Nhạc sĩ của đời thường*

Nhạc sĩ Minh Phương là nhạc sĩ thuộc thế hệ 3X. Đây là một thế hệ nhạc sĩ khá đặc biệt của nền tân nhạc Việt Nam. Nó đặc biệt ở chỗ khi cách mạng Tháng Tám thành công, họ mới ở độ tuổi 10 hoặc 15. Bởi vậy, tư duy sáng tạo của thế hệ 3 X trọn vẹn là tư duy sáng tạo văn nghệ Cách mạng.

Những sáng tác đầu tay của họ đều xuất hiện vào cuối thời kỳ chống Pháp và bật sáng trong toàn bộ thời kỳ chống Mỹ. Ở thời kỳ chống Mỹ, họ là thế hệ chủ lực góp phần quan trọng cho thắng lợi của cách mạng. Có thể kể ra biết bao nhiêu tên tuổi của thế hệ này như Hoàng Vân, Phạm Tuyên, Tân Huyền, Chu Minh, Doãn Nho, Hồng Đăng, Văn Dung… Trong số đó, có nhạc sĩ Minh Phương. Nếu tính các nhạc sĩ đồng niên sinh năm 1931 thì Minh Phương cùng tuổi với Tân Huyền, Chu Minh, Trọng Bằng… Có lẽ do cái gốc gác Bình Định nên giai điệu Minh Phương rất thấm đẫm dân ca của xứ sở dừa xanh miền Trung như câu hát của Hoàng Nguyễn “Dừa xanh xanh Bình Định…”
 
 
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha trình bày tham luận tại Hội thảo khoa học "Nhạc sĩ, Nhà viết kịch Trương Minh Phương
 
Bây giờ có dịp nhìn lại toàn bộ những sáng tác của Minh Phương, thấy cá tính sáng tạo ấy thật nổi trội trong ông. Sáng tác ca khúc của ông có thể chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu từ 1955 đến 1964, đấy là khi ông tập kết ra Hà Nội và tu nghiệp sáng tác tại trường Âm nhạc Việt Nam, rồi sau đó về công tác ở ty Văn hoá Quảng Bình.  Sáng tác đầu tiên Minh Phương để lại ấn tượng trong anh em làng nhạc và trong nhân dân đời thường là ca khúc “Đắp lại đường xưa”. Trong kháng chiến chống Pháp, ta đã phải phá bao con đường chặn bước quân thù. Bài thơ “Phá đường” là bài thơ nổi tiếng ngày đó của Tố Hữu đã được Phạm Đình Sáu phổ nhạc hát nhiều ở Việt Bắc. Sau kháng chiến, chúng ta đắp lại đường xưa. Và “Đắp lại đường xưa” của Minh Phương đã ra đời ngay lúc ấy, năm 1955. Một nét hò lao động vùng Trung bộ đã được sử dụng để mở đầu: “Hò lên đi ơi anh em ơi!”. Ca khúc đồng hành với “Hò đắp đường thống nhất” của Nguyễn Xuân Khoát với chất liệu hò Bắc Bộ, như cùng nói lên một ý tưởng lớn về khát vọng hoà bình, thống nhất của dân tộc Việt Nam.
 
Đậm đặc âm hưởng dân ca hơn ở ca khúc Minh Phương là ca khúc “Sông nước quê hương” viết năm 1957. Thật khoẻ khoắn, thật dân dã, Minh Phương đưa câu hò lao động miền biển xứ sở vào rất hồn nhiên: Lỳ hò la! Va hố là! Ơ chèo đi theo trống hò…” Đặc sắc nhất là khi tác giả cho xuất hiện nốt si bình trong điệu thức Rê thứ (hoá biểu có Si giáng): “Nước xanh khua mái chèo, cánh tay giữ lái đều…” thì cả điệu hò như vút lên con thuyền vươn sóng trên sông nước quê hương.
 
Ở “Bài ca tháng Tám” Minh Phương cũng bắt đầu bằng câu hò trước khi vào tốp nữ. Một cá tính sáng tạo chỉ viết về đời thường, viết cho đời thường, không gợn chút riêng tư nào đã dần hình thành trong Minh Phương. Là một nhạc sĩ được tu nghiệp chính quy, Minh Phương không lạ lẫm gì với các thủ pháp âm nhạc, song ông muốn nói lên tiếng nói giản dị của đời thường dễ nghe, dễ hiểu. Đó là con đường ông đã chọn cho sự nghiệp của mình.
 
