Bình Thuận: Bảo tồn văn hóa miền biển Kê Gà

Kê Gà, địa danh quen thuộc với rất nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến với Bình Thuận.

Kê Gà là vùng đất còn gìn giữ khá đậm nét văn hóa miền biển cuối dải đất miền Trung. Ở đây, thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước đã bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp từ lâu đời, góp phần nâng cao ý thức về chủ quyền biển đảo, làm phong phú thêm loại hình du lịch biển đảo ở Bình Thuận. 

Kê Gà, địa danh quen thuộc với rất nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến với Bình Thuận. Ngọn hải đăng hơn trăm tuổi đứng sừng sững trước biển cả tạo dấu ấn đặc biệt cho vùng biển phía Nam tỉnh Bình Thuận. Nhưng ít ai biết bên trong đất liền đối diện đảo Kê Gà có một làng chài già tuổi hơn cả ngọn hải đăng. Dinh vạn thờ cá Ông được xây dựng từ năm 1890 tồn tại cho đến ngày nay cho thấy văn hóa truyền thống vẫn được bảo tồn trên vùng biển này.
 
 
Hải đăng Kê Gà được người Pháp xây dựng từ năm 1897 và hoàn thành năm 1899
 
Ông Lâm Hòa Hoàng, 64 tuổi, ngư dân địa phương cho biết: "Trước kia ở đây có một cái khe, gà rừng xuống ở nhiều lắm. Ông bà xưa về khai thiên lập địa ở đây mới đặt tên là Khe Gà. Khe có gà gọi là Khe Gà. Sau này đọc lại là Kê Gà. Dinh vạn thờ cá Ông mấy cụ xưa đặt là Văn Phong. Phong nghĩa là gió. Sóng gió, bà con van vái đi biển bình an; nên mấy ông đặt là Văn Phong".
 
Cụ ông Lê Văn Hào, 87 tuổi, nguyên vạn trưởng Vạn Văn Phong cho biết: "Năm 1972 chiến tranh khá ác liệt, vùng này mất an ninh. Bà con phải dời về vùng biển Tân Hải (La Gi) để sinh sống. Ngôi vạn cũ bị bom đạn phá hủy hoàn toàn. Sau Giải phóng, bà con trở về nơi ở cũ và tiến hành khôi phục lại ngôi dinh vạn như ngày trước".
 
 
Vạn Văn Phong, làng chài Kê Gà, xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam.
 
"Lúc về đây, bị san bằng hết rồi, chúng tôi mới kiếm tôn che lại vạn để thắp nhang. Từ từ mới đi cắt tranh, đi chặt cây làm dinh vạn lại bằng lá bằng tranh. Rồi nhờ chính quyền cho mở rộng ra xây cất" - cụ ông Lê Văn Hào cho biết thêm.
 
Tập tục thờ cá Ông (tức là cá Voi) khá phổ biến ở vùng biển Bình Thuận cũng như duyên hải miền Trung. Ngư dân làng chài này rất tin tưởng vào sự linh ứng giúp đỡ của cá Ông. Nhiều câu chuyện ly kỳ về sự linh ứng ấy vẫn còn lưu truyền cho đến ngày nay. Trong đó, chuyện kể về hai cha con ông lão ngư phủ đi đánh cá, gặp sóng lớn, ông lão may mắn được cá Ông cứu giúp đưa vào bờ đá rất phổ biến.  
 
Trước sự linh thiêng của ngôi lăng vạn, năm 1924, vua Khải Định triều Nguyễn đã ban cho vạn Văn Phong sắc phong ghi nhớ công lao phù trợ của thần Nam Hải (cá Ông) đối với nhân dân trong vùng. Sắc phong được dân làng giữ gìn cẩn thận. Thời điểm chiến tranh ác liệt, các bô lão phải mang sắc đi gửi ở địa phương khác. Gần đây, sắc đã được đưa về bảo quản trong vạn, phát huy giá trị lớn lao về lịch sử và văn hóa.
 
Làng chài Kê Gà hiện vẫn giữ phong tục mỗi năm cúng hai lễ lớn: Cầu ngư 20/1 Âm lịch và Giỗ Bà ngày 16/4 Âm lịch. Qua ngày hội, người lao động biển có dịp gắn bó đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm làm nghề, tương thân tương ái trong mọi hoàn cảnh.
 
 
Các bô lão làng chài Kê Gà đọc lại sắc phong trong các dịp tế lễ



Sắc phong ghi ơn thần cá Ông phù trợ dân làng khi gặp hoạn nạn trên biển
 
Ông Diệp Minh Hùng, vạn trưởng vạn Văn Phong, làng chài Kê Gà cho biết: "Bà con ở đây theo tập tục hồi xưa của cha ông, cứ đến lệ thờ cúng y như vậy để cho con cháu bắt chước noi theo giữ gìn văn hóa truyền thống. Vạn cũng là nơi đoàn kết anh em chài lưới. Khi anh em nào đó bị tai nạn, thì mình có hội để tương thân tương trợ, giúp đỡ anh em".
 
Nhà nước đang đẩy mạnh chủ trương phát triển kinh tế biển, khuyến khích ngư dân giữ gìn chủ quyền biển đảo. Do vậy, cùng với nỗ lực vươn khơi bám biển, việc bảo tồn văn hóa truyền thống ở làng chài Kê Gà rất đáng trân trọng. Đây cũng chính là điểm nhấn cùng với hải đăng Kê Gà làm phong phú thêm loại hình du lịch biển đảo ở địa phương.

Theo VOV.VN

Việt Quốc

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/binh-thuan-bao-ton-van-hoa-mien-bien-ke-ga-a8066.html