Huỳnh Thủy Lê - M.Duras: Chuyện tình vượt thời gian - Kỳ 3: ​Huỳnh Thủy Lê là ai?

Trong tiểu thuyết L’Amant, nữ văn sĩ M. Duras chỉ viết mấy dòng nói về cha của người tình Huỳnh Thủy Lê.



 Vợ chồng Huỳnh Thủy Lê - Nguyễn Thị Mỹ lúc còn trẻ - Ảnh tư liệu gia đình

 
Trong khoảng một năm rưỡi yêu nhau bà cũng không biết gì về gia đình này, chỉ biết họ người Việt gốc Hoa giàu có ở Sa Ðéc.
 
Trong quá trình tìm hiểu về gia đình Huỳnh Thủy Lê ở Sa Ðéc, chúng tôi đã gặp được ông Phan Thoại Trọng (68 tuổi, gọi Huỳnh Thủy Lê là chú ruột) và nghe kể khá nhiều về gia đình này.
 
Con nhà giàu
 
Trong một lần gặp nhau ở Chợ Lớn khoảng năm 1929-1930, Huỳnh Thủy Lê có kể sơ về cha mình cho M. Duras nghe. Mãi đến khi M. Duras viết tiểu thuyết tự truyện L’Amant năm 1984 thì bà vẫn còn nhớ như in chi tiết này.
 
Và đó là tất cả những gì bà biết về thân thế, sự nghiệp của gia đình người tình đầu tiên của mình.
 
Bà M. Duras viết trong tự truyện của mình thế này: ông Huỳnh Cẩm Thuận (cha của Huỳnh Thủy Lê) giàu có nổi tiếng ở Chợ Lớn và Sa Ðéc là nhờ nghề xây nhà rồi cho người bản xứ thuê.
 
Ông khởi sự làm ăn ở Chợ Lớn với nghề này. Ban đầu ông cất 300 gian nhà rẻ tiền, sát vách nhau để cho thuê. Ông làm chủ nhiều tuyến phố như vậy. Ông nói tiếng Pháp giọng Paris không được tự nhiên, nhưng bàn về tiền bạc thì rất dễ chịu, thoải mái. Ông từng làm chủ vài dãy nhà cho thuê, nhưng rồi ông bán đi lấy tiền mua đất xây cất ở phía nam Chợ Lớn.
 
Một vài thửa ruộng đất ở Sa Ðéc cũng được bán đi. Năm đó ông Thuận cũng vừa xây dựng một loạt nhà cho thuê, có bao lơn nhìn xuống đường. Huỳnh Thủy Lê cho rằng chúng rẻ hơn những khu nhà chung cư và những căn nhà biệt lập, đáp ứng nhu cầu của cư dân lao động. Con người ở đây thích sống gần gũi, đặc biệt là người nghèo, những người từ vùng quê lên.
 
Cũng theo lời Huỳnh Thủy Lê kể với M. Duras, ông Huỳnh Cẩm Thuận bị nghiện thuốc phiện và suốt nhiều năm liền ông chỉ nằm trên chiếc giường sắt tại căn nhà bên sông Tiền ở Sa Ðéc để hút và điều hành công việc kinh doanh nhà cho thuê, mua bán, xuất khẩu gạo.
 
Ông Phan Thoại Trọng là con ông Huỳnh Thoại Ngọc - anh ruột của Huỳnh Thủy Lê. Mấy chục năm nay ông trông coi chùa Kiến An Cung (còn gọi là chùa ông Quách - một di tích cấp quốc gia), lo hương khói cho ông bà nội mình và vợ chồng ông Huỳnh Thủy Lê bởi con cháu của họ đều sống ở nước ngoài.
 
Ông Trọng kể: ông Huỳnh Cẩm Thuận có một người con gái đầu lòng tên Huỳnh Thị Nả và ba người con trai gồm: Huỳnh Lưu Bỉnh (sinh năm 1899), Huỳnh Thoại Ngọc (sinh năm 1901) và Huỳnh Thủy Lê (sinh năm 1906).
 
