Thêm bảo vật quốc gia bị viết bậy: Chuyện không lạ

Dù là bảo vật quốc gia nhưng Đại hồng chung ở chùa Thiên Mụ (TP Huế) vẫn bị nhiều du khách viết, vẽ bậy lên.

Vào năm 1601, chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng chùa Thiên Mụ (hay còn được gọi là chùa Linh Mụ) nằm bên bờ sông Hương thuộc phường Hương Long (thành phố Huế, Thừa Thiên Huế).

Vào năm 1710, chúa Nguyễn Phúc Chu đã cho đúc quả Đại hồng chung bằng đồng và đặt chiếc chuông tại chùa Thiên Mụ. Chuông cao 240 cm (thân cao 188 cm; quai cao 52 cm), đường kính miệng 140 cm, đường kính thân 114,6 cm, nặng 1.985,8 kg.




Nhiều du khách đến tham quan Đại hồng chung

Phần quai chuông tạo hình con bồ lao 2 đầu quay ra 2 phía, 4 chân trước của bồ lao gắn với đỉnh chuông. Thân bồ lao uốn cong, trên lưng là một bông sen. Râu, mắt, vi, kỳ lưng và chân của bồ lao đều được chạm khắc rất tinh vi.

Vào năm 2013, Đại hồng chung chùa Thiên Mụ được công nhận bảo vật quốc gia.

Là ngôi chùa nổi tiếng, hàng ngày chùa Thiên Mụ đón hàng trăm lượt khách tham quan. Nhiều du khách nước ngoài khi đến chùa Thiên Mụ rất ấn tượng với chiếc chuông Đại hồng chung đặt phía bên phải tháp Phước Duyên nằm trong khuôn viên chùa.



Lời hẹn thề yêu đương. Hầu hết khách dùng bút màu trắng viết lên mặt trong chuông đồng.

Xưa kia, tiếng chuông Đại hồng chung chùa Thiên Mụ rất nổi tiếng, đi vào thi ca. Nhiều người mê tín cho rằng mong muốn điều gì ghi lên chuông, khi tiếng chuông phát ra sẽ đến tai chư Phật và mong ước sẽ thành hiện thật.

Vì vậy, nhiều người bất chấp quy định của nhà chùa biến bên trong Đại hồng chung như một chiếc bảng, chật kín dòng chữ cầu an, nguyện cầu tình yêu.

Bề ngoài chuông cũng bị khách tham quan viết vẽ bậy, nhưng ít hơn. Chuông Đại hồng chung được lưu giữ phía trước khuôn viên cách xa nơi ở của sư thầy nên việc quản lý, bảo vệ gặp khó khăn.

Nhiều du khách khi biết bên trong chuông bị viết vẽ bậy tỏ ra ngạc nhiên vì Đại hồng chung là bảo vật quốc gia của Việt Nam, nhưng lại bị nhiều người xâm hại, viết vẽ bậy. Mai rùa, các bia lớn đặt đối diện Đại hồng chung cũng bị viết vẽ bậy.



Du khách chụp lại những lời nói bậy trên chuông đồng

Trước đó, cũng tại chùa Thiên Mụ, ông Rùa đội bia đá ở Lục giác đình phía Đông, là một công trình mỹ thuật vô cùng độc đáo thời Vua Lê - Chúa Nguyễn. Mai Rùa chạm các đường vảy hình lục giác nhưng không một ô lục giác nào là không bị cứa sâu những cái tên, những dòng lưu bút của hậu thế khi chiêm ngưỡng ông Rùa.

Trên lưng ông đội bia đá ghi câu chuyện cổ xưa về chùa Thiên Mụ, thì nay lại nặng thêm với những cái tên như: "Toàn, Hoàng, H., Tr.,... đậu Đại học khóa 2007" viết ngay ở trên đầu bia, trước cả những Hán tự và bằng bút xóa trắng.



Hình ảnh mai rùa bị viết bậy

Thêm một di tích khác tọa lạc ngay bên hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tháp Hòa Phong là một kiến trúc cổ còn sót lại của chùa Báo Ân. Tháp tạo cho hồ Hoàn Kiếm thêm phần thơ mộng, điểm sắc cho cảnh quan thêm phần trầm mặc.

Thế nhưng, chính nó cũng bị thói xấu viết vẽ bậy vô tội vạ làm tổn thương. Mỗi khoảng trống trên tháp đều chi chít những dòng chữ của giới trẻ khi đi ngang, hoặc ghé qua.

Hay tại đền thờ Nguyễn Trãi tại Côn Sơn thuộc địa bàn thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương không chỉ là một danh thắng nổi tiếng ở Việt Nam mà còn là nơi hội tụ các giá trị to lớn về nhiều mặt: lịch sử, văn hoá, tôn giáo. Một bộ phận khách tham quan tại đây lại “vô tình” để lại những bút tích thiếu ý thức chính tại nơi thiêng liêng này.

Bia đá ghi thân thế, sự nghiệp cũng như những công lao to lớn của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi bị những khách tham quan vô ý thức phá hoại bằng những vệt khắc nghuệch ngoạc chi chít đằng sau.



 
Dòng chữ sai chính tả khắc trên Tháp Bút.

Theo tiến sĩ tâm lý Vũ Thu Hương, ĐH Sư phạm Hà Nội, nhiều bạn trẻ hay lên tiếng chê bai hành động của người khác, nhưng lại không ý thức được việc mình làm gây khó chịu cho người xung quanh.

"Học sinh được nhà trường giáo dục chủ yếu về kiến thức văn hóa mà không được chỉ bảo đầy đủ cách hành xử với người khác. Đôi khi, các bạn có hành động như vậy không phải vì muốn thể hiện, mà vì không nhận thức đầy đủ", bà Hương nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Công ty TNHH Luật S&B nhận xét: "Hành vi này đã và đang khiến nhiều di sản văn hoá của chúng ta bị huỷ hoại nghiêm trọng, làm mất đi vẻ đẹp và tính nguyên vẹn của những di tích lịch sử có ý nghĩa.



Nhóm bạn trẻ này viết bậy lên bia đá di tích lịch sử trên Núi Bài Thơ

Điều đáng nói là những đối tượng cổ suý cho hành vi xấu này chủ yếu là những người trẻ, do không được giáo dục nên họ đã dùng hình thức viết chữ, vẽ bậy lên nhiều di tích để thể hiện cái tôi của bản thân mà quên mất sứ mệnh của họ là phải phát huy và gìn giữ vẻ đẹp vốn có của những di tích này".

Về mặt pháp luật, việc viết, vẽ lên các di tích, di vật, cổ vật,... làm xâm hại đến diện mạo và các giá trị lịch sử, mỹ thuật, là hành vi vi phạm vào các điều cấm quy định tại Điều 13, Chương I, Luật Di sản văn hóa Việt Nam.

Song điều đáng lên án ở đây là ý thức của một bộ phận khách tham quan, nhất là giới trẻ đối với việc giữ gìn, bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc

(Theo Đất Việt) 

Sơn Ca

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/them-bao-vat-quoc-gia-bi-viet-bay-chuyen-khong-la-a8263.html