Phận người sau những tiếng rao...

Hàng ngày đi qua ngõ, nghe đâu đó bao nhiêu là tiếng rao mời chào mua bán nhưng tiếng rao thảng giật, khô khốc của những người khiếm thị bán chổi đót cứ ám ảnh lòng tôi nỗi day dứt phận kiếp con người trong cuộc mưu sinh vất vả...



Ảnh minh họa

“Giàu hai con mắt…”. Tạo hóa đã vô tình ngoảnh mặt nhưng họ vẫn phải sống, phải đối diện với cuộc sống bộn bề những lo toan thường nhật. Vẫn phải nhọc nhằn kiếm miếng cơm manh áo cho bản thân, gia đình. Vẫn phải…

“Chổi… hông”. âm thanh cất lên từ những người đàn ông đủ mọi độ tuổi, trang phục nhàu nhĩ, mũ vải rộng vành bạc màu sùm sụp, tay ôm vòng bó chổi, tay kia huơ chiếc gậy dò từng bước men theo con phố, ngang qua những cung đường nhòa trong sự sôi động, tấp nập và ồn ào của phố. Chẳng biết sao, trong tiếng rao, tôi nghe cả tiếng một kiếp người lao khổ, nhẫn nại và cam chịu, dấy lên trong tôi nỗi đau bất hạnh, sự đồng cảm đến nao lòng! Hình ảnh người khiếm thị không mong ánh sáng tương lai đời mình, họa may, bước nhọc nhằn mưu sinh mặn chát mồ hôi, lầm cát bụi, quạnh khô nước mắt chỉ dám mong miếng cơm đắp đổi, có phần cho con dại, mẹ già qua ngày dài tháng rộng. Mong kiếm được tấm áo tinh tươm, ấm áp che chắn gió đông, đôi dép lặn lành cho con đến trường tìm cái chữ mong mai sau được đổi đời...

Bất giác tôi nghĩ về những vòng tay nhân ái. Nhiều lắm, ở mọi nơi không chỉ trên đất nước này nhưng làm sao ôm nổi hết từng mảnh đời khiếm khuyết. Rồi tôi nghĩ về những kẻ sống xa hoa phung phí, ăn chơi thác loạn vung tiền không cần đếm, nếu biết động lòng nghĩ về đồng loại hẳn sẽ dừng tay?! Không có mất mát, khuyết tật bản thân nào bởi chủ định, thì mỗi vòng tay thân ái chìa ra với họ đều không hề uổng phí. Dẫu biết niềm vui, hạnh phúc cũng vô cùng nhưng giữa đời thường sao ta nỡ quay lưng với từng mảnh nhỏ hạnh phúc rải rơi, vất vưởng để lòng ấm thêm. chợt nhớ đến câu ca dao: “Bầu ơi thương lấy bí cùng…”!

Ngày dần tắt, họ lần dò về tổ ấm. Phần nhiều là khu nhà trọ anh em cùng cảnh ngộ. Họ đoán định thời gian qua những giác quan còn lại để biết đã vãn người mua, và cả kịp ngồi bên nhau bữa cơm cuối ngày. Tôi hình dung, sau một ngày dài mệt nhọc, mòn vẹt đôi chân lê khắp nẻo phố phường, khản đặc tiếng rao như rã từ tâm khảm kia hẳn đôi lúc cũng có tiếng nói cười khi lần giở túi đếm đồng tiền còm mà mừng vui ngày kiếm được hay cất tiếng thở dài rồi tay mình xoa chân mình mà cúi mặt hay dõi vào xa xăm bóng tối mịt mùng.

Tôi chỉ mua chổi của những người khiếm thị gặp đâu đó tiện đường về và không hề mặc cả, họ cũng chẳng thách giá bao giờ. Có thể lòng tự trọng nghề đã dạy họ chữ tín cho khách hàng yên tâm còn truyền bảo nhau. Mỗi lần như thế, tôi đều nhận được từ họ lời cảm ơn, nét mặt vui mừng chừng như không kìm nén được mà lẽ ra người cảm ơn phải là tôi bởi mẹ cha, tạo hóa dành cho mình sự lành lặn, vẹn toàn. Tôi còn phải cảm ơn họ vì đã cho tôi bài học sống động vượt qua khó khăn để sống ý nghĩa hơn! Tôi hằng mong, sự hy sinh của họ không hề uổng, bởi từ những đồng tiền còm thấm đẫm mồ hôi ấy, các con họ sẽ lớn lên làm người có ích, đem lại ánh sáng cho cuộc đời cha mẹ...

(Theo Gia Lai Online) 

Nguyễn Đình Phê

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/phan-nguoi-sau-nhung-tieng-rao-a8049.html