Ca khúc Trương Minh Phương –Tiếng nói tinh tế về tình yêu và trách nhiệm

Trong di sản văn hóa mà nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương để lại, có 128 ca khúc. Riêng trên lĩnh vực này, Trương Minh Phương đã có cống hiến đáng trân trọng cho nền âm nhạc nước nhà.


Nhìn tổng quát, ca khúc của Trương Minh Phương là tiếng nói ngợi ca Tổ quốc, ngợi ca sự hi sinh của nhân dân, đồng đội cho độc lập, tự do, ngợi ca, cổ vũ công cuộc xây dựng đất nước và ngợi ca tình yêu, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với cuộc sống. Tiếng nói ngợi ca và tinh thần trách nhiệm ấy được thể hiện bằng nghệ thuật âm nhạc với những ca khúc xinh xắn, tinh tế, thắm đượm tình người.

Các ca khúc của Trương Minh Phương bao quát một hiện thực khá rộng: thiên nhiên, xã hội, con người, trên nhiều vùng miền, nhiều lĩnh vực của đất nước. Là người hoạt động văn hóa, tham gia cách mạng từ thủa thiếu thời, Trương Minh Phương đi nhiều, trải nhiều và hiểu nhiều. Hơn nữa, ông hòa mình vào những vùng, miền, những con người ấy, do vậy, những ca khúc được ông sáng tác một cách tự nhiên, hồn hậu, như là một sự tri ân cho cuộc sống.
 
Trương Minh Phương dành khá nhiều xúc cảm cho chủ đề về rừng: Rừng xanh quê em, Chiều Trường Sơn, Người Cơ Ho xuống núi, Hát về rừng, Đêm rừng già, Ngày hội rừng xanh, Nhớ rừng, Lời ru của rừng, Tôi là con của rừng, Ta càng yêu rừng xanh, Lý Trường Sơn… Vì sao vậy? Vì đất nước ta, rừng bao phủ từ Bắc đến Nam. Rừng gắn bó với dân tộc này. Trong kháng chiến, “rừng che bộ đội, rừng vây quân fhù”. Trong hòa bình xây dựng, rừng giúp con người gìn giữ môi trường và phát triển kinh tế. Với Trương Minh Phương, rừng còn gắn với những kỷ niệm máu thịt, ở đó ông chiến đấu, sáng tạo; ở đó, ông có những người đồng đội đã hy sinh. Ông tự nhận mình “là con của rừng”, mà vách núi sững sững là tấm lưng vạm vỡ của cha, con suối róc rách là dòng sữa ngọt ngào của mẹ (Tôi là con của rừng). Trong ca khúc “Lời ru của rừng” ông kể: “Người đồng đội tôi đã ngã xuống cánh rừng này”. Trong ca khúc “Em vẫn hát”, ông nhắc: “Người chiến sĩ ấy đã hy sinh bên dòng suối thương”… Khi thể hiện nỗi niềm khắc khoải về rừng, Trương Minh Phương còn gửi gấm nỗi niềm riêng của mình trong ca khúc “Chiều Trường Sơn”. Đến thăm nghĩa trang Trường Sơn, ông tôn vinh những đồng đội đã hy sinh vì mục đích cao cả: “Ơi người chiến sĩ! Anh nằm đó cho đàn em nhỏ và cho bao chiến công sáng muôn đời sau.” Sau này, có câu chuyện giống một truyền thuyết về sự ra đời của ca khúc “Chiều Trường Sơn” như sau: Khi đến nghĩa trang Trường Sơn, ngồi lặng bên những ngôi mộ đồng chí, Trương Minh Phương nhớ về người con trai của mình đang chiến đấu ở biên giới phía Bắc, và thoảng nghĩ có thể rồi cha con không còn được gặp nhau nữa? Một chút lo âu. Thoang thoảng nỗi buồn. Ông gửi tâm trạng ấy vào giai điệu man mác của giọng La thứ. Nhưng ở phần kết, nhịp điệu dồn lên, chuyển sang giọng trưởng, lạc quan, tin vào ngày chiến thắng. Quả như vậy, người con trai của ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, và đã trở thành một cán bộ cốt cán của Đảng!
 
Trong những ca khúc chủ đề về rừng, hình tượng Người chiến sĩ lừng lững giữa rừng Trường Sơn, biểu hiện cho bao người chiến sĩ trên đất nước này đã “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”: “Quê anh nơi đâu? Hà Nội hay Hải Phòng? Vũng Tàu hay Đà Lạt? Hay thành phố mang tên người?” Vậy là, hình tượng rừng đậm đà trong ca khúc của Trương Minh Phương đã gián tiếp tạo nên hình tượng đẹp đẽ của người chiến sĩ cách mạng.
 
