Miền di sản trên đại ngàn Trường Sơn

Mùa xuân này lên Trường Sơn, du khách sẽ đắm mình trong một miền di sản, những di sản do con người kiến tạo và thiên nhiên ban tặng ấy đang tồn tại và hiện hữu giữa cộng đồng Cơ Tu. Đó là di sản văn hóa phi vật thể của điệu múa Tân tung da dá và hát nói lý Cơ Tu đã được UNESCO trao Bằng Di sản văn hóa phi vật thể trong năm 2016.

Trường Sơn lại là xứ sở của "Vương quốc pơ mu" vừa được Hội bảo vệ Thiên nhiên Việt Nam công nhận là Rừng cây di sản Việt Nam, cùng 2 cây đa sộp nghìn năm tuổi hay những ngôi làng mà Hội đồng bảo trợ Di tích lịch sử văn hóa và Tài nhân, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đang làm những thủ tục cuối cùng để công nhận Làng Di sản văn hóa.

Bí thư Huyện ủy Tây Giang Bhriu Liếc, một người con của cộng đồng Cơ Tu, đồng thời cũng là một nhà nghiên cứu, sưu tầm văn hóa Cơ Tu cho biết: "Nghị quyết Đảng bộ Tây Giang đã vạch rõ, trong công tác quy hoạch sắp xếp dân cư ổn định cuộc sống định cư lâu dài cho nhân dân thì việc tiếp tục đầu tư vào bảo tồn, phát triển văn hóa làng, văn hóa truyền thống là vấn đề tiên quyết nhất. Lấy văn hóa để phát triển kinh tế, ổn định xã hội; lấy văn hóa đoàn kết dân tộc; lấy văn hóa củng cố tổ chức cơ sở Đảng, giữ vững ANTT; lấy văn hóa phát triển văn hóa và lấy văn hóa thu hút đầu tư vào du lịch, lấy văn hóa để xây dựng nông thôn mới...".




Làng Cơ Tu giữa rừng pơ mu di sản Việt Nam ở Tây Giang.

Đồng bào Cơ Tu sinh sống trải dài trên dãy Trường Sơn, tập trung tại các huyện A Lưới, Nam Đông (TT-Huế), Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang (Quảng Nam) và một số ít ở H. Hòa Vang (Đà Nẵng). Từ xưa tới nay ở cộng đồng bà con Cơ Tu, khái niệm về đơn vị hành chính chưa rõ ràng, đồng bào sống quây quần bên nhau, trong những ngôi nhà sàn, nhiều nhà tạo nên làng. Làng là một tổ chức tự quản, gần gũi, đùm bọc, chở che, đoàn kết, thống nhất một khối chặt chẽ. Đây chính là những yếu tố tiên quyết để làng trường tồn, phát triển trong điều kiện sống khắc nghiệt, nghèo khó giữa rừng sâu, núi thẳm. Làng được xây dựng ở địa điểm cao ráo, thoáng mát, có hình tròn hay bầu dục, vòng ngoài là nhà dân, ở giữa là nhà gươl. Gươl là nhà chung, nằm trung tâm sân làng, các nhà dân đều hướng về gươl, là nơi sinh hoạt, hội họp giải quyết công việc, giáo dục con cháu, nơi lưu giữ các vật hiến tế, cúng bái, của cải chung và nơi tiến hành các nghi lễ truyền thống của dân tộc. Ngày nay, gươl là nhà văn  hóa của thôn, là nơi hội họp để tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Gươl là nơi thiêng liêng nhất, tập trung linh hồn sống của một thôn, tạo nên sự bền chặt của văn hóa cộng đồng Cơ Tu.

Gắn với làng là nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Cơ Tu. Người Cơ Tu rất mến khách, cởi mở, dễ gần... mỗi khi làng có khách, bà con thường dành những thức ăn ngon nhất, rượu ngon nhất ra đãi khách. Trước khi uống rượu, chủ nhà thường nói lý để thưa với khách, đại ý: "Tuy hết sức cố gắng bằng lòng nhiệt thành nhưng rượu nhạt, thức ăn không ngon, mong khách thứ lỗi...". Khách cũng đáp bằng lời cảm ơn sự thịnh tình của chủ nhà đã tốn rượu, tốn thức ăn mà khách không có gì để đền đáp... Cứ như thế, bằng cái "lý" cái "tình", bằng tấm lòng chân thật, thể hiện nét văn hóa ứng xử của người Cơ Tu.



 
 Điệu múa Tân tung da dá của nam nữ thanh niên Cơ Tu ở Tây Giang.

Mùa xuân đến cũng là mùa của lễ hội, tiếng trống, tiếng chiêng từ những làng Cơ Tu,  hùng tráng vang vọng khắp núi rừng bao la, trùng điệp... Hòa trong âm thanh sôi động, rộn ràng ấy, dân làng Cơ Tu cùng nhịp nhàng bước trong một vòng tròn của điệu Tân tung da dá... "Da dá" là điệu múa của người phụ nữ, theo nghĩa Cơ Tu có nghĩa là thẳng hàng, nhịp đều... thể hiện tính thùy mị, yêu con, thương chồng, yêu núi rừng đất nước. Còn "Tân tung" là điệu múa của đàn ông, chân bước theo nhịp trống, chiêng, hòa quyện với điệu da dá của người phụ nữ, thể hiện sức mạnh, sự dũng mãnh và niềm sung sướng của cuộc sống tự do, yên bình giữa núi rừng bao la...

Ông ARất Lúi- Phó Chủ tịch phụ trách văn xã UBND H. Tây Giang cho biết, riêng ở H. Tây Giang, tất cả các thôn bản đều có đội cồng chiêng, Tân tung da dá. Múa Tân tung da dá còn được Huyện ủy, UBND huyện đưa vào giảng dạy trong các nhà trường. Mỗi dịp lễ, Tết, hay các sự kiện văn hóa, chính trị lớn tại địa phương, du khách có thể hòa trong những điệu Tân tung da dá vô cùng uyển chuyển, tự nhiên, rộn rã của các em học sinh trường nội trú hoặc THPT Tây Giang...

Mùa xuân này hãy lên với Trường Sơn, những làng Cơ Tu vẫn ngày đêm đỏ lửa, để đắm say trước vẻ đẹp mượt mà, mềm mại đầy quyến rũ của những sơn nữ Cơ Tu trong điệu múa da dá... để cùng hòa chung bước chân dũng mãnh, hùng tráng của chàng trai Cơ Tu trong điệu múa Tân tung. Để lắng nghe rừng già  kể chuyện ngàn xưa, khi nhẹ nhàng, từ tốn, khi ào ạt, hùng hồn... như lời hát lý Cơ  Tu.

(Theo cadn.com.vn)

Hồng Thanh

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/mien-di-san-tren-dai-ngan-truong-son-a8201.html