20/01/2015 15:48
20/01/2015 15:48
Huỳnh Thủy Lê - M.Duras: Chuyện tình vượt thời gian - Kỳ 2: Mối tình sét đánh trên phà
Sẽ không ai biết nếu Marguerite Duras không kể lại mối tình đầu của mình trên chuyến phà từ Sa Đéc qua Vĩnh Long cuối năm 1929. Một mối tình lãng mạn và cũng đầy trái ngang.
Chuyến phà qua sông Tiền - nơi nảy sinh tình yêu giữa Huỳnh Thủy Lê và M. Duras - được tái hiện trong phim Người tình - Ảnh tư liệu
Mối tình ấy được kể lại một cách chân thật trong tiểu thuyết tự truyện L’Amant (Người tình) được Nhà xuất bản Les Éditions de Minuit xuất bản năm 1984 và ngay lập tức 2,4 triệu quyển được bán sạch.
Chuyến phà định mệnh
Trong tự truyện của mình, M. Duras kể lại chuyến phà qua sông Cửu Long vào cuối năm 1929, khi ấy bà mới mười lăm tuổi rưỡi. Bà được mẹ là giáo sư Marie Donnadieu (hiệu trưởng Trường nữ tiểu học Sa Đéc) gửi đi học nội trú tại Sài Gòn vì bà chỉ muốn con mình học trung học và có tấm bằng kha khá về toán.
Cuối kỳ nghỉ hè, M. Duras được mẹ đưa ra bến xe đò liên tỉnh tại Sa Đéc để trở về Sài Gòn. Bà dặn dò tài xế trông nom giùm con gái để phòng tai nạn, hỏa hoạn, cướp bóc, hãm hiếp... M. Duras được ngồi hàng ghế đầu, cạnh tài xế.
Khi xe xuống phà để vượt qua sông Cửu Long thì M. Duras bước khỏi xe đến cạnh lan can phà để ngắm dòng sông rộng lớn và hoang dã. Trên phà có một chiếc Limousine to màu đen có tên là Morris Léon-Bollée. Người tài xế mặc sắc phục trắng.
Người chủ ngồi phía sau, có rèm ngăn giữa họ. Chiếc xe đẳng cấp này chỉ dành cho người giàu. M. Duras gọi đó là “chiếc xe tang lớn trong những quyển sách của tôi”, bởi lẽ ngay trên chuyến phà này bà đã ngồi vào chiếc xe ấy sau khi được một thanh niên làm quen.
Chàng trai ấy tên là Huỳnh Thủy Lê, con của một thương gia giàu có ở Sa Đéc, cũng là nơi mẹ bà đang dạy học. Họ đã yêu nhau trên chuyến phà này. Đó là mối tình đầu của cô gái trẻ, rất xinh đẹp sau này trở thành nhà văn nổi tiếng ở Pháp.
Hai người không cùng màu da, nhưng làm quen nhau chóng vánh. Huỳnh Thủy Lê nói mình vừa học ở Pháp trở về và nói chuyện với cô gái bằng tiếng Pháp. Sau khi nghe M. Duras nói mình là con của bà hiệu trưởng Trường nữ tiểu học Sa Đéc thì Huỳnh Thủy Lê bảo có biết bà Marie Donnadieu.
Nhà ông ở cạnh con sông, cách nơi bà hiệu trưởng làm việc không xa. Rồi Huỳnh Thủy Lê hỏi về những rủi ro mà gia đình bà giáo gặp phải khi đến Campuchia khai hoang, lập đồn điền trước đó. Đến lúc này M. Duras cảm thấy chàng trai lịch lãm đứng bên cạnh không còn xa lạ nữa. M. Duras nhận lời mời đi cùng xe với Huỳnh Thủy Lê về Sài Gòn và được người tài xế chuyển hành lý từ chiếc xe cũ kỹ qua chiếc Limousine màu đen sang trọng.
Cô có cảm giác bất an, nguy hiểm sau khi ngồi vào xe và đóng cửa lại. Nhưng mặt khác cô lại cảm thấy hạnh phúc khi tưởng tượng trong những ngày sắp tới sẽ được đưa đón đi học bằng chiếc xe này, sẽ từ bỏ những chuyến xe đò cũ kỹ lẫn cái “khủng khiếp” của gia đình mình ở Sa Đéc.
Tình cảm của họ đã nảy nở ngay trên chuyến phà định mệnh ấy. Và vào ngày thứ năm, Huỳnh Thủy Lê chính thức nói lời yêu cô gái trẻ hơn mình tám tuổi tại Sài Gòn. M. Duras không nói gì, cũng không từ chối. Và cũng hôm đó M. Duras đã “nếm trái cấm” lần đầu tiên với người tình Huỳnh Thủy Lê.
Gia đình bà hiệu trưởng Marie Donnadieu. Cô bé trong ảnh chính là M. Duras - Ảnh tư liệu
Chia lìa
Nhiều người đọc L’Amant đã rất bất ngờ với M. Duras khi cô nói với Huỳnh Thủy Lê rằng cô đến với anh vì sự giàu có của anh. M. Duras viết: “Chàng nói chàng tội nghiệp cho tôi, nhưng tôi nói không, tôi không đáng được tội nghiệp, không ai đáng được tội nghiệp cả, trừ mẹ tôi.
Chàng hỏi: “Em đến đây là vì anh giàu có phải không?”. Tôi nói đó là lý do tại sao em ham muốn chàng. Vì thế tôi sẽ không nói được là tôi sẽ làm gì nếu như chàng khác đi”.
