Những giai thoại về tục thờ bà của ngư dân vùng sông nước Quảng Nam: Huyền tích về giai thoại (Kỳ 1)

Ngay từ buổi bình minh của lịch sử loài người, tín ngưỡng sùng bái Nữ Thần (hay Thần Nữ) được xem là một đặc trưng cơ bản của cư dân nông nghiệp lúa nước, trong đó tín ngưỡng thờ Mẹ Lúa được xem là một trong những tín ngưỡng đầu tiên, đặc biệt là các ngư dân sinh sống ở vùng sông nước.



Hình tượng Bà Mẹ Xứ sở qua hiện thân Thánh Mẫu Thiên Y A Na tron các đền miếu, điện của ngư dân vùng biển miền Trung.

Việt Nam, là cái nôi của nền văn minh lúa nước, tín ngưỡng này đã từ lâu trở thành một nếp sinh hoạt truyền thống. Để rồi, sau này theo bước chân Nam tiến của người Việt đi “khai hoang, mở hóa” về phương Nam, nhu cầu tâm linh bức thiết luôn đặt ra trước mắt, hàng ngày, hàng giờ đối với người đi mở cõi, nhất là những người hành nghề đánh bắt cá tôm trên sông, “mưa nắng dãi dầm” ngoài đồng ruộng, và dần đà trở thành “nếp sống, nếp nghĩ” của người Việt ở vùng đất mới này.

Quảng Nam (vùng đất mở về phương Nam) là một vùng đất uốn lượn, khúc khuỷu, quanh co với thế lưng tựa vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, ngực “ưỡn ngực” biển Đông bao la và cũng là tổ tiên ngàn đời của người Chăm. Khi người Việt vào định cư, tín ngưỡng thờ “Mẹ Lúa”, “Mẹ Ngô” với hình tượng Nữ thần Pô Inư Nagar (hay Pô Yan Ino Nagar, Pô Ino Nagar, Pô Yan Ina Nagar, Pô Inư Nagar, Pô Ina Nagar, Pô Nagar, Poh Nagar,... ) được nhân bản hoá bằng mẫu thần (Bà Mẹ = Pô Inư) xứ sở (=Nagar) của người Chăm đã được người Việt hỗn dung với tín ngưỡng thờ Mẫu mà thần tích luôn khuynh hướng trần gian hoá, lịch sử hoá xoay quanh Liễu Hạnh công chúa hoặc tứ vị Thánh Mẫu.

Khi vào miền Trung, người Việt bắt gặp và tiếp thu có chọn lọc tín ngưỡng thờ nữ thần này của người Chăm. Để rồi, sau đó vài thế kỷ, tại vùng đất Quảng Nam, những mẫu người Mẹ xứ sở xuất hiện. Đạo thờ Mẫu dần dần thâm nhập sâu vào đời sống của cư dân Quảng Nam và nhanh chóng trở thành một tín ngưỡng phổ biến mà dân gian nơi đây hay quen gọi là Tục thờ Bà. Tục thờ Bà không những đóng vai trò quan trọng đời sống tinh thần của ngư dân vùng sông nước Quảng Nam mà còn biểu thị nét dấu ấn giao lưu tiếp biến văn hoá đa sắc màu trong sự đan xen giữa văn hóa Việt và Chăm của vùng đất mở phương Nam.

Tục thờ Bà có sự phong phú và đa dạng trong đối tượng suy tôn chính yếu như: Bà Thu Bồn (làng Thu Bồn, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên), Bà Chợ Được (làng Phước Ấm, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình), Bà Chiêm Sơn (làng Chiêm Sơn, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên), Bà Phường Chào (làng Phiếm Ái hay làng Phường Chào, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc), Bà Chúa Hời (làng Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình). Tín ngưỡng này gắn liền với các huyền thoại, thần tích về sự hiển linh mang đầy yếu tố thần kì về nguồn gốc xuất thân từ vùng sông nước.
 


Hình tượng Bà Chợ Được được xưng tôn trong lễ Rước kiệu Bà Chợ Được.

Nếu Bà Thu Bồn, Bà Chiêm Sơn được sinh ra từ đá thì Bà Chợ Được, Bà Phường Chào, Bà Chúa Hời lại từ bụi và mây trắng, không có xương sống; thì Bà Pô Inư Nagar lại sinh ra từ mây trời và bọt biển. Nếu người Chăm tôn thờ trong các khu đền tháp, thánh thất; thì người Quảng Nam chưng vị các Bà trong các lăng, miếu thờ quay mặt ra hướng sông nước. Nếu lễ hội Rija Nưgar diễn ra ở mùa xuân thì các lễ hội vía Bà ở Quảng Nam cũng vậy. Hơn nữa, tên gọi các Bà (người Chăm và người Việt) được nhắc đến với những danh xưng hết sức trang trọng, có địa vị, thể hiện sự tôn sùng của người dân và dần đi vào đời sống lao động và sản xuất của người dân với những hình ảnh hết sức gần gũi thân quen. Dân địa phương ví von và sắc phong cho các Bà là “Thần nữ” (Trung đẳng thần, rồi Thượng đẳng thần) những tên gọi đầy tôn nghiêm. Từ hình tượng của nữ thần Pô Inư Nagar đến Tục thờ Bà, từ lễ hội Rija Nưgar đến lễ vía Bà đã gởi gắm tất cả những hy vọng, những trăn trở, suy tư và lo lắng của cuộc sống đời thường, những nhu cầu tâm linh thiết thực giữa con người với con người, giữa con người với tự nhiên, giữa người sống với người chết, giữa con cháu với tổ tiên, giữa quá khứ với hiện tại, hoặc cũng có thể là giữa những thành viên trong cộng đồng với những người có công với quê hương đất nước.

Tất cả những đặc điểm này đều nói lên “lý lịch” hay “quốc tịch” của các Bà đều mang yếu tố Thần nữ Việt gốc Chăm. Điều này đã được cố Giáo sư Trần Quốc Vượng khẳng định trong sách “Cơ sở văn hóa Việt Nam” (NXB. Giáo dục, 2007, trang 223): “Theo đường Nam tiến của dân tộc Việt, chúa Liễu đã từ Phủ Giầy (Nam Định), đền Sòng (Thanh Hoá) đi về phương Nam, tạm dừng chân ở điện Hòn Chén (Huế) và gặp Bà Pô Ino Nagar tại Nha Trang, gặp Bà Đen (Linh Sơn Thánh Mẫu) ở Tây Ninh và Bà Chúa Xứ ở núi Sam (Châu Đốc)…” . Đó chính là hệ quả tất yếu của quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa hàng ngàn năm của 2 dân tộc để tạo nên một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian tại Quảng Nam như ngày hôm nay. Tục thờ Bà “thai nghén” tại vùng đất Quảng Nam vào khoảng thế kỷ XVIII - XIX là một hiện tượng đẹp trong vô vàn những hiện tượng ngẫu nhiên của lịch sử.

Kỳ 2: Linh thiêng sự tích hiện thân
 
Hữu Tiến

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nhung-giai-thoai-ve-tuc-tho-ba-cua-ngu-dan-vung-song-nuoc-quang-nam-huyen-tich-ve-giai-thoai-ky-1-a8245.html