
Ông Trần Công Tương đang trao đổi với phóng viên về công việc "vác tù và" của mình hơn 30 năm qua.
Người nông dân hơn 30 năm làm việc thiện giúp dân làng
Trung tâm xã Hòa Nhơn cách trung tâm thành phố Đà Nẵng chưa đầy 20km nhưng phố xá đã ở lại rất xa bởi hai bên đường lác đác vài ngôi nhà nhỏ, lụp xụp heo hắt bên con đường sôi động nhất nhì của cả nước. Lúc chúng tôi tìm đến dù đang bận trăm công nghìn việc nhưng các vị lãnh đạo xã Hòa Nhơn vẫn nhiệt tình tiếp chuyện khi chúng tôi muốn tìm hiểu thông tin về mô hình hiến giác mạc của địa phương thì các đồng chí hồ hởi bảo: Cái này nhà báo phải đến gặp trực tiếp anh Trần Công Tương (SN 1949) người gắn bó máu thịt với công tác chữ thập đỏ ở địa phương gần ba chục năm nay là người luôn theo dõi nhiệt tình với phong trào hiến giác mạc ở địa phương.
Phải khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được nhà của ông Trần Công Tương - Chi hội trưởng Chi hội chữ thập đỏ thôn Thạch Nham Tây xã Hòa Nhơn. Qua những cung đường nhỏ ngoằn ngèo đích đến của chúng tôi là một ngôi nhà nhỏ nằm gọn trên một quả đồi nhỏ. Cách đường tránh thành phố Đà Nẵng không xa nhưng ngồi nhà nhỏ ấy hoàn toàn yên tĩnh, không khí mát lạnh bởi chiếc "điều hòa tự nhiên" từ khu vườn xanh ngắt quanh nhà. Chúng tôi được trò chuyện với ông một ông lão đã gần bước vào cái tuổi thất thập cổ lai hi trong một thiên đường thứ hai dưới mặt đất vậy.
Ông kể khu vườn của gia đình có từ thời các cụ để lại đến nay được sự giữ gìn của gia đình nên mới còn được. Được lời cởi tấm lòng của người đàn ông “vác tù và hàng tổng” hết lòng với việc làng việc xóm suốt hơn ba mươn năm qua đi xin của người giàu chia cho người nghèo không một lần vụ lợi tính toán tưởng chỉ còn trên phim nay nó “ngồn ngộn” trước mặt chúng tôi. Là người nặng lòng với quê hương nhiệt tình với nhân dân trong thôn. Hễ nhà nào trong thôn có người bệnh tật, nằm xuống bất kể ngày đêm ông đều có mặt để động viên thăm hỏi. Ông bảo: Mình không giàu không tự tay giúp bà con còn nghèo, còn khổ, những mảnh đời bất hạnh hơn mình nhưng vận động mọi người bỏ chút lòng hảo tâm để giúp những người chưa bằng mình đó cũng là một niềm vui, là một cách mình làm việc thiện, tích đức cho con cháu.
Hơn ba mươi năm làm chi hội trưởng chi hội chữ thập đỏ thôn Thạch Nham Tây ông luôn là người nhiệt huyết đi đầu trong các phong trào của hội.
Năm 2009 nhận được quyết định đi tập huấn vận động mọi người đăng kí hiến giác mạc ông hăng hái tham gia. Ông xác định từ khi nhận được giấy mời tập huấn của hội chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng đến khi lên đường đi tập huấn là muốn vận động được mọi người thì mình phải hiểu được họ nghĩ gì, nghĩ như thế nào. Chính những trăn trở suy nghĩ ấy khiến người đàn ông ấy biết bao đêm trằn trọc thức giấc giữa đêm. Trong suốt quãng thời gian tập huấn ông là người hăng hái đặt ra rất nhiều tình huống khiến những “huấn luyện viên” không ít lần toát mồ hồi với những câu hỏi đi sâu vào thực tế của ông. Sự lo lắng chu toàn ấy đã giúp ích ông rất nhiều sau này trong những lần vận động mọi người tự nguyện đăng kí hiến giác mạc.
Nhớ lại những kỉ niệm ngày đầu đi vận động nhiều trường hợp khiến ông dở khóc dở cười khi đi vận động bà con trong thôn đăng kí hiến giác mạc. Nhiều trường hợp vận động được cá nhân họ tự nguyện đăng kí rồi lại gặp phải sự phản đối từ gia đình, từ các con. Nhiều trường hợp khiến ông phải đi lại rất nhiều lần, đến nhà năm bảy lượt mỗi lần đến ông lại nhỏ nhẹ phân tích hết sự tốt đẹp của hành động “tuy nhỏ” nhưng đem lại lợi ích lớn cho rất nhiều những trường hợp bất hạnh phải sống trong bóng tối.
