Nghệ An - Hà Tĩnh đã sẵn sàng cho Lễ vinh danh Dân ca Ví, Giặm

Sáng 19/1, tại TP Vinh, Nghệ An diễn ra họp báo về lễ vinh danh Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tham dự buổi họp báo lãnh đạo các Sở, Ban ngành tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.Tại đây,  bà Đinh Thị Lệ Thanh - Phó chủ tịch tỉnh Nghệ An, thành viên đoàn Việt Nam tham gia bảo vệ hồ sơ dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ cho biết: Cùng với lễ vinh danh, các giải pháp bảo tồn và phát huy di sản Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ trong đời sống nhân dân, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần tô thêm vẻ đẹp văn hóa giàu bản sắc dân tộc trong dòng chảy hội nhập văn hóa thế giới cũng được triển khai.

Lãnh đạo 2 tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An sẽ cùng bàn giải pháp xây dựng chiến lược: "Bảo tồn và phát huy Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh với tư cách là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại giai đoạn 2015-2020 và định hướng 2020-2030" trình Chính phủ.

Ngoài ra còn có các sự kiện như giao lưu với các nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nghệ sỹ về dân ca ví giặm; các hoạt động biểu diễn dân ca Ví, Giặm trong dịp lễ hội đầu xuân.

Hiện nay, trên địa bàn hai tỉnh có gần 100 CLB Dân ca Ví, Giặm cùng 803 nghệ nhân; các nghệ sỹ, nhạc sỹ chuyên nghiệp ở Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ ở Nghệ An và Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh.

Lễ Vinh danh “Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” sẽ diễn ra vào tối 31/01/2015 tại Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Chương trình sẽ được truyền hình trên các kênh VTV1, VTV4, NTV, HTV...

Ngày 27/11/2014, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại Paris, Pháp.

Ví, Giặm là hai lối hát dân ca không nhạc đệm được cộng đồng người Nghệ Tĩnh sáng tạo ra từ hàng trăm năm nay. Ví, Giặm được thực hành trong lao động và đời sống thường nhật: lúc ru con, khi làm ruộng, chèo thuyền, lúc quay tơ, dệt vải, đi củi, trèo non. Vì vậy, các lối hát cũng được gọi tên theo các hoạt động như Ví phường vải, Ví đò đưa, Ví phường cấy, Ví trèo non, Giặm ru, Giặm kể, Giặm vè, Giặm Cửa quyền, Giặm Đức Sơn…

Dân ca Ví, Giặm không chỉ chiếm vị trí quan trong trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Nghệ Tĩnh mà còn là phương tiện nghệ thuật đặc trưng xứ Nghệ để biểu đạt tư tưởng, tình cảm, tăng cường giao lưu, gắn kết cộng đồng.

Theo Ngày Nay

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nghe-an-ha-tinh-da-san-sang-cho-le-vinh-danh-dan-ca-vi-giam-a803.html