Từ khi được công nhận là DTQG, lăng mộ danh sỹ Trần Văn Kỷ chưa được đối xử tương xứng.
Theo các bậc cao niên ở làng Vân Trình, người dân trong làng rất nhớ ơn ngài Trần Văn Kỷ vì năm xưa liên tiếp lụt lội gây bao nỗi mất mát về tiền của và tính mạng của dân; Trần Văn Kỷ đã nghĩ ra việc vận động dân trồng cừa hai bên bờ sông để ngăn lụt, không cho nước lũ cuốn hết phù sa, giữ cho dân khỏi mất mùa. Đến nay hàng cừa vẫn còn dù trải qua bao cuộc chiến tranh. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đắc Xuân, năm 1777, Trần Văn Kỷ đỗ giải nguyên. Năm 1786, Trần Văn Kỷ được Bắc Bình vương Nguyễn Huệ cho mời để hỏi về kế trị loạn. Khâm phục tài năng của ông, sau khi từ Quy Nhơn về Phú Xuân, Nguyễn Huệ đã phong cho Trần Văn Kỷ làm Trung Thư phụng chính (người dự thảo chính lệnh cho vua), nắm toàn bộ trung thư cơ mật, tham mưu cho Nguyễn Huệ và được phong tước Hầu. “Trần Văn Kỷ là quân sư, là tai, là mắt, là chân tay đắc lực nhất của thời kỳ rạng rỡ vua Quang Trung. Dưới triều Quang Trung, ông có nhiều công lao giúp vị vua này trị vì đất nước”- nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho hay. Sau khi vua Quang Trung mất, Nguyễn Ánh thắng thế, Trần Văn Kỷ về quê, đổi tên cải dạng nuôi chí phục thù. Năm 1801, bị phát giác, ông phải vào Kinh đô Phú Xuân, trên đường vào đến ngã ba Sình đã nhảy xuống sông trầm mình để giữ tròn khí tiết. Sau khi qua đời, Trần Văn Kỷ được chôn cất tại xã Phong Bình- nơi ông sinh ra và lớn lên. Di tích lăng mộ Trần Văn Kỷ đã được Nhà nước xếp hạng DTQG năm 1993.
Mới đây, một đoàn cựu chiến binh ở Quảng Bình đến tham quan DTQG lăng mộ Trần Văn Kỷ, từ khi rẽ vào làng, Đoàn phải dừng xe không dưới 10 lần để hỏi đường. Bởi, trên con đường dẫn đến lăng mộ không hề có bất kỳ biển chỉ dẫn nào. Để đến khu lăng mộ, cả đoàn cựu chiến binh phải lội bộ qua những đoạn bùn sình lầy lội, giày dép dính đầy phân trâu, phân bò. Chưa hết, lăng mộ của cụ Trần Văn Kỷ nằm lọt thỏm giữa nước do lâu ngày phần móng bị sụt lún. Các cựu chiến binh tỏ ra bức xúc trước việc một di tích cấp quốc gia bị ứng xử thiếu văn hóa và đã phản ánh với một cán bộ địa phương. Theo nhiều bậc cao niên trong làng, trước đây, phần mộ Trần Văn Kỷ nằm trên một mô đất cao. Thế nhưng, do trải qua thời gian và không được tu bổ, tôn tạo nên di tích này ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Ông Nguyễn Ngọc Khánh- Chủ tịch UBND xã Phong Bình thừa nhận, nếu người ngoài làng hoặc ở xa đến, muốn tìm đường vào DTQG lăng mộ Trần Văn Kỷ rất khó vì không hề có bảng chỉ dẫn hay cắm biển di tích. Cũng theo ông Khánh, vì cơ quan chức năng không cắm biển di tích đối với lăng mộ này nên vừa qua, có một số hộ dân đến lấn chiếm diện tích khuôn viên lăng mộ để xây mồ mả. Sau khi nhận được phản ánh của người dân, chính quyền xã kiểm tra thì phát hiện đúng là có tình trạng nói trên và ngay sau đó, xã đã tiến hành cưỡng chế.
Ông Nguyễn Ngọc Khánh cho biết thêm, có rất nhiều đoàn du khách khi đến tham quan, tìm hiểu DTQG lăng mộ Trần Văn Kỷ và Trường THPT Trần Văn Kỷ ở xã Phong Bình đều tỏ ra tiếc nuối khi DTQG lăng mộ xuống cấp nghiêm trọng. Theo ông Khánh, có nhiều trường học trên địa bàn H.Phong Điền rất muốn tổ chức cho học sinh đến dâng hương, tham quan tại DTQG lăng mộ Trần Văn Kỷ để qua đó giáo dục truyền thống hiếu học, đạo lý uống nước nhớ nguồn cho các em học sinh; thế nhưng do đường vào di tích rất khó khăn nên không thể thực hiện. Theo ông Khánh, xã cũng rất mong muốn đầu tư đoạn đường hơn 200m vào đến lăng mộ và đổ đất chống sụt lún với kinh phí khoảng vài trăm triệu đồng nhưng không thể thực hiện. Ông Trịnh Đức Hùng- Chủ tịch UBND H.Phong Điền nói: “Huyện đã biết DTQG lăng mộ Trần Văn Kỷ xuống cấp nghiêm trọng nhiều năm nay. Nhiều lần tiếp xúc cử tri với các cấp, người dân xã Phong Bình cũng đã phản ánh tình trạng di tích xuống cấp và Phòng Văn hóa- Thông tin huyện cũng nhiều lần kiến nghị sửa chữa nhưng do phía huyện không có kinh phí nên việc tu bổ, tôn tạo DTQG này vẫn chưa được thực hiện”.
(Theo cadn.com.vn)