Âm hưởng ngợi ca rừng vang vang: “Xanh xanh những cánh rừng ấp iu thành phố/Yêu sao cánh lá rừng che con suối nhỏ” (Rừng xanh quê em), “Rừng là nhà che bóng mát quanh năm” (Bên nhau), “Rừng là vàng là vàng ta yêu rừng lắm lắm” (Ngày hội rừng xanh), "Rừng đượm tình quê hương càng thêm thương” (Nhớ rừng), “Rừng đầu nguồn gọi tiếng chim hót, gọi con ong làm mật yêu hoa” (Ta càng yêu rừng xanh), “Rừng đưa nước về cây tốt tươi” (Chim chích và hoa phượng). Ngợi ca rừng, cũng chính là ngợi ca những con người đã gắn bó với rừng, lấy rừng làm căn cứ địa kháng chiến, đã chiến đấu và giành chiến thắng.
 
Âm hưởng ngợi ca ấy còn vang vang trên các chủ đề khác: Ca ngợi Đảng, Bác Hồ. Ca ngợi những vùng đất, con người ở quê mẹ, quê cha, ở Tây Nguyên, thành phố, nông thôn, ở các ngành, đoàn thể… Lời ngợi ca không đại ngôn, không hô khẩu hiệu, mà tinh tế, nhẹ nhàng, sâu sắc nhưng lại có sức cổ vũ lớn lao. Ca ngợi Đảng, thì nhờ có Đảng mà “Đất nước ta đang nở hoa/Tiếng lúa reo trên cánh đồng xa”. Ca ngợi Bác Hồ thì “Ánh lửa đến chiếu sáng ngời trong đêm/Ngọn lửa là tình thương về khắp xóm làng/Ánh lửa sáng chân lý Hồ Chí Minh”. Ca ngợi người Mẹ Việt Nam thì “như ánh mặt trời, như làn mây trong trắng, như biển rộng trời cao, như đồng quê lúa chín – Mẹ Việt Nam anh hùng”. Từ ngợi ca, Trương Minh Phương khéo léo chuyển sang cổ vũ, hiệu triệu: “Ngàn triệu con tim ta bừng bừng cháy/Ta tiên phong đi lên theo bước Đảng tiên phong”. Không thể dẫn hết ra đây những lời ngợi ca, cổ vũ trong ca khúc của Trương Minh Phương, nhưng có thể khẳng định rằng qua hình thức âm nhạc dễ đi vào lòng người, Trương Minh Phương có ý thức rõ rệt lấy văn nghệ làm vũ khí tấn công quân giặc, làm sức mạnh xây dựng đất nước. Bởi vậy, với bất kỳ chủ đề nào, ca khúc của Trương Minh Phương cũng ngập tràn âm hưởng hùng ca và có sức mạnh cuốn hút con người đi vào hành động vì nước quên thân, vì dân phục vụ.
 
Như trên đã dẫn, ngợi ca, cổ vũ bằng ca khúc, Trương Minh Phương thể hiện rõ trách nhiệm với cuộc sống. Có những ca khúc trực tiếp cổ vũ tinh thần bảo vệ và xây dựng Tổ quốc: “Súng trên vai em nguyện gìn giữ tiếng ca… Súng trong tay anh dù hi sinh em ơi/ Chúng ta vì tương lai cuộc sống/Vì mầu xanh dòng sông đồng lúa và nhà máy của đôi lứa mình” (Hát về nhà máy chúng ta). “Thanh niên ta lên đường/Bảo vệ trời quê hương/Ta đến bao công trường/rừng núi xanh biển xa” (Bài ca thanh niên). Có những ca khúc ca ngợi, cổ vũ tinh thần lao động hăng say: “Nay chúng tôi đi trồng rừng/Bên những hàng cây thương nhớ/Nghe âm vang lời dặn dò/Giữ yên rừng xanh cánh lá/Ơi những cánh rừng Việt Nam/Như những tâm hồn Việt Nam” (Lời ru của rừng), “Giờ đây ta cố trồng thêm khoai sắn, khai phá đất hoang/… Nhớ ghi theo lời Bác Hồ, nào ta hát vang câu hò tăng gia” (Chung lòng sản xuất). Ông cổ vũ cho việc định canh định cư, bảo vệ rừng: “Dân bản ơi! Thôi du canh du cư/Không đốt phá cây rừng/Thôi du canh du cư/Về đây xây bản làng/Yêu cái rừng xanh ta đó!” Còn rất nhiều lời cổ vũ nữa, khi thì qua những ca từ có tính kêu gọi, nhưng nhiều khi lại qua toàn bộ những ca khúc mang tính trữ tình nói lên tình yêu đất nước, ngành nghề, quê hương, từ đó tạo ra động lực bên trong thúc đẩy con người hành động vì Tổ quốc.
 
