Quang cảnh một trận thư hùng xưa ở Hổ Quyền
Đấu trường có 1 không 2
Tìm về thôn Trường Đá, làng Nguyệt Biều, phường Thủy Biều, TP. Huế, tôi được tận mắt quan sát đấu trường từng diễn ra những trận thư hùng đẫm máu giữa Voi – Hổ thời nhà Nguyễn. Không khó để nhận ra đây là trường đấu dành riêng cho loài mãnh thú chốn rừng xanh, bởi kiến trúc riêng biệt của nó.
Hổ Quyền ngự trên đồi Long Thọ, cách kinh thành Huế gần 5km, xây kiểu vòng tròn. Bao quanh là hai lớp tường thành được xây bằng gạch vồ và vôi vữa. Lớp tường trong cao 4,75m, lớp ngoài cao 6m. Chu vi tường ngoài 145m, đường kính lòng chảo 44m. Mỗi năm một lần, những cuộc đối đầu quyết liệt giữa Voi - Hổ được cả vua quan và dân chúng nóng lòng trông đợi. Cận hôm đấu, họ náo nức phất cờ cắm lọng, bày biện chung quanh như ngày lễ đặc biệt.
Ở chân tường thành, phía đối diện với khán đài vua ngồi là 5 chuồng nhốt hổ và một cửa đại để dẫn voi vào sân đấu. Voi tượng trưng cho cái thiện, uy lực và chính nghĩa. Hổ tượng trưng cho cái ác, sự bạo tàn. Nên những trận chiến ác liệt 1 mất 1 còn này là dịp cực kỳ quan trọng để vương triều Nguyễn bày tỏ quyền lực và sức mạnh thống lĩnh.
Quan sát kỹ sẽ thấy khán đài cho vua ngồi được xây cao nhất. Bên trái gồm cầu thang với 24 bậc dành riêng cho vua và đình thần lên xuống, bên phải gồm 15 bậc nữa – là lối đi của binh lính và thường dân. Theo thời gian, kì đài và những bậc cấp này có dấu hiệu cũ kỹ, rêu phong…. song về cơ bản, Hổ Quyền vẫn giữ được nguyên trạng.
Anh Max Henry, một du khách người Anh hứng khởi: “Thoạt trông, nơi này có nét tương tự đấu trường Đại đế La Mã, rất đặc biệt dù kiến trúc không bề thế bằng. Đứng trên kỳ đài, tôi có thể nhìn thấy điện Voi Ré và cả đồi Vọng Cảnh nữa. Thật tuyệt!”
Nhà Huế học Phan Thuận An giải nghĩa thêm: “Năm 1830, vua Minh Mạng ra lệnh phải xây một đấu trường vững chắc, làm sao bảo đảm tính mạng con người. Mộc thời gian này đã được ghi rõ trên tường thành Hổ Quyền bằng dòng chữ Hán: “Minh Mạng thập nhất niên/Chính nguyệt cát nhật tạo” nghĩa là được xây vào một ngày tốt tháng Giêng năm Minh Mạng thứ 11”.
Đã 184 năm trôi đi, Hổ Quyền nay được xem là di tích đặc biệt hiếm thấy trong quần thể di tích cố đô Huế. Tổng thể kiến trúc đấu trường hoàng cung mới trông có vẻ giản đơn song rất chắc chắn, uy nghi.
Cận cảnh một chuồng nhốt hổ.
Bên trong Hổ Quyền là 5 chuồng nhốt hổ, đối diện với kỳ đài vua ngồi.
Những giai thoại chưa kể
Giai thoại về đấu trường có một không hai này vẫn luôn được kể lại cho những du khách có dịp ghé chân.
Một điều đặc biệt là: Trong khi ở bên này bờ sông Hương, tả Hổ Quyền, Hổ bị coi là con ác quỷ cần tiêu diệt thì cách đó không xa, bên hữu sông Hương Hổ lại được thờ phụng như một vị thần linh trong điện Hòn Chén.
Thật ra, trước khi tồn tại Hổ Quyền thì những trận giao đấu ác liệt giữa Hổ và Voi đã được tổ chức vào đời chúa Nguyễn (1558 – 1575). Nhưng hầu hết chỉ diễn ra trong không gian tự do ở cồn Dã Viên – một hòn đảo nổi giữa dòng Hương. Nơi đây, chỉ trong vòng một ngày (5/1/1750), 18 con hổ đã chết dưới chân 40 chú voi dũng mãnh. Bấy giờ, triều đình bắt lính tráng dàn hàng đứng quây lại làm hàng rào tựa võ đài. “Voi được chăm sóc rất tốt còn Hổ bị bỏ đói, bẻ nanh và cột vào cọc. Nhưng Hổ đã dứt tung dây xích, nhảy chồm lên tát quản tượng rơi xuống đất. Quản tượng bị voi giày chết, gây kinh hãi cho vua lẫn dân”. Ngài Michel Đức Chaigneau, một người bạn Pháp vong niên của vua Gia Long đã thuật lại như thế trong cuốn sách hiếm hoi “Những kỷ niệm về Huế” (Souvenir de Hue) của mình sau nhiều lần chứng kiến những trận tử chiến. Có thể thấy, không chỉ đơn thuần tập dượt cho voi trước khi ra trận, mà việc “thưởng thức” những cuộc đấu kịch tính ở Hổ Quyền dần trở thành thú vui giải trí cho nhà Nguyễn khi đó.
