06/01/2017 10:03
06/01/2017 10:03
Thăm cây dã hương ngàn năm ở Tiên Lục: Thấy đất Huế thiệt độc đáo
Nghe tôi khoe cây này ở Huế... cũng có. Có người ngạc nhiên. Rồi như chợt nhớ, bảo: Thời trước, từng có một vị quan khi qua đây đã mang một khúc rễ dã hương vào Huế tiến vua.
Long não trên đường Lê Lợi - Huế
Tận thấy “Quốc chúa đô mộc...”
Đến Bắc Giang, tôi thực sự háo hức khi được dẫn đi xem cây dã hương ngàn năm ở xã Tiên Lục (huyện Lạng Giang). Không háo hức sao được khi từ lâu đã nghe tiếng trên thế giới chỉ có hai cây to và quý như thế, một ở Phi châu (có tài liệu thì nói là ở Ấn Độ) và một ở Tiên Lục. Cây ở Phi châu (hoặc Ấn Độ) được biết là đã chết, cho nên đây là cây dã hương duy nhất còn lại trên thế giới.
Những thông tin đã được công bố trên báo chí còn cho hay, cây dã hương ở Tiên Lục là loài cây gỗ thuộc loại quý hiếm, cây từng được nhà vua sắc phong là “Quốc chúa đô mộc Dã Đại vương” thời Lê Cảnh Hưng (1740-1786). Không chỉ là cây cổ thụ, tạo cảnh quan cho làng quê và di tích Tiên Lục, mà với dược tính của mình, dã hương còn có công năng sát khuẩn, bảo vệ sức khỏe cho cư dân trong vùng. Hơn thế, cổ thụ dã hương còn gắn một phần với đời sống tâm linh của người Tiên Lục - Lạng Giang.
Người ta đã theo dõi, thống kê và nghiệm ra rằng, hễ cây dã hương Tiên Lục có một cành nào đó già khô gãy đi, nhường chỗ cho những chồi non vươn lên bao giờ cũng gắn với một sự kiện trọng đại hay một biến động nào đó của đất nước. Chẳng hạn năm 1945, một cành lớn ở phía đông bắc gãy: Cách mạng Tháng Tám thành công. Năm 1954, cành phía tây gãy: Chiến thắng Điện Biên Phủ. Năm 1964 cành phía nam gãy: Sự kiện Vịnh Bắc Bộ. Năm 1975 cành phía tây gãy: Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Năm 1984 cành phía tây bắc gãy: sự kiện “khoán 10”, cởi trói cho nông nghiệp, nông dân ...
Mải nghĩ, xe đã đến nơi. Từ xa, đã thấy tán cây cao vút, xanh um. Cây tọa lạc sau đình Viễn Sơn tạo một “background” độc đáo và hết sức duyên dáng cho ngôi đình có tuổi hơn 260 năm thờ 6 vị Thành hoàng có công với dân với nước. Gốc cây được bảo vệ bằng một hàng rào mềm, phía trước là một phiến đá khắc rõ mấy chữ: “Cây cổ thụ dã hương xã Tiên Lục, Lạng Giang - Bắc Giang”, trong đó, hai chữ dã hương được khắc lớn theo lối thư pháp. Cây đúng là to khủng khiếp. Theo số liệu đã được đo đạc giới thiệu thì cây cao 30m, chu vi gốc 17,06m, cần phải 8 người mới ôm khít vòng. Cách mặt đất chừng 2m, ở vị trí có lẽ trước đây có một cành lớn đã gãy từ lâu nay tạo thành một cái lỗ được gọi là “tai cây”. Không ít người tin rằng, nếu ước điều gì cứ... thì thầm vào đó, sẽ được toại nguyện (?). Tôi leo lên thử nhìn vào, bên trong cây đã hoàn toàn rỗng. Một bà lão địa phương bảo với chúng tôi, đã có đoàn khách 12 người cùng lúc chui được hết vào lòng cây, sau đó lần lượt trèo ra “lỗ tai” để chụp ảnh. Một số cành quá lớn, người ta cho đúc những trụ bê tông để chống đỡ. Trụ đúc giả như những gốc cây để tránh bị “chõi” với cảnh quan chung quanh.
Trước khi về thăm cây dã hương, tôi từng nghe đây là loài cây thuộc sách đỏ, ngay cả bảng giới thiệu gắn ở đầu hồi đình Viễn Sơn, cạnh lối dẫn vào cây dã hương cổ thụ cũng ghi rõ: “Dã hương được liệt vào loại rất hiếm, hầu hết đã tuyệt sinh sau cơn đại hồng thủy”. Tuy nhiên, khi được tận thấy, tôi bỗng hơi ngờ ngợ. Hình như cây này là cây long não, và Huế mình thì... đầy. Xem bộ dạng của cây, của cành, của vỏ, rồi ngắt ngọn lá vò, ngửi thử, thấy y chang long não vốn được trồng nhiều ở đường Lê Lợi, Nguyễn Trường Tộ của Huế. Ướm hỏi người địa phương, cây dã hương có phải còn gọi là cây long não không, họ gật đầu. Tôi khoe, vậy thì cây này ở Huế cũng có, chỉ là nhỏ hơn thôi. Nghe thế, có người ngạc nhiên. Rồi như chợt nhớ, họ bảo thời trước, từng có một vị quan khi qua đây đã mang một khúc rễ dã hương vào Huế tiến vua.
