Giải mã những giai thoại về núi Thần Đinh

Núi Thần Đinh ở thôn Rào Đá, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Núi này còn gọi là Bất Nghĩa Sơn. Trên núi còn nhiều di tích của một ngôi chùa khá tiếng tăm, còn liên quan đến câu chuyện về chiếc chuông đồng của vua Càn Long đem phụng cúng cho chùa vì tiền kiếp của mình... Trông xa núi mang hình một chiếc yên ngựa.



Núi Thần Đinh chìm trong sương sớm - Ảnh: Báo Thanh Niên

 
Theo Báo Thanh Niên, khách đến Thần Đinh tập trung vào dịp rằm, lễ, tế, khi tiết trời đất như giao hòa vào nhau. Thần Đinh nằm trong vùng đất thiêng được người dân địa phương gọi là “Đầu Mâu đa tiên, Thần Đinh đa phật”. Tục truyền, khi vua Lê chinh phạt Chiêm Thành đã sai lực sĩ quật đánh núi này, gọi cả các núi đều hướng về tây, riêng núi này quay lưng lại. Theo lý giải như thế nên Thần Đinh bị gọi là núi Bất Nghĩa do các núi ở Quảng Bình đều chầu về hướng nam, chỉ riêng Thần Đinh một mình quay về phía bắc, nên các vua chúa ở miền Nam buộc ngọn núi tội bất nghĩa.

Ngọn núi sừng sững, uy nghi cao vút. Điều kỳ lạ là trên đỉnh núi có một khu đất khá bằng phẳng, rộng rãi. Hiện vẫn còn dấu tích nền móng cũ nát trong những tán cây cổ thụ cũng như một ngôi cổ miếu ở đó. Theo sử sách thì đó là dấu tích của chùa Non. Có chuyện kể rằng một pháp sư đã tu ở chùa Non, trước khi viên tịch thầy cắt một đốt ngón tay út, ghi chữ “Đinh” lên đó rồi đặt vào đáy lư trầm trong chùa. Phần còn lại của ngón tay thầy ghi chữ “Thần” rồi đọc cho đệ tử chép hai câu thơ: “Tiền kiếp tử Thần Đinh/ Hậu kiếp sinh Càn Long vương” (Kiếp trước chết ở chùa Thần Đinh/ Kiếp sau sinh ra vua Càn Long). Kỳ lạ, đốt ngón tay bị cắt ra đó không hề phân hủy dù không được bảo quản gì. Mấy chục năm sau, vua Càn Long lên ngôi, ông cũng bị cụt mất một đốt ở ngón tay út. Nhà vua sai quân gia đúc một cái chuông đồng chở sang dâng tiến lên chùa. Nhưng khi thuyền vào cửa sông Nhật Lệ thì trời nổi giông tố nhấn chìm chiếc thuyền chở chuông. Một ngư dân chài lưới đã tìm thấy quả chuông vớt lên đọc được mấy chữ “Thần Đinh Tự chung” và “Càn Long phụng cúng” nên người này trao cho các sư ở chùa Non treo trong chùa



 
Phong cảnh quanh núi - Ảnh: doanhnhansaigon.vn

Trên đỉnh núi Thần Đinh hiện nay vẫn còn lại những di tích của ngôi chùa Thần  Đinh xưa. Đó là mấy ngôi miếu nhỏ còn nguyên vẹn, những bức tường, bệ thờ bám đầy rêu phong nằm ẩn hiện dưới tán cây cổ thụ. Cảnh vật trên núi Thần Đinh bây giờ trông không khác mấy so với những gì mà sách Đại Nam Nhất Thống Chí đã từng mô tả: “Sườn núi có động sâu thẳm rộng rãi, cửa động hẹp phải nghiêng mình mà vào một hồi mới rộng. Trong động có hai tầng. Đá xếp hệt như bàn ghế, có viên giống tượng phật, lại có thạch nhũ trùng điệp rủ xuống. Thạch nhũ trong động có chỗ như cái tàn vàng, có chỗ như hình voi. Ngoài động có giếng đá (giếng Tiên-PV) nước ngọt, không bao giờ cạn”.

Giếng nằm ngay giữa bốn bề là đá khô khốc, vậy mà không biết nước có từ đâu để giếng luôn đầy cho dù là vào những năm nắng nóng khô hạn nhất. Bây giờ nhiều người tứ xứ đến ngoạn cảnh Thần Đinh, họ không quên mang theo chai nước để lấy ít nước từ giếng Tiên về dùng, coi như nguồn nước tinh túy từ chốn thần tiên với bao điều mong ước.



 
Nhiều người tập trung tại giếng nước tiên trên đỉnh núi để hứng những giọt nước lộc về thờ cúng gia đình - Ảnh: Dân Sinh

Toàn đỉnh núi Thần Đinh là những dãy đá vôi thấp màu xám đen, lô nhô như những dãy núi nhỏ mọc lên từ một đỉnh núi lớn trông rất kỳ lạ. Phải chăng vì vậy mà người xưa từng gọi chùa Thần Đinh bằng tên khác nữa là chùa Non? Núi Thần Đinh có ba ngọn. Đá xếp chồng lên nhau gợi cho ta tưởng tượng đây là vị quan viên đội mũ cánh chuồn đang đọc văn.

Kia là hình con đại bàng tung cánh, nọ là con hổ đang nhe nanh vuốt. Ngôi chùa Thần Đinh xưa nay chỉ còn lại những mảng tường đá rêu phong, đổ nát, chen đầy cây cối, giữa một vạt đất bằng phẳng đầy cây cổ thụ. Một vài căn miếu nhỏ nằm lẻ loi ở rìa cây phía Bắc là còn khá nguyên vẹn. Cảnh sắc Thần Đinh gợi nhớ biết bao đến tiền nhân.

Lên đỉnh Thần Đinh, ta còn ngạc nhiên hơn nữa, bởi bên cạnh đường xuống giếng Tiên có một số hang động nhỏ có thạch nhũ khá đẹp, trong đó nổi bật là động Chuông, động Trống. Khi có ai gõ vào đá hoặc những cơn gió mạnh đi qua là hang vang lên âm thanh như trống đánh, chuông gõ. Xung quanh động là các dãy đá vôi lởm chởm xếp chồng nhau trông rất ngoạn mục...

Trên đường vào khu chùa, ta bắt gặp hai ngôi mộ cổ to, được xếp toàn bằng đá. Không ai biết đó là mộ của ai. Người thì bảo là mộ của các vị sư ở chùa Thần Đinh từ hàng trăm năm trước. Người thì nói là mộ của người xưa đi vãn chùa bị chết... Dù là mộ của ai đi nữa, thì các vị tiền nhân ấy đang làm cho núi Thần Đinh thêm linh thiêng.

Núi Thần Đinh bây giờ đã trở thành điểm du lịch sinh thái, tâm linh khá hấp dẫn cho du khách. Ngày có nhiều du khách lên núi, khung cảnh miếu, chùa hoang tàn ẩn hiện trong khói hương bay la đà trông thật huyền ảo.


Linh Linh (Tổng hợp)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/giai-ma-nhung-giai-thoai-ve-nui-than-dinh-a8228.html