Chùa Long Quang – ngôi cổ tự bên dòng sông Bình Thủy

Trên đường Cách Mạng Tháng Tám Từ Sân bay Trà Nóc về trung tâm TP. Cần Thơ, rẽ vào tỉnh lộ, đi khoảng gần 10 km, qua nhiều cây cầu nhỏ bắc qua kênh rạch, du khách sẽ tới chùa Long Quang, một trong những ngôi chùa cổ của TP. Cần Thơ.

Chùa Long Quang do Thiền sư Thiện Quyền lập vào năm Minh Mạng thứ 5 (Giáp Thân, 1824). Lúc đầu, chùa chỉ là một am nhỏ bằng cây lá. Đến năm 1829, Thiền sư Thiện Quyền cho cải tạo lại thành một ngôi chùa bậc trung. Trải qua nhiều lần trùng tu đến cuối năm 1930 chùa chùa có quy mô kiên cố (tường gạch, mái lợp ngói) gồm một ngôi chánh điện (3 gian) rộng rãi và một nhà khói (nhà bếp). Chùa còn là nơi bốc thuốc chữa bệnh cho dân nên được dân rất tôn kính. Ban đầu chùa theo phái Thiền Tông Lâm Tế Trung Hoa nhưng hiện nay nhà chùa đã gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam và chuyển thành hệ phái Bắc Tông.



Chính điện chùa Long Quang - Ảnh: bantindulich.com

Ngôi chánh điện rộng 324m2 xây theo lối kiến trúc “Thượng lầu Hạ hiên”,  với mái ngói và tường gạch, cà có tất cả 5 cửa ra vào (trước: 2, sau: 1, bên hông: 2). Điện thờ chính được đóng bằng gỗ có 2 bậc, Bậc cao kê 3 ghế thờ, tôn trí ba pho tượng Tam Thế Phật (A Di Đà, Đại Thế Chí, Quán Thế Âm) bằng gỗ cao hơn một mét tạc theo tư thế ngồi; bậc thấp tôn tượng Bồ Tát Di Lặc. Bên trên có treo bức hoành phi bằng gỗ được chạm trổ tinh xảo ở giữa có hàng chữ Hán “Đại Hùng Bảo Điện”.

Phía sau tòa nhà chính điện là khu Tháp rộng hơn 2.000 m2, có trồng nhiều hoa kiểng, cây bonsai, cây ăn trái… Đây nơi chứa di cốt của các cố Trụ trì chùa trước đây.

Điểm đặc biệt là nhà chùa còn bảo tồn 50 pho tượng gỗ được tạc năm 1922. Các pho tượng được làm từ gỗ giáng hương, mà nổi bật hơn cả là bộ Thập Bát La Hán, mỗi tượng cao 80cm, có tư thế ngồi khác nhau trông rất sinh động, được chạm khắc và đục đẽo từ một khối gỗ, chứ không chắp ghép từng phần. Các tác phẩm ấy đều do một nhóm thợ điêu khắc, đứng đầu là ông Tài Công Kiếm ở Cần Thơ xưa thực hiện.Theo truyền thuyết, 18 vị La Hán vốn là những người lúc sinh thời đã làm những việc không lương thiện, sau đó giác ngộ, tu tâm, làm việc thiện, chinh phục 18 con thú dữ mang lại cuộc sống thanh bình cho người dân. Sự tích về những vị La Hán có ý nghĩa giúp con người hướng về những điều tốt đẹp và mang đậm tính nhân văn.

Ngoài bộ tượng Thập Bát La Hán còn có hàng chục bức tượng được làm từ các loại danh mộc quý. Trên mỗi bức tượng điêu khắc ta thấy được đôi tay tài hoa của các nghệ nhân, vẻ mặt, dáng vẻ của các bức tượng được tạc rất sống động.

Về mặt lịch sử, nơi đây là cơ sở cách mạng hai thời kỳ. Năm 1947, hưởng ứng chủ trương "Tiêu thổ kháng chiến" các tăng ni, phật tử tại đây đã dỡ chùa lấy gỗ làm vật cản để đánh Pháp tại Rạch Cam. Đây là một kỳ công chống Pháp của nhân dân địa phương. Năm 1966, chùa được xây dựng lại bán kiên cố. Ngày 21/6/1993, chùa được Bộ Văn hóa và Thông tin ra Quyết định số 774-QĐ/BT công nhận là Di tích Nghệ thuật chùa Long Quang.

Tháng 12/1994, Bộ Văn hóa và Thông tin, tỉnh và thành phố Cần Thơ cùng với đóng góp của nhân dân đã tái thiết lại ngôi chùa. Đây cũng chính là địa chỉ Đỏ của thành phố Cần Thơ.


Linh Linh (Tổng hợp)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/chua-long-quang-ngoi-co-tu-ben-dong-song-binh-thuy-a8255.html