Vậy chẳng lẽ những cây long não ở Huế là hàng cháu chắt được nhân giống từ khúc rễ đó (?).
Gốc dã hương ngàn năm ở Tiên Lục - Bắc Giang
Độc đáo đất Huế
Về Huế, tôi tẩn mẩn thử tra cứu thì thấy dã hương là loài cây được biết đến với tên khoa học là Cinnamomum camphora L. Nees. et Eberm, thuộc dòng long não quý hiếm. Ông Phan Đình Ngôn, nguyên Giám đốc Trung tâm Công viên Cây xanh Huế, người đã từng đến thăm cây dã hương Tiên Lục khẳng định, long não ở Huế và dã hương ở Tiên Lục chỉ là một. Tuy nhiên, việc nhân giống loài cây này bằng rễ thì chúng tôi không thấy tài liệu nào đề cập, bằng giâm cành cũng không. Hỏi các nhà làm vườn quen biết, họ cũng bảo cây long não xưa nay chỉ thấy gieo ươm bằng hạt.
Để chắc hơn, tôi kết nối và hỏi thêm ý kiến nhà giáo - chuyên gia cây xanh Đỗ Xuân Cẩm. Ông Cẩm cho biết, thông thường những cây có tinh dầu như long não thì việc nhân giống bằng giâm cành thành công rất hạn chế, cây giâm nếu có sống sau này cũng khó phát triển, bộ rễ không bền; nhân bằng rễ lại càng khó hơn và quả thật ông cũng chưa nghe có người nhân giống long não bằng phương pháp này. Vả lại, cây có hạt thì cứ dùng hạt mà gieo ươm, vừa tiện vừa bền, không cơn cớ gì phải nhân giống bằng cách khác cho phiền phức. Thế nên, giả thiết những cây long não ở Huế có gốc tích từ khúc rễ của cây dã hương Tiên Lục là khó.
Vậy những cây long não của Huế phát xuất từ đâu? Theo phán đoán của nhà giáo Đỗ Xuân Cẩm, rất có thể đây là giống cây nhập nội, bởi nếu là cây bản địa thì thường thường xung quanh đó phải có những quần thể cây khác, rất hiếm khi chỉ có một cây độc lập...
Nhưng thôi, truy nguyên cội nguồn là cả câu chuyện dài và đó không phải là mục đích của bài viết này. Vấn đề mà chúng tôi muốn nói là Huế mình cũng có dã hương như ai, chỉ có điều tên gọi mỗi vùng miền mỗi khác nên lâu nay ta không để ý đó thôi. Những cây long não trồng ở đường Lê Lợi và đường Nguyễn Trường Tộ, 2 con đường đẹp và nhiều hoài niệm nhất của Huế, có tuổi đến nay ước tính cả trăm năm. Và dù nhiều cây đã rỗng ruột, nhưng theo kinh nghiệm từ cây dã hương Tiên Lục, chúng vẫn có thể sống tiếp cả vài trăm năm nữa là bình thường. Không chỉ là một loài cây xanh đường phố đẹp, long não còn giúp sát khuẩn bầu không khí, gỗ được dùng để làm đồ mỹ nghệ rất được ưa chuộng. Người chơi kinh nghiệm cho hay, vài mẫu gỗ long não để trong nhà có tính năng xua đuổi ruồi, muỗi rất tốt. Rất vui là thời gian qua, long não đã được nhân giống và trồng dặm thành công ở nhiều điểm trong thành phố, vừa tăng cường tỷ lệ cây xanh vừa bảo tồn được nguồn gen quý cho Huế.
Từ cây dã hương Tiên Lục, ngẫm lại đất Huế Cố đô quê mình thiệt độc đáo, tưởng rằng chỉ có hoa và cây ăn quả, do một thời là Kinh đô, các nơi tiến cống nên bây giờ hễ xứ người có cây gì, Huế có cây ấy; hóa ra cây xanh đường phố, thậm chí cả cây hoang dã, Huế cũng phong phú không kém. Như cây vối, cứ ngỡ phải ra Bắc mới có mà giải khát, hóa ra ở Phong Điền mọc cả rừng, có điều do gọi là cây bội, nên dân ta không biết đấy thôi...
(Theo Thừa Thiên Huế Online)
Diên Thống
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tham-cay-da-huong-ngan-nam-o-tien-luc-thay-dat-hue-thiet-doc-dao-a8257.html