Cả làng “đua” nhau hiến giác mạc
Thạch Nham Tây là một trong số 11 thôn của xã Hòa Nhơn. Nghề chính ở đây làm làm ruộng, cấy lúa, trồng cây ăn quả. Nguồn thu chính của họ từ mớ rau con cá, quả mít, quả ổi trong vườn mà ra. Cả làng mới có được đôi ba cử nhân thế nhưng khi nghe đến chuyện tự nguyện đăng kí hiến giác mạc ai cũng tỏ vẻ am tường. Ai cũng tranh nhau giải thích cho chúng tôi nào là “hành động nhỏ ý nghĩa lớn” rồi thì “mình chết đi rồi còn làm phước được, để lại công đức cho con cháu đời sau”.
Thế nhưng để đạt được kết quả bước đầu thành công như ngày hôm nay là cả chặng đường dài đầy những khó khăn vất vả của ông Tương và những người cộng sự của mình. Ông kể ban đầu khi nghe mình vận động hiến giác mạc sau khi chết để giúp những người mù sáng mắt trở lại mọi người đều lắc đầu phản đối. Họ không muốn chết không toàn thây, “bị móc mất con mắt thì sang thế giới bên kia làm sao mà nhìn thấy đường về nhà với con cháu”.
Những lí luận ngây thơ cùng với sự phản ứng quyết liệt không hợp tác của những người nông dân suốt ngày chân lấm tay bùn không nằm ngoài dự đoán của ông. Để mọi người có thể hiểu và tự nguyện đăng kí ông bảo trước tiên mình phải làm trước. Nói là làm ông về vận động vợ cùng đăng kí với mình. Sau nhiều lần thủ thỉ nhỏ to, ông đã nhận được cái gật đầu đồng ý của vợ. Ông cũng không dễ gì khi thuyết phục năm người con của mình kí vào đơn đồng ý tự nguyện hiến giác mạc của bố mẹ.
Có sự hậu thuẫn vững chắc từ gia đình ông hoàn toàn yên tâm “ra trận”. Sau những chuyến đi vận động như con thoi đến từng hộ dân trong thôn kết quả thu về khiến ông không khỏi bất ngờ. Công sức bỏ ra của ông thu về là hơn ba mươi lá đơn đăng kí tự nguyện hiến giác mạc của bà con trong thôn, trong đó có nhiều cặp vợ chồng cùng nhau đăng kí. “Không dễ để vận động nhân dân nhất là bà con nông dân nghe theo mình nhưng khi họ đã hiểu ra được bản chất của vấn đề là việc tốt, ý nghĩa thì họ hưởng ứng rất nhiệt tình”, ông Tương nhiệt tình chia sẻ.
Đó không phải là sự nhiệt tình của những người nông dân ở trốn quê nghèo. Họ hiểu rằng chỉ nhờ cặp giác mạc của mình đã giúp bốn người khác tìm được ánh sáng chứ không phải sống trong bóng tối suốt cuộc đời. “Mình chết đi thân xác mình rồi cũng thối rữa hết, chết rồi mà còn giúp người sáng lấy lại được cho con mắt của họ, mình giúp họ mình vừa để lại được cái đức mà không biết mấy đời mới làm được cái phước ấy. Cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp, đằng này mình cứu được những bốn người cơ mà, tôi nói thế có phải không chú?” Lý luận thật đơn giản mà chẳng kém phần triết lí của người nông dân Hồ Thêm khiến chúng tôi phải ngã mũ kính phục.
Thôn Thạch Nham Tây bây giờ có rất nhiều gia đình không chỉ hai vợ chồng mà cả các con rồi dâu rể cũng kí vào đơn tư nguyện hiến giác mạc sau khi qua đời như hộ ông Trần Công Tương, Trần Công Cường. Ông Tương có 5 người con cả trai cả gái đều đã trưởng thành có gia đinh riêng, tất cả đều ủng hộ khi bố có ý định hiến giác mạc bởi chúng luôn tin tưởng những hành động của mình là đúng có ý nghĩa, sau này khi tôi vận động chúng đăng kí hiến giác mạc thì tất cả đồng loạt làm theo không chỉ vì vui lòng ông già này mà chúng thừa hiểu đây là một hành động cao cả đầy tính nhân văn, giúp ích cho nhiều người kém may mắn khi mình qua đời.
Nhật Bình