Vào thời điểm đó, những gì cô gái trẻ này suy nghĩ và hành động là sự thật đáng được trân trọng. Cô nói thật về gia đình nghèo khổ của mình, về người anh cả hay ăn cắp tiền để hút xách và cả chuyện yêu vì tiền. Cô không nói dối để đánh lừa chàng trai giàu có nhằm bòn rút tiền của anh.
Huỳnh Thủy Lê cũng chẳng hơn gì ngoài sự giàu có của gia đình. Anh từng gặp người anh cả của cô ở một nơi hút thuốc phiện lụp xụp tại Sa Đéc và được cha cho sang Pháp học ngành thương mại.
Nhưng cuối cùng anh cũng chẳng được tích sự gì nên bị cha ngưng cung cấp tiền bạc, chỉ gửi cho cái vé tàu để về nước. Cha anh thì nghiện hút, suốt 10 năm trời nằm trên chiếc giường sắt để điều hành việc kinh doanh.
Thế nhưng điều làm cho cô gái trẻ M. Duras cảm thấy xấu hổ với người tình nhất là trong những lần đi ăn, dù được mời ăn những món ngon nhất, đắt tiền nhất nhưng không một ai trong gia đình cô nói lời cảm ơn.
Hai người anh thì ăn ngấu nghiến, xong thì nằng nặc đòi đi khiêu vũ và uống rượu. Huỳnh Thủy Lê không hài lòng nhưng cũng phải chiều vì muốn bà giáo chấp nhận tình cảm của anh với con gái bà.
Rồi bà Marie Donnadieu cũng biết con gái mình không còn trong trắng nữa. Bà chì chiết con: “Ở đây ai cũng biết chuyện cả rồi. Ở đây con không thể lấy chồng được nữa, vào lúc này. Có phải vì tiền mà con gặp anh ta không?”.
M. Duras do dự một chút rồi thừa nhận: “Vâng, chuyện đó chỉ vì tiền”. Sau khi M. Duras tốt nghiệp trung học ở Sài Gòn năm 1931, bà Marie Donnadieu đã quyết định đưa các con về Pháp.
Thế nhưng lý do chính mà Huỳnh Thủy Lê và M. Duras buộc phải chia lìa nhau chính là việc 10 năm trước ông Huỳnh Cẩm Thuận đã hứa cưới con gái của một người Hoa giàu có khác ở Tiền Giang cho Huỳnh Thủy Lê. Ông không chấp nhận cưới một đứa con gái ngoại quốc không còn trong trắng cho con trai mình.
Khi tình cảm của hai người trở nên sâu sắc hơn thì Huỳnh Thủy Lê nhiều lần mời bà Marie Donnadieu và hai anh trai của người tình lên Sài Gòn chơi.
Khi M. Duras biết chuyện này, cô không trách mà vẫn yêu Huỳnh Thủy Lê. Cô vẫn gặp anh hằng ngày ở Chợ Lớn, nhưng chủ yếu là ở bên nhau, im lặng và khóc đến kiệt sức.
Khi trả lời tuần báo Pháp Le Nouvel Observateur về tiểu thuyết L’Amant, M. Duras nói: “Tôi không thể giải thích được rõ rệt tại sao, chỉ cảm thấy nơi chốn chào đời ấy, với tuổi nhỏ và tuổi trẻ của tôi ở đó, càng về cuối đời càng trở thành hiện tại sáng rỡ trong tôi. Như đó là bản mệnh tôi, như chính phần đời xa thẳm ấy tạo ra tất cả những phần đời của tôi sau nó. Và điều lạ lùng, cuốn sách này còn như một chiếu sáng, một cắt nghĩa cho tất cả những cuốn sách tôi viết ra”.
Rồi khi cô lên tàu của Hãng Messageries Martimes ở Sài Gòn để trở về Pháp, chiếc Limousine màu đen cũng có mặt. Cô nhìn thấy người tài xế mặc áo trắng giống như hôm gặp trên bến phà Vĩnh Long - Sa Đéc, thấy Huỳnh Thủy Lê ngồi phía sau. Rồi chiếc tàu lùi xa ra phía biển.
“Nàng biết chàng đang nhìn nàng. Nàng cũng đang nhìn chàng. Nàng không thể nhìn thấy chàng nữa, nhưng nàng vẫn nhìn về phía hình dáng chiếc xe đen. Rồi sau cùng nàng không nhìn thấy nó nữa. Rồi bến cảng nhòa đi, rồi đến đất liền” - M. Duras viết.
M. Duras kể sau chiến tranh nhiều năm (tức sau năm 1954), vợ chồng Huỳnh Thủy Lê đến Paris và có gọi điện cho bà. Lúc đó M. Duras đã trải qua vài đời chồng, vài lần ly dị và đã viết sách.
Đoạn cuối cùng trong tiểu thuyết L’Amant, M. Duras nhắc lại câu nói của Huỳnh Thủy Lê khi gọi điện cho mình ngay tại Paris tráng lệ. Tình cảm của người tình Sa Đéc đã khiến bà xúc động.
Và tất cả những người đọc tiểu thuyết này phải rơi lệ và ngưỡng mộ tình yêu của họ. “Rồi chàng nói với nàng. Nói với nàng rằng cũng như trước kia, chàng vẫn yêu thương nàng, chàng không thể ngừng yêu thương nàng cho được. Không bao giờ chàng có thể ngừng yêu thương nàng, chàng yêu thương nàng cho đến chết”.
Theo Tin Tức Miền Tây
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/huynh-thuy-le-mduras-chuyen-tinh-vuot-thoi-gian-ky-2-moi-tinh-set-danh-tren-pha-a804.html