mất hương thơm của nếp nương, dẻo lại không bị nát.
Khi xôi chín được đổ cả vào cối giã thật nhuyễn. Cối giã bánh dày của người Mông được làm bằng thân cây gỗ chắc, thớ mịn, có mùi thơm và khoét rỗng ruột; chầy giã bánh cũng được làn bằng cá loại gỗ cứng và nặng. Khi giã bánh chầy được ngâm vào nước chống dính. Giã bánh giầy là một công việc nặng nhọc và đòi hỏi nhiều sức lực và kỹ thuật. Bởi vậy những người tham gia giã bánh thường là những người đàn ông, thanh niên khỏe mạnh lực lưỡng. Mỗi lần 2 người, khi đã thấm mệt thì lại chuyển cho 2 người khác thay nhau giã. Giã càng kỹ thì bánh càng dẻo, ngon và để được lâu. Xôi đem giã đến khi dẻo và mịn thì mới hoàn thành.
Người Mông làm bánh dày, nhà giàu hay nhà nghèo, làm có cầu kỳ hay không, đều thể hiện trên chiếc bánh. Họ làm rất nhiều, có khi hàng chục chiếc, vừa để cúng ông bà tổ tiên, vừa để gia đình thưởng thức và làm quà cho khách quý.

Ảnh: internet
Khi làm bánh họ không bao giờ đếm vì đó là điều cấm kỵ. Chỉ khi nào chiếc cuối cùng của mẻ bánh được nặn xong thì khi ấy người Mông mới đếm. Số lượng bánh là chẵn thì đó là dấu hiệu của sự sung túc, đủ đầy. Và nếu nặn đúng 12 chiếc thì có nghĩa năm đó là một năm may mắn.
Ngày xuân, lên vùng cao đón Tết, khi về, nếu gặp may, bạn sẽ có một cặp bánh dày làm quà. Món quà bình dị, dân dã nhưng thấm đẫm tình người nơi đây.
Linh Linh (Tổng hợp)
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/y-nghia-cua-nhung-chiec-banh-day-trong-ngay-tet-nguoi-mong-a8266.html