Đình Phú Xuân trong Kinh thành Huế

Đình Phú Xuân có niên đại hơn 200 năm cùng nhiều hiện vật cổ quý hiếm, với nét kiến trúc nhà rường truyền thống độc đáo duy nhất tọa lạc trong Kinh thành Huế đã chứng minh cho sự hình thành và phát triển của Kinh đô Huế.

Phú Xuân là mảnh đất linh thiêng, cuộc đất cát tường về mặt phong thủy, do vậy từ thời các chúa Nguyễn, Phú Xuân đã từng được chọn làm thủ phủ xứ Đàng Trong. Đến thời Tây Sơn, Phú Xuân vẫn được vua Quang Trung chọn làm kinh đô cho vương triều của ông. Năm 1802, khi chúa Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế, mở đầu cho vương triều Nguyễn kéo dài suốt 143 năm, một lần nữa lại chọn Phú Xuân làm nơi đóng đô.

Bóng dáng đình xưa trong lòng phố thị

Danh xưng Phú Xuân vốn là mảnh đất của làng cổ Thụy Lôi, được hình thành vào khoảng cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV, dân xã Phú Xuân vốn là người Khoái Châu và Lý Nhân, thuộc trấn Sơn Nam Thượng di cư đến từ hơn 20 đời nay. Năm 1804, sau khi xác lập vương triều nhà Nguyễn, vua Gia Long cho triệt hạ toàn bộ đô thành cũ, xây dựng Kinh thành mới cũng trên đất Phú Xuân và tồn tại cho đến ngày nay. Trong quá trình xây dựng Kinh thành, mặc dù phải hạ giải hoàn toàn các di tích cũ, nhưng vua Gia Long vẫn giữ nguyên ngôi đình làng Phú Xuân. Đây là một thiết chế văn hóa dân gian duy nhất được tồn tại trong khuôn viên Kinh thành Huế. Có thể nói, đình Phú Xuân là một minh chứng lịch sử cho sự hình thành và phát triển của Kinh đô Huế.

Ngày nay, đình Phú Xuân tọa lạc tại số 69 đường Thái Phiên, phường Tây Lộc, thành phố Huế. Đình quay mặt về hướng Nam của Kinh thành. Cổng đình Phú Xuân gồm bốn trụ biểu hình vuông, hai cột giữa mỗi cột cao 4,1 m, rộng 0,48 m, hai cột bên mỗi cột cao 3,6 m, rộng 0,48 m. Trên đỉnh các trụ có hình tượng búp hoa sen, mặt trước có đắp nổi các hình tượng hoa lá bằng mảnh sành sứ. Giữa lòng các trụ biểu có nề các câu đối viết bằng chữ Hán.



Cổng đình Phú Xuân.

Qua cổng đình là bức bình phong cao 2,9 m, rộng 4 m, dày 0,58 m, mặt trước đắp nổi hình “long mã hà đồ lạc thư”, mặt sau được ghép bởi những mảnh sành sứ chữ “thọ” theo lối triện, bốn góc bốn con dơi và những họa tiết hoa lá cách điệu. Mái của bình phong được làm bằng mái ngói ống giả. Sau bình phong có lư hương cao 1,5 m xây gạch và xi măng để thắp hương trong các ngày lễ. Tiếp đó là khu sân đất khá rộng rồi đến ngôi tiền đường làm nhà họp.

Đình họp được xây dựng vào đời vua Thành Thái, là một ngôi nhà rường truyền thống, ba gian hai chái, mái lợp ngói liệt. Hệ thống cột kèo, các đường xuyên thổ được trang trí hoa văn hoa lá cách điệu. Tiền đường rộng 10 m, dài 17,8 m. Chính giữa tiền đường treo bức hoành đề ba đại tự “Phú Xuân đình” sơn son thếp vàng. Năm 1968, mái bị hư hỏng phải thay mái ngói liệt bằng fibro xi măng. Từ tiền đường, cách một khoảng sân hẹp nữa là đến tòa đại đình.

Tòa đại đình xây dựng từ thời vua Gia Long (1809), là một ngôi nhà rường ba gian hai chái, dài 10,5 m, rộng 15,9 m. Mái đình hơi thấp, lợp ngói liệt, giữa nóc có mặt nguyệt phản chiếu, các bờ nóc và bờ mái có chạm trổ gắn những con dơi chầu đối xứng. Nội thất trên gian giữa treo bức hoành viết bốn đại tự “Dữ quốc đồng hưu” (yên vui cùng đất nước), lạc khoản đề mùa thu năm Mậu Tý niên hiệu Đồng Khánh (1888).



Tòa đại đình xây dựng từ thời vua Gia Long (1809.

Tuy phải định cư ở những vùng đất khác để nhường đất xây dựng Kinh thành, song người dân Phú Xuân vẫn rất tự hào mình là dân kinh đô, ngày 6 tháng 6 (âm lịch) hàng năm họ vẫn hội tụ về đình Phú Xuân để làm lễ cúng tế Thành hoàng, các vị khai canh khai khẩn đã có công khai phá, thành lập làng Phú Xuân.

Lễ Kỳ Phước làng Phú Xuân

Lễ Thu Tế (hay còn gọi là lễ Kỳ Yên hay Kỳ Phước) do cư dân làng Phú Xuân tổ chức hàng năm là dịp lễ quan trọng nhất để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Trước đây, triều đình nhà Nguyễn ban ân huệ cho phép dân làng tổ chức lễ tế sớm nhất trong vùng và giao cho Bộ Lễ đứng ra tổ chức với kinh phí do triều đình cấp. Từ năm 1830, triều đình ngưng cấp tiền trùng tu, mọi việc tế tự giao hẳn cho dân làng.



Nội điện Đại Đình.

Để lễ Kỳ Phước được tổ chức trang nghiêm, từ tháng 5 (âm lịch), trưởng làng và Hội đồng Thất tộc làng Phú Xuân đã tập trung và chuẩn bị cho lễ tế. Vào ngày 5 tháng 6 (âm lịch), dân làng tập trung quét dọn, trang trí, chuẩn bị vật phẩm lễ tế là Tam sanh (trâu, heo, dê). Buổi chiều cùng ngày, tổ chức lễ nghinh sắc bằng, rước 20 sắc phong thần vào đình làng, mời các vị thần về chứng giám cho lễ tế của con dân làng Phú Xuân. Sau lễ nghinh sắc bằng là lễ túc yết, tức là các chức sắc của làng dâng lễ ra mắt các vị thần. Tiếp đến là cúng thị thực, đây là lễ dành cho các linh hồn chết dọc đường, không có nơi nương tựa và người thân thờ cúng.


Sáng ngày mồng 6, cử hành lễ chánh tế. Một vị bô lão đứng ra làm chủ tế, hai vị bồi tế đứng hai bên. Trong nghi thức của lễ chánh tế, chủ tế đọc bài văn tế nhằm bày tỏ lòng biết ơn của dân làng đối với công đức của Thành hoàng, ngài Khai canh và các vị tiên hiền, tiên tổ. Sau các nghi thức lễ tế là tới lượt dân làng hành hương, tiếp đãi quan khách và thưởng thức các làn điệu Ca Huế truyền thống nhằm ca ngợi vẻ đẹp nên thơ của mảnh đất Phú Xuân văn vật.

(Theo langvietonline.vn) 

Trần Thị Tú Nhi

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/dinh-phu-xuan-trong-kinh-thanh-hue-a8017.html