Dân tộc Sán Chay sống tập trung ở vùng Đông bắc Tổ quốc chủ yếu ở các tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang... có truyền thống văn hoá phong phú và đặc sắc từ lâu đời. Trong đó, phải kể đến nền văn học dân gian, đặc biệt là mảng thơ ca. Thơ ca dân gian Sán Chay phong phú về thể loại như tục ngữ, ca dao, câu đố, xình ca, đồng dao, hát ru... được hình thành và phát triển trong môi trường diễn xướng, lao động và văn hoá xã hội của đồng bào, nên có những đặc điểm hết sức độc đáo so với các dân tộc thiểu số khác.
Nói đến thơ ca dân gian Sán Chay, trước hết phải nói đến những bài hát ru. Hát ru của người Sán Chay giàu cảm xúc, ca ngợi tình cảm giữa con người với con người, với quê hương đất nước, sớm bồi đắp cho trẻ những tình cảm đẹp. Khác với người Kinh, hát ru của người Sán Chay không phải là những bài ca, câu ca ngắn mà là những bài hát dài, có kết cấu của một bài dân ca. Lời thơ, nhịp thơ tự do với làn điệu đằm thắm du dương, ru em bé vào giấc ngủ say nồng. Mở đầu thường là cụm từ “Ú núng nờn...” tương tự như “À ơi em ngủ cho ngoan” trong hát ru của dân tộc Kinh.
Cũng như các dân tộc khác, người Sán Chay yêu cuộc sống, yêu quê hương bản làng, yêu núi rừng, yêu ruộng nương… Họ biết lao động để làm cho cuộc sống của mình ngày càng ấm no, biết động viên con cháu chăm lo học tập, hăng say lao động sản xuất để xây dựng quê hương ngày một đẹp giàu. Đó là những nét đẹp văn hoá mà người Sán Chay rất tự hào. Nét đẹp văn hóa ấy được thể hiện rất đầy đủ và rõ nét trong các làn điệu Xình ca dân gian.
Xình ca là một thể loại dân ca trữ tình - một nét sinh hoạt văn hoá truyền thống phong phú và hấp dẫn có từ lâu đời của người Sán Chay. Đó là lối hát đối đáp giao duyên nam nữ trong các dịp lễ tết, hội xuân, trong lao động sản xuất, những lúc nông nhàn, những đêm trăng sáng…gần giống như hát ví, hát trống quân, hát quan họ của người Kinh, hát Sli, Lượn của đồng bào Tày, hát Gầu plềnh của đồng bào Mông… Đồng bào từ già đến trẻ ai cũng say mê hát, bởi nó không chỉ bao gồm những bài hát giao duyên nam nữ mà còn là những bài hát ca ngợi sản xuất, thiên nhiên, phụng thổ công, thần nông... Ngoài ra, dân tộc Sán Chay còn có vốn câu đố, thành ngữ, tục ngữ, những bài hát đồng dao... khá phong phú.
Có thể nói, thơ ca dân gian Sán Chay rất phong phú về nội dung thể loại cũng như các hình thức thể hiện. Bên cạnh những đặc điểm chung của truyền thống thơ ca dân gian, thơ ca dân gian Sán Chay có những nét riêng độc đáo. Sự phong phú và độc đáo của nó không thua kém bất cứ nền thơ ca dân gian của dân tộc nào. Nảy sinh và tồn tại trong môi trường diễn xướng nên thơ ca dân gian Sán Chay gắn liền với đời sống của đồng bào. Và với họ, thơ ca dân gian đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Trong ý thức của người Sán Chay, nghệ thuật không chỉ góp phần làm tăng niềm vui, thắt chặt tình hữu ái giữa con người với con người, mà còn gắn liền với khát vọng chinh phục thế giới thiên nhiên, làm đẹp cuộc đời.
Thơ ca dân gian Sán Chay là một nguồn di sản tinh thần có từ lâu đời trong truyền thống văn hóa của đồng bào. Nó phong phú về nội dung cũng như hình thức biểu hiện. Việc sưu tầm, dịch thuật, đi sâu vào tìm hiểu và nghiên cứu các giá trị nội dung, nghệ thuật của văn học dân gian Sán Chay nói chung và thơ ca dân gian Sán Chay nói riêng là một vấn đề cần được các nhà nghiên cứu và những người có tâm huyết quan tâm.
Theo Dân Tộc Việt
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tho-ca-dan-gian-san-chay-nguon-di-san-van-hoc-dan-gian-doc-dao-a812.html