Thành Nhà Hồ sau 5 năm được UNESCO công nhận là Di sản thế giới

Ngày 27/6/2011, Thành Nhà Hồ được Ủy ban di sản thế giới bỏ phiếu công nhận là di sản thế văn hóa giới tại thủ đô Pari (Cộng hòa Pháp). Trong 5 năm qua (2011 - 2016), được sự quan tâm của các cấp, ngành Trung ương và sự giúp đỡ của các chuyên gia trong nước và quốc tế, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả trong việc Quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Thành nhà Hồ.

Để thực hiện cam kết của tỉnh Thanh Hóa với Ủy ban di sản thế giới (WHC) về chiến lược nghiên cứu di sản, đề án nghiên cứu toàn diện di sản, đề án nghiên cứu khai quật khảo cổ học giai đoạn 2013 - 2020 đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt với diện tích khai quật 56.000m2 tổng kinh phí 89 tỷ đồng, trong đó có các hạng mục: Hào thành, chính điện, đường hoàng gia, các cổng thành. Đây là một trong những kế hoạch nghiên cứu khảo cổ quy mô lớn không chỉ ở Thanh Hóa nói riêng mà còn ở Việt Nam nói chung.

Thực hiện đề án trên, hàng loạt các dự án nghiên cứu khai quật khảo cổ học đã được triển khai: Khai quật hào thành phía Nam năm 2015, khai quật hào thành phía Bắc năm 2016. Bên cạnh đó các di tích: công trường khai thác đá cổ, cổng thành phía Nam, Cồn Mả, Gò Ngục, Đàn tế Nam Giao tiếp tục được khai quật ... Kết quả nghiên cứu khai quật đã bổ sung những căn cứ khoa học quan trọng nhằm khẳng định tính toàn vẹn và chân xác của di sản, đồng thời góp phần quan trọng vào việc phát huy giá trị di sản.

Thực hiện cam kết với UNESCO về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ di sản, trong năm 2013 tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch quản lý di sản Thành Nhà hồ giai đoạn 2010 - 2030 trên cơ sở xin ý kiến tư vấn của các chuyên gia quốc tế. Kế hoạch quản lý đưa ra các giải pháp chiến lược ngắn hạn, dài hạn phục vụ công tác quản lý, bảo vệ cho toàn bộ khu di sản và vùng đệm phụ cận.

Khu vực bảo vệ I của di sản thế giới Thành Nhà Hồ bao gồm Thành Nội, La Thành, Đàn Nam Giao được khoanh vùng bằng mốc bảo vệ; Quy chế quản lý di sản thế giới Thành Nhà Hồ cũng đã được xây dựng, điều chỉnh, bổ sung để phù với di sản sau khi được công nhận; Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quy chế khống chế chiều cao các công trình xây dựng trong  khu vực đệm di sản Thành Nhà Hồ. Đây là các căn cứ pháp lý cụ thể, góp phần quan trọng đối với việc quản lý, bảo vệ di sản thế giới.

Để bảo tồn nguyên vẹn cảnh quan núi, sông của vùng đệm, chủ tịch UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi giấy phép các mỏ khai thác khoáng sản trong vùng đệm. Các giá trị tài nguyên khoáng sản, cảnh quan của vùng đất kinh đô cổ được quản lý, bảo vệ tuyệt đối.

Sau quá trình xây dựng, Quy hoạch tổng thể cấp Quốc gia bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ và các di tích phụ cận và được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt vào tháng 8 năm 2015. Quy hoạch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần tạo bước đột phá trong công tác quản lý, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Thành Nhà Hồ. Đồng thời là cơ sở pháp lý giúp tỉnh Thanh Hóa chủ động triển khai các hoạt động khảo cổ, nghiên cứu, bảo vệ, trùng tu và phát huy giá trị các di sản văn hóa; có chính sách và biện pháp cụ thể nhằm huy động sự tham gia đóng góp của mọi nguồn lực vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới.

Để bảo vệ cảnh quan, tăng cường hiệu quả xử lý rác thải, đảm bảo môi trường cho khu vực di sản, tỉnh Thanh Hóa đã cho lập dự án xây dựng trạm xử lý rác thải đặt tại địa bàn xã Vĩnh Hòa (bên ngoài vùng đệm của di sản) với diện tích 5,4ha, công suất  xử lý 25 tấn/ngày bằng công nghệ lên men liên tục trong hầm tuynel, sản xuất phân hữu cơ.

Đề án phối hợp với  các chuyên gia Nhật Bản khảo sát, lập đề án và thực hiện xây dựng bản đồ vệ tinh kỹ thuật số sử dụng hệ thống thông tin toàn cầu (MAP GIS) cho Di sản đã được triển khai. Đề án đã được triển khai giai đoạn 1 và góp phần quan trọng trong công tác quản lý di sản.

Việc phối hợp công tác quản lý di sản giữa cơ quan quản lý di sản với chính quyền địa phương được tăng cường đẩy mạnh, đặc biệt là công tác tuyên truyền luật di sản, quy chế quản lý di sản cho nhân dân địa phương. Công tác tuyên truyền đã đạt được nhiều hiệu quả rõ rệt, ý thức của người dân được nâng cao. Nguồn lực con người tiếp tục được đào tạo nâng cao trình độ. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch tiếp tục được đầu tư, tăng cường: đường giao thông, phương tiện giao thông, hệ thống nhà trưng bày ... Khách trong nước và quốc tế đến tham quan di sản liên tục tăng trong các năm. Nếu năm 2010 lượng khách khoảng 40.000 lượt khách thì đến năm 2015 đã đạt trên 100.000 lượt khách.

Nhìn lại 5 năm Thành Nhà Hồ được công nhận di sản thế giới, trong công tác quản lý di sản đã đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên đó chỉ là những thành quả bước đầu, phía trước còn rất nhiều những khó khăn, trở ngại cần phải vượt qua trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Thành Nhà Hồ. Hy vọng trong thời gian tới, với định hướng và kế hoạch đã được phê duyệt, triển khai, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản sẽ có những bước chuyển mình đột phá và bền vững, để Thành Nhà Hồ trở thành trọng điểm du lịch của Thanh Hóa nói riêng và Việt Nam nói chung.

Nguyễn Long

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/thanh-nha-ho-sau-5-nam-duoc-unesco-cong-nhan-la-di-san-the-gioi-a7962.html