Khám phá ngôi chùa có địa thế “long hàm ngọc” trên đất Hà Tiên

Chùa Hà Tiên tọa lạc trên đồi Hà - quả đồi có thế “long hàm ngọc” thuộc phường Tích Sơn, thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. Đây là ngôi chùa còn lưu giữ được 8 ngôi bảo tháp loại ba tầng có niên đại rất xa xưa. Chùa Hà Tiên được ví như một bông hoa đẹp trong không gian, cảnh quan thiên nhiên hiền hòa.



Chùa Hà Tiên - Ảnh: doisongphapluat.com

Chùa Cầu Mưa

Theo truyền thuyết các vị cao niên tại Tích Sơn kể lại, chùa Hà Tiên có từ thời Hùng Vương. Khi đất nước có giặc ngoại xâm, bà Lăng Thị Chiêu đã chiêu binh đánh giặc, phất cờ khởi nghĩa. Trên đường hội quân với vua Hùng Vương thứ 6 đánh giặc đã dừng chân nghỉ tại chùa Hà để chiêu mộ thêm binh sỹ. Sau đó bà được tôn phong là Quốc Mẫu Tây Thiên. Vì vậy, bà được nhân dân địa phương lập bài vị thờ Quốc Mẫu tại chùa, gọi là thờ Đức Thánh Đại Vương.

Cũng theo dòng chảy của lịch sử, các vị cao niên tại đây vẫn thường kể cho con cháu nghe câu chuyện về vị sư tổ Thích Hải Huân (hay còn gọi là sư Tịnh Huân) năm xưa đã tự thiêu để cầu mưa, ban phước cho người dân. Theo truyền thuyết kể lại, xưa kia, vùng này người dân làm nông nghiệp là chủ yếu. Khi ấy nạn hạn hán quanh năm hoành hành khiến dân cư mất mùa, đói khổ triền miên. Nhiều người đã bỏ quê đi tha phương cầu thực tìm nguồn sống. Thấy người dân khắp làng trên xóm dưới rơi vào cảnh lầm than, đói khổ, sư tổ Tịnh Huân đã nghĩ ra cách lập đàn cầu mưa để hoá giải kiếp nạn cho dân nghèo. Ngài đem thân xác cúng vào cửa Phật, mang phúc đức cầu mưa cho nhân dân. Ngài ngồi trước cửa Tam Bảo cho đệ tự chất củi quanh người mình rồi châm lửa đốt. Điều kỳ lạ là dù lửa bốc cháy toàn thân ngài nhưng đôi bàn tay trong thế niệm Phật vẫn không hề bị thiêu cháy.

Chỉ sau vài canh giờ sau khi sư tổ Tịnh Huân lập đàn tự thiêu, trời vang sấm chớp ầm ầm đổ mưa. Dân làng vô cùng vui mừng, họ đã khóc rất nhiều và ghi nhận sự hiển linh của sư tổ. Năm đó mùa màng bội thu, dân làng nơi đây như sống lại từ tay tử thần. Càng về sau, dân làng nơi đây ngày càng ăn nên làm ra, mùa màng tươi tốt, đời sống no ấm quanh năm. Để tưởng nhớ công ơn sư tổ, người dân đã xây dựng ngôi tháp bảo ba tầng để lưu trữ tro cốt của ngài theo đúng nghi thức nhà Phật. Từ đó đến nay, không năm nào đến ngày giỗ của sư tổ mà trời không mưa. Năm thì mưa trước vài hôm, năm thì mưa ngay sau khi vừa xong giỗ, đại đức Đạo Giác chia sẻ với báo Đời sống Pháp Luật

Đại danh lam của TP.Vĩnh Yên

Hiện nay, khuôn viên cổ này còn 5 cây bảo tháp, loại 3 tầng. Riêng Tháp Sư tổ được cây đa hơn 300 tuổi phủ rễ, bọc kín gần như cả 4 phía.

Ngày 13/12, năm Ất Dậu, tức là ngày 20/01/2006, chùa đươc  khởi công trùng quang lại để có quy mô hoành tráng và to đẹp hơn giữa lòng thành phố.

Qua cổng Tam quan từ phía Đông Nam tới tả hữu môn, vòng quanh hành lang tới Tam Bảo, kiến trúc không gian mô phỏng toà Bảo tháp 3 tầng. Từ sân lên đến hiên chùa, phải trèo qua 9 bậc thềm, gọi là “Cửu trùng”. Mái chùa uốn cong 4 góc, trên nóc có “Lưỡng long triều nguyệt”. Phía sau là nhà thờ tổ, đối xứng hai bên có nhà tiếp khách và phòng trưng bày. Các công trình khác bao gồm: thư viện, trai đường, vườn tháp, giếng ngọc...

Phật đường và nhà Mẫu cao lồng lộng, uy nghi, thể hiện sự vĩnh cửu và quảng bá, thanh tĩnh và thiêng liêng.

Mặt tiền sảnh là toàn bộ cánh cửa bức bàn bằng gỗ tứ thiết, chạm trổ rất công phu. Phía trên cửa đặt chấn song con tiện. Bên dưới tạc phù điêu tứ quý cách điệu. Ván bưng áp mái, chạy suốt mặt tiền đại điện, có 5 khuôn chữ lớn, nét khắc tinh xảo và mẫu mực. Ba mặt tiền sảnh, tả vu và hữu vu chùa đều có hành lang và dựng cột đá lập phương liền khối, chạm trổ hoa văn uyển chuyển. Dưới chân cột có ghi tên người công đức một cách khiêm tốn. Cả 10 cột đá đều khắc câu đối. Cung Thánh Mẫu có 3 bậc thềm rải rộng. Ngoài tiền sảnh có 2 câu đối ở 4 cột 2 gian giữa. Chữ khắc lối khải thư, chân phương mà mềm mại.


Linh Linh (Tổng hợp)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/kham-pha-ngoi-chua-co-dia-the-long-ham-ngoc-tren-dat-ha-tien-a8186.html