Giai đoạn sáng tạo thứ hai của Minh Phương là giai đoạn từ khi đất nước thống nhất cho đến khi ông không còn viết được nữa. Ở đây, thấy một Minh Phương đã nhuần nhuyễn hơn trong việc kết hợp những âm hưởng dân ca với những tiết nhịp nhạc nhẹ mang hơi thở thời đại. Nếu trước ngày thống nhất, hát về Đà Lạt người ta hay hát những sáng tác theo điệu Bolero của Hoàng Nguyên, của Minh Kỳ hay theo hẳn chất nhạc Phạm Duy, thì sau ngày thống nhất, vệt ca khúc viết về xứ sở mộng mơ của Minh Phương đã góp vào bộ sưu tập âm nhạc của Đà Lạt những cung bậc ngẫm nghĩ sâu lắng hơn: “Anh trở về mang nỗi nhớ khôn nguôi. Nhớ đường quanh quanh qua đồi qua núi. Trong nắng chiều nhẹ nhàng thông thầm gọi. Xao xuyến bồi hồi Đà Lạt ơi…”
 
Thật lạ, khi viết kêu gọi đồng bào đừng đốt rừng du canh, du cư, Minh Phương lại tạo ra một ca khúc hết sức trữ tình mang tính ẩn dụ cao mang tên: “Chim én bay xa”. Đấy là lời trách nhẹ nhàng của chim én khi không còn rừng để làm tổ. Và để âm nhạc thốt lên đúng lời như thế, Minh Phương đã chọn cách phát triển bằng nhịp khi vẫn giữ nguyên giai điệu từ âm hình chủ đạo. Đấy là môt sáng tạo tinh tế: “Chim én bay đi xa và mang theo nước mắt cô gái trồng rừng trong nỗi thương đau”.
 
Thêm một đặc điểm nữa về thế hệ 3 X là càng nhiều tuổi họ càng sâu lắng và tha thiết trong hơi thở rất trẻ. Bẩy mươi tuổi, ở tuổi “nhân sinh thất thập cổ lai hy” Minh Phương lại quá dịu dàng và thanh xuân trong “Mưa biển”. Ông chơi biến phách ngay từ tiết nhạc đầu: “Cơn mưa từ đâu đến. Mưa làm ướt mi em. Cơn mưa từ đâu đến. Ướt trái tim em rồi…” Cũng rất phơi phới, trẻ trung khi viết về quê hương Bình Định: “Tôi yêu Bình Định quê tôi. Biển khơi trải rộng chân trời. Tôi yêu Bình Định quê tôi. Dừa xanh vút cao tiếng hát…” Cũng trẻ trung như thế khi ông viết về Huế: “Sao anh chưa về thăm thành phố Huế. Sao anh chưa về thăm núi Ngự sông Hương…”
 
Minh Phương là nhạc sĩ của đời thường. Giữa những quan niệm hàn lâm cho rằng âm nhạc phải cao sang, rằng âm nhạc chỉ để ca ngợi tình  yêu đôi lứa, có những nhạc sĩ lại chọn con đường đến với đời thường cần lao. Chẳng nhẽ họ không xứng đáng có giai điệu của mình hay sao? Một cô gái ngân hàng. Một chàng trai dầu khí. Một người lính biên phòng. Họ cần tiếng hát như sự sống không thể thiếu ánh mặt trời. Bởi thế, suốt đời mình, Minh Phương đã tâm nguyện như thế, đã sáng tạo như thế. Khước từ sự nổi tiếng bằng truyền thông, bằng tung hô ồn ào, Minh Phương cứ thế trong trẻo ào ra cảm xúc của mình trên các nẻo đường Tổ quốc. Vừa nghe ông ở Đà Lạt, đã thấy ông ra Vũng Tàu. Cứ ngỡ ông đang ở Huế, đã thấy ông trong chiều An Giang. Để lại một sự nghiệp âm nhạc khiêm nhường với hơn một trăm ca khúc, hợp xướng và ca cảnh, nhạc sĩ của đời thường Minh Phương thật đáng được trân trọng như một người lặng lẽ lao động, lặng lẽ dâng hiến. Vài dòng viết về ông cũng là chia sẻ chân thành của kẻ hậu sinh này, chia sẻ không ngại ngần. 

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha 
----------------------------
* Tham luận tại Hội thảo khoa học "Nhạc sĩ, Nhà viết kịch Trương Minh Phương 

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nhac-si-cua-doi-thuong-a8090.html