Lạc lõng lăng mộ vua Hiệp Hòa

Huế vốn nỗi tiếng với hệ thống lăng tẩm của các vua chúa triều Nguyễn như hệ thống lăng của vua Tự Đức, Khải Định, Minh Mạng… uy nghi và đồ sộ. Nhưng riêng nơi an nghỉ của vua Hiệp Hoà - ông vua thứ 6 của nhà Nguyễn chỉ là ngôi mộ chỉ nhỏ như bao lăng mộ của người dân khác ở quanh đó.



Ngôi mộ của vua lẳng lặng giữa đồi thông 

Lăng vua giữa đồi thông
 
Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 10km theo hướng Tây Nam, núi Thiên Thai là khu vực có nhiều di tích lịch sử như khu di tích lịch sử cách mạng Chính Hầm, đền Huyền Trân công chúa… Nhưng ít ai biết rằng nơi đây đang tồn tại khu lăng mộ của một trong số mười ba vị vua triều Nguyễn đó là lăng mộ của vua Hiệp Hoà.
 
Con đường dẫn vào lăng vua là một con đường đất đỏ với những hàng thông ở hai bên đường, và tuy có biển chỉ dẫn nhưng cũng khó để phát hiện ra con đường vào khu lăng mộ này.

Tẩm mộ của vua
 
Năm 2013, người dân địa phương cùng với hậu duệ con cháu vua Hiệp Hoà cùng nhau cải tạo và xây dựng lại khu lăng mộ này. Tuy nhiên với số vốn của cá nhân thì việc cải tạo và xây dựng lại chỉ nằm trong một chừng mực nhất định. Nhìn bên ngoài thì khu lăng mộ của vua Hiệp Hoà còn nhỏ hơn cả những ngôi mộ của các hộ dân nằm cạnh đó.
 
Toàn bộ khu lăng mộ có diện tích khoảng 200m2 được xây dựng theo lối kiến trúc cung đình với đầy đủ các hạng mục, tuy nhiên nếu đem so sánh với lăng mộ của các vị vua khác thì những hạng mục này không thể sánh bằng.
 
Dẫn vào khu tẩm mộ là cặp hiển long được tạc bằng đá cẩm thạch với chiều dài khoảng 5m. Ấn tượng lớn nhất ở khu lăng mộ này là cặp trụ biểu được chạm khắc theo hình thức nghệ thuật khảm sành sứ, cao khoảng hơn 10m. Phần tẩm mộ của vua có lẽ đã không được hương khói một thời gian giờ trở nên lạnh lẽo và chỉ còn tàn hương.
 
Tẩm huyệt của vua có diện tích khoảng 20m2, được làm bằng đá có phủ sơn bên ngoài, nhưng hiện nay lớp sơn này đã bị tróc.
 
Đặt ngay trước tẩm mộ là bia đá được làm bằng cẩm thạch với dòng chữ quốc ngữ: Vua Hiệp Hoà tức Nguyễn Phúc Hồng Dật sinh ngày 24/9 năm Đinh Hợi, mất ngày 30/10 năm Quý Mùi. Mặt trước của bia ghi: Phụng vị Đại Nam Hiệp Hoà hoàng đế thuỵ trang cung chi tẩm - có nghĩa là: Tẩm của hoàng đế Hiệp Hoà tên thuỵ là Trang Cung của nước Đại Nam. Mặt sau của bia ghi bài thơ chữ Hán do vua Tự Đức viết, tạm dịch là: “Em ta được mười bốn - Ham học thật ít người - Ngoại trừ Kiến Thụy Công - Nay chỉ còn Văn Lãng”.
 
Theo một người dân sống ở khu vực gần đó cho biết: “Không ai hương khói thường xuyên, chỉ đến ngày giỗ kị của vua thì người dân và con cháu của vua mới đến hương khói”. Và sự thật thì trên khu vực tẩm huyệt của vua cho dù có bát hương nhưng đã nguội lạnh từ lâu, bên cạnh đó những chậu hoa cũng trơ trọi chỉ còn bình không. Lăng của một ông vua mà biết bao người thắc mắc, ngạc nhiên. Nó thật lạ, lạ như chính cuộc đời ông vậy.
 


Tẩm mộ của vua


Phận bạc của ông vua "phế đế”
 
Theo sử cũ ghi lại thì Hiệp Hoà có tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Dật là con thứ 29 của vua Thiệu Trị, Hiệp Hoà là vị vua thứ 6 của nhà Nguyễn. Năm 1879, Hồng Dật được phong làm Lãng Quốc Công. Năm 1883, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết phế bỏ vua Dục Đức rồi đưa Hồng Dật lên ngôi lấy niên hiệu là Hiệp Hoà vào ngày 30/7/1883. Hiệp Hoà là ông vua bị ép lên ngôi, vì lẽ thế nên khi chuẩn bị đưa vào Tử Cấm Thành, Hồng Dật khóc mà nói rằng “Tôi tư chất tầm thường, không giám nhận ngôi vua”. 
 
Sau này, do chống đối với đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết nên vua Hiệp Hoà bị ép uống thuốc độc mà chết. Vua Hiệp Hòa làm vua được hơn 4 tháng, sử gọi là Phế Đế.
 
Do là phế đế nên hiện nay vua Hiệp Hoà không được thờ trong Thế Miếu. Ông được an táng tại núi Thiên Thai (phường An Tây - thành phố Huế). Hiện nay Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế vẫn chưa đưa lăng vua Hiệp Hoà vào các di tích thuộc quần thể di tích cho nên khách du lịch đến với Huế vẫn không biết đến sự tôn tại của vua Hiệp Hoà và lăng mộ của vị vua phận bạc này.
 
Tiếng chuông từ tháp chuông Hoà Bình từ đền Huyền Trân Công Chúa lại vang lên, tiếng chuông nguyện cầu cho thế giới được bình yên, vĩnh hằng. Thế nhưng cạnh đó, một ông vua đã rơi vào sự lãng quên của lịch sử khi mà cuộc sống này chỉ quen với những hào nhoáng, bon chen, dậm dật, người đời chỉ nhớ và biết đến những đền đài lăng tẩm nguy nga tráng lệ.
 
Duy Trương

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/lac-long-lang-mo-vua-hiep-hoa-a8092.html