Hãy giữ gìn “chất” đờn ca tài tử!

Không phải chờ đến khi UNESCO vinh danh đờn ca tài tử (ĐCTT), giới mộ điệu bốn phương mới biết đến bộ môn nghệ thuật này. Ngay từ những ngày đầu của thế kỷ 20, ĐCTT đã được đưa sang châu Âu biểu diễn.


Ban nhạc tài tử được biết đến sớm nhất ở vùng đất Nam bộ là của ông Tư Triều với cô Ba Bắc ở Mỹ Tho, Tiền Giang. Sử liệu ghi nhận vào đầu năm 1906, ban nhạc này được Hội chợ đấu xảo thuộc địa ở Marseille (Pháp) mời sang diễn tấu. Tại đây, bản nhạc tài tử nổi tiếng là Vũ khúc Đông Dương được mang ra diễn tấu với sự tán dương của nhiều giới. Về sau bản nhạc này được nhà nghiên cứu Nguyễn Lê Tuyên (Đại học quốc gia Australia) phát hiện vào tháng 3/2013, tại Thư viện quốc gia Pháp. Đến tháng 7 cùng năm, Vũ khúc Đông Dương được phục dựng và trình diễn tại Hội nghị âm nhạc truyền thống quốc tế Thượng Hải (Trung Quốc), với sự tham dự của hơn 500 nhạc sĩ và nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống của nhiều quốc gia trên thế giới.

Song, có thể nói phải đến khi bản Dạ cổ hoài lang của Cao Văn Lầu ra đời vào năm 1919, giới mộ điệu ĐCTT ở Nam bộ mới được biết đến nhiều. Và phải đợi đến thập niên 1960, cố soạn giả Viễn Châu, đã tạo nên mối lương duyên hết sức kỳ lạ, ông kết hợp Tân nhạc vào Vọng cổ cho ra đời bản Tân cổ giao duyên, được hầu hết giới mộ điệu tân và cổ nhạc tán dương.

Không chỉ đờn ca sao cho đúng với tính chất, hơi điệu của bài, người nghệ sĩ tài tử còn phải biết thêm thắt, biến tấu ngẫu hứng sao cho bay bổng, vì đối với nhạc tài tử, tính cố định sẽ làm mất tính tài tử. Một nốt đàn được thêm thắt, tô điểm đúng mức sẽ trở thành phong cách riêng của nghệ sĩ. Nói rộng hơn, ngẫu hứng, ứng tấu vừa tạo phong cách nhạc sĩ, vừa là phong cách của thể loại nhạc tài tử.

Ngày nay, mặc dù hầu hết những người chơi ĐCTT không xem đây là nghề chủ yếu để mưu sinh, nhưng do điều kiện kinh tế ít nhiều ảnh hưởng đến tính chất đặc trưng của nó. Từ sự yêu thích của một bộ phận người thưởng thức và điều kiện kinh tế của mình mà có những nghệ nhân ĐCTT đã trở thành người phục vụ trong các nhà hàng, quán ăn, khu vui chơi giải trí, khu du lịch sinh thái miệt vườn. Những bài bản tài tử ngẫu hứng dần bị quên lãng và không ít nghệ nhân biến thành “thợ đờn”, tấu những khúc nhạc thành thạo một cách vô hồn. Khiến cho các nghệ nhân chân chính phải trăn trở, tự vấn về thực trạng và tương lai của ĐCTT. Đặc biệt là ở miền Tây Nam bộ, nơi được cho là ĐCTT cất tiếng chào đời và khẳng định giá trị nghệ thuật của mình. Chỉ một lần theo tour về xứ sở này thôi, du khách chắc rằng sẽ được thưởng thức và chứng kiến các tài tử đờn, tài tử ca biểu diễn ở quán ăn, khu du lịch. Từ đó mới thấy cái sự lo lắng ngày nào của cố GS. Trần Văn Khê nay có nguy cơ thành hiện thực… buồn.

Đó là vào thời điểm năm 2011, tại buổi họp bàn xem xét hồ sơ ĐCTT lần cuối để đệ trình lên UNESCO, do TS. Lê Văn Toàn – lúc đó là Viện trưởng Viện âm nhạc quốc gia Việt Nam chủ trì tại Cục Công tác phía Nam (Bộ VH TT DL), cố GS. Trần Văn Khê đến dự trên xe lăn với tư cách là cố vấn.

Ông bày tỏ nỗi lo xa của mình khi nói rằng: Coi chừng khi nghệ thuật ĐCTT bị biến chất. Và, rằng các khu du lịch đừng biến ĐCTT thành thứ vui chơi, làm cho đẹp mà mất đi cái chất của ĐCTT thì tội nghiệp cho nó lắm. Chính tôi đã đưa ĐCTT vào trong đĩa hát của UNESCO từ năm 1963, có một đoạn ĐCTT, chính tôi là người viết lời đề tựa tại Paris. Ông nói đến năm 1974, các đĩa về ĐCTT cũng đã phát hành ra thế giới. Đến 1994, tức 20 năm sau, quốc tế thống kê bộ môn âm nhạc dân tộc nào được yêu thích nhất trong đĩa phát hành, thì ĐCTT đoạt huy chương vàng.

Ông khuyên các tài tử đờn, tài tử ca khi lên sân khấu (dù chính thức hay không) biểu diễn ĐCTT thì không nên mặc áo thun, mà phải mặc áo bà ba như cái thuở ban đầu chất phác và mộc mạc vốn có của nó. Vì, nói đến ĐCTT là nói đến cái hồn, chính những tài tử đờn, tài tử ca mới là người giữ gìn nó chứ không ai khác. Ấy vậy mà tại nhiều điểm du lịch sinh thái, các “tài tử” khi lên sân khấu biểu diễn ăn mặc khá tùy tiện.

Hiện nay, tại các tụ điểm biểu diễn ĐCTT rất ít khi coi trọng phần thưởng thức của tri âm, ngày xưa, không có tri âm nghe đờn thì không đờn. không ít tụ điểm chỉ phục vụ theo kiểu đờn ca cho sướng tay sướng miệng chứ có lẽ ít thấy chơi ĐCTT chuẩn mực đúng nghĩa. Thiết nghĩ, các nhà tổ chức, quản lý văn hóa địa phương nên lưu tâm vấn đề này?n

(Theo baodulich.net.vn) 

Cao Phương

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/hay-giu-gin-chat-don-ca-tai-tu-a8135.html