Một chủ đề cũng khá gây ấn tượng trong ca khúc Trương Minh Phương là chủ đề về tình yêu đôi lứa. Viết những ca khúc về tình yêu, Trương Minh Phương cho thấy ông có một tâm hồn tinh tế, lãng mạn, bay bổng, có khi còn đắm đuối nữa. Trong ca khúc “Chuyện tình thác Pren” ông ca ngợi sự xả thân vô tư cho tình yêu: “Có phải chàng trai vì quá yêu cô gái nên biến thành dòng suối chảy! Chảy mãi, chảy đi tìm người yêu”. Đặc biệt, với ca khúc “Mưa biển”, Trương Minh Phương đã bứt ra khỏi bộn bề cuộc sống để dành hẳn tâm trí ngợi ca đôi lứa yêu nhau, một tình yêu đằm thắm nhưng không bốc lửa mà sâu lắng, nhẹ nhàng: “Cơn mưa từ đâu đến?/Mưa ướt làn mi em!/Cơn mưa từ đâu đến?/Ướt trái tim em rồi!” Người con gái thấy mưa rơi mà giá buốt con tim, bởi đang phải xa người yêu và chỉ biết gửi niềm thương nhớ qua cánh chim hải âu! Phần đầu ca khúc diễn tả tâm trạng cô gái buồn nhớ người yêu bằng khúc nhạc dịu êm viết ở cung La thứ. Đang chìm đắm trong làn mưa biển như thế, bỗng dưng cô gái bừng tỉnh, thấy trong mưa có lời biển hát, tha thiết, sôi nổi, nhắc tới sự bất diệt của tình yêu, đem lại niềm tin có ngày đôi lứa đoàn tụ: “Biển hát! Biển hát giữa chiều mưa giăng giăng/Biển nhớ, biển nhớ giữa muôn vạn con sóng/Thầm nhắc, thầm nhắc những nụ hôn trao nhau…”. Tiết tấu lúc này dồn dập, có những đảo phách gây ấn tượng, và giai điệu sáng lên bởi thủ pháp chuyển điệu sang giọng trưởng. Có thể nói “Mưa biển” là một một tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ, sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ và sức sống vượt thời gian.
 
Cũng cần nói thêm là, ca từ của Trương Minh Phương rất giầu chất thơ, từ ý tứ, cấu trúc, tới vần điệu, thậm chí có những lời bài hát đủ tư cách một bài thơ độc lập, như bài “Mưa biển” nói ở trên, hoặc như bài “Nhớ về Đà Lạt” dưới đây:
   
Anh trở về mang nỗi nhớ khôn nguôi
 
Nhớ con đường quanh quanh qua đồi núi
 
Trong nắng chiều nghe rừng thông thầm gọi
 
Nghe bồi hồi Đà Lạt ơi, Đà Lạt ơi!
 
Em trở về trong ngàn sắc hoa tươi
 
Lòng tha thiết thương hoa cúc quỳ hoang dại
 
Gió nhẹ nhàng chiều xa vời vợi
 
Nhớ xa xôi một thủa thơ ngây!
 
Đà Lạt ơi, đầy yêu thương suối ngàn thác lũ
 
Rừng thông reo mây phủ chân em
 
Nhớ một thời tuổi thơ đành tạm biệt
 
Đà Lạt ơi! Về chiều nay
 
nhớ tháng ngày
 
xa vắng
 
tiếng mẹ ru…

Phần trên, giới thiệu ca khúc Trương Minh Phương chủ yếu qua ca từ. Nhưng, phải thấy rằng, giá trị của ca khúc Trương Minh Phương cao ở chỗ những ca từ ấy được lồng trong những giai điệu, tiết tấu phù hợp thành một thể thống nhất. Thời của ông, người ta viết chủ yếu ở nhịp 2/4, thứ nhịp dứt khoát, mạnh mẽ. Đây cũng là nhịp điệu của Tây phương du nhập. Sử dụng nhịp điệu ấy, Trương Minh Phương đưa vào những đảo phách theo lối đảo phách của các điệu lý quê hương ông, và cách tiến hành giai điệu cũng sử dụng những khoảng âm tương ứng với những khoảng âm trong dân ca, cho nên nó trở nên Việt Nam hơn. Cùng với đó, là giai điệu có tính uyển chuyển để chuyển tải thấu đáo nội dung ca từ. Phần nhiều ca khúc, Trương Minh Phương viết ở cung La thứ, man mác, nhè nhẹ và ông thường chuyển điệu ở phần hai – từ cung thứ sang cung trưởng, hoặc có những câu nhạc chuyển sang cung trưởng. Điều này khiến cho ca khúc của Trương Minh Phương được phân làm hai phần khá rõ: Phần đầu bao giờ cũng diễn tả tâm trạng, hoàn cảnh với tiết tấu dàn đều, âm điệu man mác, và phần sau với tiết tấu mạnh mẽ, âm điệu trong trẻo cổ cũ hành động, hướng con người tới tương lai tươi sáng.
 