Nhưng bà Nả mất sớm khi chưa được 20 tuổi, ông Bỉnh cũng mất trẻ khi chưa có vợ. Cha của ông Trọng là Huỳnh Thoại Ngọc có bốn người con và qua đời từ năm 1948. Do ông Huỳnh Cẩm Thuận chỉ còn lại hai người con trai nên đã sớm chia gia tài ở Sa Ðéc cho con.
 
Ông Huỳnh Thoại Ngọc được chia đất đai ở vùng Tân Phú Trung, huyện Châu Thành, tỉnh Ðồng Tháp bây giờ. Còn Huỳnh Thủy Lê thì được chia khoảng 120 căn nhà phố cho thuê nằm cặp sông Tiền và một số đất đai ở Sa Ðéc.
 
“Căn nhà cổ Huỳnh Thủy Lê xây dựng năm 1895 được công nhận là di tích cấp quốc gia trên đường Nguyễn Huệ, P.2, TP Sa Ðéc hiện nay là nơi ông nội Huỳnh Cẩm Thuận và chú Huỳnh Thủy Lê từng ở” - ông Trọng nói.
 
Còn chùa Kiến An Cung mà ông Trọng trông coi bây giờ được xây dựng từ năm 1924, phần lớn tiền của do ông Huỳnh Cẩm Thuận góp vào.
 
Ông Trọng kể tiếp: “Chú Huỳnh Thủy Lê ngày xưa cũng là người nhân hậu, theo Nho giáo, yêu thương người nghèo và hay góp tiền xây chùa, xây miễu. Trước năm 1975 ở Sa Ðéc có một bệnh viện cạnh bờ sông được chú Huỳnh Thủy Lê xây tặng một dãy phòng để điều trị cho bệnh nhân lao. Nay do sạt lở nên bệnh viện này không còn nữa”.




 M.Duras - Ảnh tư liệu Trường Trưng Vương
Nửa trái tim hạnh phúc
 
Gia đình giàu có, Huỳnh Thủy Lê được cha cho sang Pháp học ngành thương mại để phục vụ công việc kinh doanh sau này. Thế nhưng khi sang Pháp Huỳnh Thủy Lê lo ăn chơi nhiều hơn học nên cuối cùng việc học bị thất bại phải trở về nước.
 
Huỳnh Thủy Lê thú nhận với M. Duras là trong thời gian ở Pháp, với tiền được cha chu cấp rất nhiều, ông đã có tất cả mọi thứ, kể cả phụ nữ.
 
Mặc dù vậy Huỳnh Thủy Lê vẫn còn đam mê việc học khi nói rằng sẽ cố gắng lấy được tấm bằng thương mại bằng cách học hàm thụ tại VN.
 
Năm 1932, sau khi chia tay người tình M. Duras, Huỳnh Thủy Lê về Sa Ðéc cưới vợ theo sự sắp đặt của cha.
 
Theo ông Phan Thoại Trọng, vợ của Huỳnh Thủy Lê là bà Nguyễn Thị Mỹ (nhỏ hơn ông gần 10 tuổi) cũng là người Việt gốc Hoa sinh sống ở vùng Gò Công, tỉnh Tiền Giang bây giờ. Ðây cũng là một gia đình giàu có, môn đăng hộ đối với ông Huỳnh Cẩm Thuận nên hai bên đã hứa hẹn cưới vợ, gả chồng cho con từ 10 năm trước.
 
Dù Huỳnh Thủy Lê yêu M. Duras nhưng văn hóa truyền thống thời đó không cho phép ông làm trái sự sắp đặt của cha nên hai người phải chia tay nhau là đương nhiên.
 
