29/12/2016 10:30
29/12/2016 10:30
Di dời Bảo tàng Đà Nẵng về 42 - Bạch Đằng: Nỗi mừng biết lấy chi cân!
Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã quyết định sử dụng trụ sở Hội đồng nhân dân thành phố (HĐND) hiện nay (42-Bạch Đằng) để làm Bảo tàng Đà Nẵng. Chủ trương đó làm nức lòng biết bao người…
Nỗi mừng biết lấy chi cân!
Ông Huỳnh Văn Hùng-Giám đốc Sở VH-TT thành phố Đà Nẵng đọc câu Kiều “Nỗi mừng biết lấy chi cân” để bày tỏ cảm xúc vui mừng trước quyết định của lãnh đạo thành phố. Ông Hùng nói: “Khi quyết định chọn trụ sở HĐND thành phố để làm Bảo tàng Đà Nẵng, đồng chí Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố đều nhấn mạnh đến việc phải ưu tiên phát triển văn hóa, thậm chí là hy sinh cho văn hóa. Tôi rất vui khi nghe những lời như thế. Việc chuyển Bảo tàng lịch sử về địa chỉ 42- Bạch Đằng là rất phù hợp, bởi bản thân tòa nhà này là một hiện vật lịch sử giá trị của Đà Nẵng”. Quả thật, hiếm có một tòa nhà cổ nào ở Đà thành lại còn nguyên vẹn và mang nét kiến trúc độc đáo như khu nhà 42-Bạch Đằng. Được người Pháp xây dựng hơn 100 năm trước, để làm tòa thị chính của chính quyền Pháp tại Đà Nẵng, tòa nhà 42- Bạch Đằng trở thành chứng tích của nhiều sự kiện gắn liền với lịch sử Đà Nẵng. Tháng 2-1937, hàng nghìn người dân đã kéo về đây gặp đại diện chính quyền Pháp để đòi quyền dân sinh, dân chủ. Ngày 26-8-1945, cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc tòa nhà này. Rồi khi quân Pháp xâm lược Việt Nam lần thứ 2, Trung đoàn 96 đã ngoan cường đánh trả địch tại đây. Vào ngày 29-3-1975, lá cờ giải phóng lại một lần nữa được cắm trên Tòa thị chính, báo hiệu Đà Nẵng đã hoàn toàn giải phóng. Sau này, tòa nhà 42 – Bạch Đằng được tiếp tục sử dụng làm trụ sở UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), rồi trụ sở UBND thành phố Đà Nẵng từ năm 1997 và hiện là trụ sở mở rộng của HĐND thành phố…
Tòa nhà 42 - Bạch Đằng sẽ trở thành Bảo tàng Đà Nẵng.
Bày tỏ sự đồng tình với chủ trương của thành phố, ông Bùi Văn Tiếng-Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng cho rằng, đây là món quà đầu năm 2017 rất quý giá mà lãnh đạo thành phố dành cho người dân Đà Nẵng nói chung và giới sử học Đà Nẵng nói riêng. “Khi UBND thành phố chuyển vào làm việc tại Trung tâm hành chính 24 Trần Phú thì việc chuyển HĐND thành phố về làm việc tại nhà số 42-Bạch Đằng là phù hợp. Nhưng sẽ phù hợp hơn rất nhiều nếu chuyển Bảo tàng Đà Nẵng về đây, bởi bản thân tòa nhà số 42 - Bạch Đằng là một di tích lịch sử- một bảo tàng ngoài trời, với phong cách kiến trúc cho đến nay vẫn chưa hề lạc hậu. Có thể nói Ban Thường vụ Thành ủy đã có một quyết định trên cả tuyệt vời, khi chuyển Bảo tàng Đà Nẵng về tại nhà số 42 đường Bạch Đằng nhằm trả lại cảnh quan vốn có của di tích văn hóa lịch sử quốc gia Thành Điện Hải”, ông Tiếng nhận xét.