Trương Minh Phương không chỉ sử dụng một số thủ pháp để chuyển hóa kiểu viết theo âm nhạc phương Tây sang lối viết dân gian Việt Nam, mà ông còn mạnh dạn thể nghiệm viết dân ca, qua hai ca khúc “Lý thả diều”, “Lý vọng cảnh”. Ông muốn tạo ra những bản lý mới theo phong cách các điệu lý thân thuộc của quê nhà, như “Lý bông mai vàng”, “Lý con sáo”, “Lý thương nhau”… Ngay từ cách đặt tên ca khúc, ông đã làm theo cách đặt tên các điệu lý dân gian, mà cụ thể là một bài lấy nội dung để đặt tên: Thả diều, một bài lấy địa danh để đặt tên: Vọng cành. Cấu tứ của hai ca khúc này cũng theo kiểu cấu tứ các điệu lý: Một đoạn đơn, âm giai ngũ cung, không có cao trào. Nội dung hai ca khúc này cũng mô tả những sinh hoạt trong dân gian, là thả diều và ngắm cảnh, qua đó nói lên tình người. Khi nghe hai điệu “lý” này, ta cảm thấy hơi quen quen mà lại là lạ, nhận ra được những nét giai điệu của dân ca vùng Trung bộ nhưng lại vẫn thấy đây là một tác phẩm mới được sáng tác chứ không phải là một điệu lý nào đó trong dân gian. Qua điều này, ta thấy rõ nỗi khát khao của Trương Minh Phương làm giàu vốn nghệ thuật dân tộc bằng cách sáng tác mới những ca khúc giống như những bài dân ca, giản dị, dễ hát, dễ thuộc, để phản ánh cuộc sống đương đại, phổ biến sâu rộng trong nhân dân.
 
Với sự phong phú và những giá trị của âm nhạc Trương Minh Phương, giới thiệu trong một bài viết ngắn, e rằng còn hời hợt. Mong rằng, rồi đây sẽ có sự nghiên cứu kỹ càng, tôn vinh xứng đáng di sản văn hóa – nghệ thuật mà ông đã để lại. Đặc biệt, cần đầu tư dàn dựng, thu thanh, thu hình, biểu diễn những ca khúc chọn lọc của Trương Minh Phương trên các sân khấu chuyên nghiệp, trên sóng phát thanh, truyền hình, mạng xã hội... để phát huy những giá trị quý báu ấy. Ca khúc Trương Minh Phương tuy được sáng tác cách nay hàng chục năm, vẫn mang được hơi thở của thời đại mới, rất hấp dẫn và bổ ích!

Được giao một tập văn bản gồm 128 ca khúc của Trương Minh Phương để chọn ra một chùm năm bài dàn dựng, diễn báo cáo tại Hội thảo Khoa học “Trương Minh Phương – Nhạc sĩ, nhà viét kịch”, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng, vì được làm một việc có ý nghĩa về một người cán bộ văn hóa tài năng nhưng vẫn đang bị chìm khuất, đã qua đời từ 5 năm trước. Lo, vì làm sao chọn và dựng được những bài hát có chất lượng giúp người dự hình dung được tài năng về âm nhạc của ông? Tôi đã chọn ca khúc theo chủ đề đề cho thấy sự phong phú trong sáng tác của Trương Minh Phương, chứ không chọn ca khúc tiêu biểu nhất. Trong 5 ca khúc tôi chọn, có “Mưa biển”. Đây là bài hát đơn thuần về tình yêu. Ca từ giống như một bài thơ đầy hình tượng. Âm nhạc tràn đầy cảm xúc. Với tôi, “Mưa biển” là một tuyệt phẩm, sẽ có sức sống vượt thời gian. Ca sĩ Hiền Anh và tốp nam nữ Linh Anh đã làm việc nghiêm túc, say mê, sáng tạo nhiều ngày để thể hiện “Mưa biển” cống hiến người nghe.       

 
Hà Nội, 16 tháng 12 năm 2016 
Phạm Việt Long

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ca-khuc-truong-minh-phuong-tieng-noi-tinh-te-ve-tinh-yeu-va-trach-nhiem-a8039.html