Khi chiếc tàu chở người tình trở về Pháp đã rời xa bến cảng, Huỳnh Thủy Lê cũng trở về Sa Ðéc để chuẩn bị một đám cưới kéo dài ba ngày đêm, là ngày hội của gia đình ông chủ giàu có Huỳnh Cẩm Thuận.
 
Có một sự trùng hợp là đám cưới này phải rước dâu qua chuyến phà Vĩnh Long - Sa Ðéc. Trên chuyến phà đó, tình cờ cô dâu Nguyễn Thị Mỹ cũng bước xuống xe, cũng đến ngay chỗ mà M. Duras từng đứng trong chuyến phà về Sài Gòn cuối năm 1929 để ngắm dòng sông mênh mông. Huỳnh Thủy Lê đau thắt trong lòng. Hình ảnh người tình lại hiện về, càng khiến chú rể tan nát cõi lòng.
 
Lúc này M. Duras vẫn còn lênh đênh trên tàu, trong chuyến hải trình dài một tháng trở về Pháp.
 
Rồi mọi thứ cũng trôi qua. Huỳnh Thủy Lê phải lo làm tròn chức phận của người chồng và lo quán xuyến sản nghiệp của cha giao lại. Chuyện tình của chàng trai giàu có Huỳnh Thủy Lê và cô nữ sinh người Pháp xinh đẹp cũng rơi vào ký ức sau đám cưới linh đình ấy.
 
Theo ông Trọng, đám cưới với bà Nguyễn Thị Mỹ là một thành công rực rỡ với cá nhân Huỳnh Thủy Lê. Có thể nói nửa trái tim ông tan nát khi yêu M. Duras, nhưng nửa trái tim còn lại của ông rất hạnh phúc.
 
Vợ chồng Huỳnh Thủy Lê có năm người con. Con gái đầu lòng là Huỳnh Thị Thủy Tiên (hiện đã hơn 80 tuổi, từng làm lãnh đạo ở Bệnh viện Nhi California, Mỹ), con gái thứ hai Huỳnh Thị Thủy Hà (cũng khoảng 80 tuổi, từng làm giáo sư ÐH Sorbonne, Pháp) và con gái thứ ba Huỳnh Thị Thủy Anh (hiện gần 70 tuổi, con dâu của phó tổng thống chế độ Sài Gòn Trần Văn Hương). Hai người con trai út là Huỳnh Thủy Tuấn và Huỳnh Thủy Tòng (đã hơn 60 tuổi, là kỹ sư sống ở Mỹ).
 
Cũng theo lời ông Trọng, bà Nguyễn Thị Mỹ đã mất năm 2004 ở Mỹ. Năm người con vẫn còn sống, thỉnh thoảng bà Thủy Tiên về nước thăm gia đình, hỗ trợ tiền để tu bổ chùa Kiến An Cung.
 
Khi Huỳnh Thủy Lê qua đời thì bà M. Duras mới 58 tuổi và đang là một nhà văn khá nổi tiếng ở Pháp. Nhưng mãi đến năm 1990 bà mới hay tin người tình đã mất. Thế là bà lại cầm bút viết thêm một kiệt tác nói về Huỳnh Thủy Lê, xuất bản năm 1991.
 
Trong những dòng đầu tiên của cuốn sách, M. Duras viết: “Tôi được biết anh ấy đã qua đời. Ðó là vào tháng 5-1990, cách đây một năm. Tôi chưa bao giờ từng nghĩ đến sự ra đi của anh ấy. Người ta còn nói với tôi rằng anh được an táng tại Sa Ðéc, rằng ngôi nhà màu xanh vẫn còn ở chỗ đó, nơi gia đình và con cái anh cư ngụ. Anh được người ta yêu mến ở Sa Ðéc vì lòng tốt, tính giản dị và cũng bởi anh trở nên rất mộ đạo vào lúc cuối đời”.
 
Theo Tin Tức Miền Tây

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/huynh-thuy-le-mduras-chuyen-tinh-vuot-thoi-gian-ky-3-huynh-thuy-le-la-ai-a811.html