Nghiên cứu về Hổ Quyền, một học giả Pháp khác đã viết: “Ta không nên tìm nơi Hổ Quyền một tác phẩm nghệ thuật mỹ thuật hay một kiến trúc nghệ thuật tinh xảo. Nó chỉ là một trong những công trình kiến trúc kiên cố của thời Minh Mạng, phù hợp với chức năng của nó mà thôi. Giá trị thật sự của Hổ Quyền chính là quá trình lịch sử của nó”. Quả thật, tôi không hề thấy tại đây một hoa văn, hoạ tiết nào ngoài bức tường thành đã nhuốm màu thời gian.
Thuở xa xưa, lịch sử chống ngoại xâm của ta với hình ảnh Bà Trưng - Bà Triệu, nữ tướng Bùi Thị Xuân cưỡi voi xung trận đã trở thành biểu tượng bất tử cho sức mạnh: Chủ tướng ta/ Thét voi xông trận ào ào/ Suối sâu sá kể, sông rào vượt qua/ Giặc trên núi đá tai mèo/ Sườn dốc cheo leo/ Voi trèo voi rượt... Có lẽ vì thế mà việc thuần dưỡng, rèn luyện cho voi tính chiến đấu rất được nhà Nguyễn xem trọng. Tuy nhiên, từ trận “tỉ thí” cuối cùng diễn ra vào đời vua Thành Thái 16 (1904) đến nay, vì nhiều lý do nên các cuộc đấu đã chấm dứt.
Hổ Quyền ngày nay đã nhuốm màu rêu phong, xuống cấp và cần được bảo tồn.
Bài toán bảo tồn
Ông Mai Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết: “Theo khảo sát của chúng tôi trên phạm vi thế giới, hiện di tích đấu trường chỉ còn ở Italia, có tên Coloseum (đấu trường La Mã). Đó là cái thứ nhất của thế giới, và ở Việt Nam là cái thứ 2. Sự độc đáo, khác lạ của Hổ Quyền đã khiến hàng trăm ngàn du khách tò mò, sửng sốt khi bắt gặp ở Huế. Gần Hổ Quyền có điện Voi Ré cũng là một di tích độc đáo, nên khi lên kế hoạch trùng tu, quy hoạch chúng tôi phải đưa vào tổng thể, đặt cụm di tích này vào các tour du lịch kết hợp với lăng Tự Đức, đồi Vọng Cảnh và một số điểm đến khác. Tức là đặt chúng trong một định hướng dài hạn để phát huy cao nhất giá trị về bảo tồn di sản văn hoá lẫn phát triển du lịch”.
Được biết, Hổ Quyền được công nhận là di tích cấp Quốc gia ngày 26/9/1998, theo quyết định số 2009/1998 QĐ/BVHTT. Ngày 31/05/2010, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế (HMCC) đã vinh dự được nhận bản gốc bộ phim 3D “Phục dựng di tích Hổ Quyền bằng công nghệ kỹ thuật số” do Tổng cục di sản Hàn Quốc, Viện Khoa học công nghệ chất lượng cao Hàn Quốc (KAIST) trao tặng. Bằng công nghệ 3D, bộ phim đã tái hiện rất sống động những cuộc đấu ác liệt giữa Voi – Hổ ngày xưa.
Thời gian, thiên nhiên khắc nghiệt và tội ác chiến tranh không làm cho Hổ Quyền hư hỏng nhiều như các di tích khác ở Huế. Gần 2 thế kỷ qua, Hổ Quyền vẫn sừng sững đứng uy nghi trên ngọn đồi Long Thọ, như một biểu tượng bất tử của sự mạnh mẽ và tinh thần thượng võ vô song. Nhưng, không có gì là mãi mãi. Cỏ xanh nay phủ kín lòng sân đấu, tường thành cũng bạc thếch tháng năm… Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần chú ý nghiêm ngặt việc tu bổ, giữ gìn cảnh quan để đấu trường hoàng cung độc nhất nước mãi lưu chân du khách.
Hà Phương