Họa sĩ Trung Nghĩa đốt cháy Giấc mơ cao nguyên

Triển lãm Giấc mơ cao nguyên được mở ra như một lời tri ân của Trung Nghĩa với núi rừng Tây Nguyên. 2 năm miệt mài bên giá vẽ, ngọn lửa, khói màu, diêm sinh, … để ra được gần 20 tác phẩm tâm huyết như đốt cháy hết tâm can Trung Nghĩa. Nhìn những đôi mắt như níu kéo, như bất lực của những con vật quý giá núi rừng Tây Nguyên đang đứng bên bờ tuyệt chủng khiến cho người xem vừa sửng sốt, day dứt và cũng vừa cảm ơn tâm tư của tác giả đã kéo hồi chuông thức tỉnh…


 
Duyên nợ với núi rừng

Trước đây, mọi người biết đến Trung Nghĩa là một nhạc sĩ, có một khoảng thời gian lặn lội khá lâu trong nghề viết. Tuy nhiên, anh đã dùng kĩ năng viết để chiều chuộng thị hiếu người nghe nên như anh nói “tác phẩm thường mờ nhạt và kém sắc thái riêng”. Đó cũng là lí do Trung Nghĩa đột ngột dừng lại, cho phép mình suy ngẫm, hoàn thiện về nội tại bản thân, trước khi quyết định có tiếp tục cống hiến những tác phẩm âm nhạc mới hay không.

Sau rất nhiều những khoảng thời gian vô định, trăn trở với chính bản thân, anh quyết cho mình cơ hội dù muộn màng để tìm lại, xây dựng những giấc mơ đã bỏ quên từ lâu. Đó là giấc mơ anh suýt đánh mất giữa bộn bề đời sống.

"Giấc mơ cao nguyên", triển lãm đầu tiên của Trung Nghĩa cùng nhóm GuiHANGtar, ấy là giấc mơ của đại ngàn hùng vĩ, nơi con người và muông thú cùng sống hoà hợp, ấy cũng là vùng kí ức thuở nhỏ, tuổi thơ anh đã bỏ quên.

Anh tâm sự: “Thị thành đông đúc, chật hẹp, bon chen, cám dỗ khiến tôi loá mắt chạy theo, đánh mất đi những điều mà tôi "thuộc về", mà tôi "là", tôi cố sống giống, và trở nên người thành thị. Bỏ quên câu chuyện rừng xanh, câu chuyện tuổi thơ tôi...”

 

Đốt cháy để yêu Cao nguyên

Anh cho rằng việc vẽ tranh bằng khói, lửa... có lẽ không lạ đối với nhiều người. Anh viện dẫn một câu nói nổi tiếng: "Không có gì mới dưới mặt trời này" như là một sự khẳng định. Cái "lạ" ở tâm thế người nhìn, mục đích sử dụng vật liệu và hướng tìm kiếm của người nghệ sĩ. Trung Nghĩa dùng khói lửa như cách anh vẫn nghịch chúng từ nhỏ, như bao đứa trẻ tinh nghịch tò mò khác. Những kinh nghiệm quan sát từ bé đã ăn sâu vào anh, vì vậy, với cây đèn dầu, một con dao nhỏ cũng có thể vẽ nên một con vọoc chà vá... 

Khói, lửa, diêm sinh vốn là những khai phá quan trọng từ ban sơ, khiến nhân loại trở nên văn minh. Rồi chúng lại thường được dùng để đốt phá, chiến tranh, huỷ diệt đại ngàn và muông thú. “Tôi muốn dùng chúng để tạo ra cái đẹp, tạo ra những hình dạng chim muông, tạo nên những tiếng thét vô thanh. Gợi những cảm xúc để người ta biết yêu và trân quý hơn những gì họ đang có trên hành tinh này. Đưa lửa, khói, diêm sinh về với những mục đích đẹp. Tôi chọn một cách khắc hoạ rõ ràng nhất bằng ngôn ngữ hội hoạ…”

Độc nhất và duy nhất

Một bức tranh ấy là kết quả từ khoảnh khắc giao hoà của khói, lửa, vệt nổ... Nó là duy nhất, ngay cả anh cũng không vẽ lại được giống hệt. “Bạn có bao giờ thấy hai vệt khói giống nhau bao giờ chưa? Tôi đã quan sát, chúng là duy nhất trong khoảnh khắc đó, việc của tôi là gắng lưu chúng lại trong một hình thể bằng hết mức có thể!”
 
Vân Anh

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/hoa-si-trung-nghia-dot-chay-giac-mo-cao-nguyen-a8091.html