Trả lại không gian cho Thành Điện Hải
Lâu nay, Bảo tàng Đà Nẵng nằm trong khuôn viên của di tích Thành Điện Hải. Theo các nghiên cứu, Bảo tàng đặt ở đây không phù hợp, bởi không chỉ xâm hại đến di tích mà kiến trúc của tòa nhà khiến vẻ đẹp của Thành Điện Hải bị che khuất. Ông Bùi Văn Tiếng cho rằng, Bảo tàng Đà Nẵng hiện nay thiết kế không hài hòa, không phù hợp với kiến trúc của Thành Điện Hải, trông rất phản cảm. “Khi chuyển Bảo tàng Đà Nẵng đến 42- Bạch Đằng thì cần phải chỉnh trang tòa nhà ấy để trở thành Bảo tàng Điện Hải - một bảo tàng chuyên đề lưu giữ ký ức hào hùng của cuộc Chiến tranh Mậu Ngọ 1858. Ngoài ra, nên tạc một pho tượng Nguyễn Tri Phương mới, lớn hơn, đẹp hơn, đồng thời nghiên cứu vị trí để lắp đặt các súng thần công vào vị trí phù hợp để trả lại không gian vốn có của Thành Điện Hải”, ông Tiếng nói.
Bảo tàng Đà Nẵng được di dời sẽ trả lại vóc dáng nguyên trạng cho Thành Điện Hải.
Ông Huỳnh Văn Hùng cho biết, lãnh đạo thành phố đã giao cho Sở VHTT làm chủ đầu tư dự án bảo tồn, phục hồi di tích Thành Điện Hải và bố trí khu tái định cư cho các hộ dân giải tỏa ở khu vực phía Tây thành. Hiện Sở đã phối hợp Sở Tài nguyên Môi trường, UBND Q. Hải Châu, Trung tâm phát triển Quỹ đất thành phố lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân. “Sở VHTT đang tiến hành từng bước của dự án. Trước hết, phối hợp Viện quy hoạch xây dựng tiến hành quy hoạch ranh giới của di tích Thành Điện Hải. Kế đến, làm hồ sơ trình Bộ VH-TT&DL và Thủ tướng Chính phủ đề nghị công nhận Thành Điện Hải là di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt. Sau khi được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt, sẽ tiếp tục triển khai phục dựng các hào rãnh, tường thành, các công trình bên trong thành như trại lính, kho lương thực…Lúc nào HĐND thành phố có trụ sở mới, chúng tôi sẽ nhanh chóng chuyển Bảo tàng Đà Nẵng về 42-Bạch Đằng. Việc di dời Bảo tàng Đà Nẵng có ý nghĩa rất lớn nhằm khôi phục nguyên trạng Thành Điện Hải, để đưa di tích này trở thành một điểm tham quan hấp dẫn của thành phố”, ông Hùng nói.
Chủ trương dời Bảo tàng Đà Nẵng về 42 - Bạch Đằng vừa giữ lại được tòa nhà lịch sử, đưa Bảo tàng Đà Nẵng về đúng vị trí và trả lại nguyên trạng cho Thành Điện Hải. Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho rằng, khi Bảo tàng được chuyển về 42 – Bạch Đằng sẽ tạo ra tuyến tham quan xuyên suốt, kết nối lộ trình tham quan từ Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Đà Nẵng, đến di tích Thành Điện Hải. “Kiến trúc của tòa nhà 42-Bạch Đằng hoàn toàn phù hợp để trở thành Bảo tàng Đà Nẵng. Tọa lạc ở vị trí đẹp, bên cạnh dòng sông Hàn thơ mộng, khi Bảo tàng Đà Nẵng được chuyển về đây tin rằng sẽ thu hút được nhiều du khách tham quan tìm hiểu về lịch sử, văn hóa và công cuộc đấu tranh giải phóng của thành phố Đà Nẵng. Lãnh đạo thành phố đã có một chủ trương hợp tình, hợp lý”, ông Thiện nói.
(Theo cadn.com.vn)
Hoàng Anh
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/di-doi-bao-tang-da-nang-ve-42-bach-dang-noi-mung-biet-lay-chi-can-a8154.html