Nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương và khối di sản nghệ thuật cổ vũ cho cách mạng tiến lên

Vào sáng ngày 24 tháng 12 năm 2016 (thứ 7), tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (51 Ngô Quyền, Hà Nội) sẽ diễn ra Hội thảo về cố nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương. Hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Tạp chí Văn hiến Việt Nam, Tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam đồng tổ chức. Trân trọng giới thiệu Bài Đề dẫn của Giáo sư Hoàng Chương tại Hội thảo này.


Hôm nay, chúng ta cùng nhau tụ họp về đây trong cuộc hội thảo nhân kỷ niệm 85 năm ngày sinh, của nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương, một hiện tượng đặc biệt trong nền văn học nghệ thuật đáng tự hào của chúng ta, một nền văn học nghệ thuật toàn tâm toàn ý phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng của tổ quốc của nhân dân ta. 
 
Nói đặc biệt vì trước đây, hầu hết chúng ta chưa biết nhiều về nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương, một cán bộ văn hóa khiêm nhường, một nghệ sĩ đa tài lặng lẽ sống ở mảnh đất Bình Trị Thiên gần như trọn cuộc đời từ kháng chiến chống Pháp, qua kháng chiến chống Mỹ đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc thống nhất xã hội chủ nghĩa sau năm 1975. Chỉ đến khi được cầm trên tay tuyển tập tác phẩm đồ sộ mang tên “Rừng hát” của ông do Nhà xuất bản Văn học công bố năm 2015 với gần 1400 trang in khổ 19/27 cm, chúng ta mới ngỡ ngàng trước kết quả lao động sáng tạo cống hiến to lớn bất ngờ của ông: 128 ca khúc, gần 20 ca cảnh, kịch múa hát nhạc mới, 60 tác phẩm từ kịch ngắn, kịch dài, dân ca kịch tới tiểu phẩm sân khấu và 6 công trình nghiên cứu văn nghệ dân gian.
 
Đó thực sự là một khối di sản nghệ thuật lớn, hiếm có mà một nghệ sĩ, một người hoạt động nghệ thuật có thể để lại cho đời không chỉ ở số lượng mà cả ở sự đa dạng của hiện thực cuộc sống được phản ánh, sự phong phú về đề tài, sự vững vàng về bút pháp, sự dồi dào của cảm xúc và chiều sâu nhân văn của tác phẩm.
 
Cầm tập sách nặng trĩu tình yêu cuộc sống, tình yêu quê hương đất nước, nặng trĩu tình yêu và khát vọng nghệ thuật của Trương Minh Phương, riêng tôi, tôi rất xúc động và tự hào khi đây là người đồng họ, đồng hương (Trương Minh Phương cùng quê Bình Định với tôi). Và càng đọc các tác phẩm của Trương Minh Phương, tôi càng bị người nghệ sĩ mộc mạc và dung dị này hoàn toàn chinh phục.
 
Trước hết nói về các tác phảm âm nhạc, 128 ca khúc của Trương Minh Phương là những bài hát đầy ắp chất trữ tình với giai điệu gần gũi, ca từ giàu chất thơ, chất dân gian, ca ngợi Tổ quốc ta, nhân dân ta và sự nghiệp cách mạng của chúng ta. Ca khúc của Minh Phương bao trùm các lĩnh vực cuộc sống, các ngành nghề từ nông, lâm ngư nghiệp, đến bộ đội, công an, thanh niên xung phong, ngân hàng, dầu khí, điện lực và nhiều nhất và ca ngợi rừng vàng biển bạc ở nhiều địa phương của đất nước ta.
 
Giống như các nhạc sĩ đi trước như Trần Hoàn, Phạm Tuyên, Minh Phương đi đến đâu là ca khúc của ông có mặt và được đón nhận nồng nhiệt ở đó. Không có gì lạ khi Minh Phương có rất nhiều ngành nghề ca, địa phương ca. Là người Bình Định, tôi rất thích bài Bình Định tôi yêu, một địa phương ca của nhạc sĩ Minh Phương, với giai điệu gần với bài chòi và ca từ rất chân thành trong sáng, dễ thuộc, dễ nhớ: “Tôi yêu Bình Định quê tôi/Biển khơi trải rộng chân trời/Tôi yêu Bình Định quê tôi/Dừa xanh vút cao tiếng hát/ Bình Định quê tôi/Bóng người còn in trong núi/Lúa vàng dịu dàng nắng mới/Tháng năm bước theo chân người”.
 
Đối với tôi, đây là một trong những các khúc hay nhất, trúng nhất viết về Bình Định quê hương tôi từ trước tới nay. Các chùm ca khúc của Minh Phương về Lâm Đồng, Đà Lạt, về Vũng Tàu, về Quảng Bình, về Huế, về các dân tộc thiểu số của Bình Trị Thiên tôi nghĩ cũng nằm trong số các ca khúc hay về các vùng đất cũng như các dân tộc này.
 
Đặc biệt, có thể nói, Minh Phương là nhạc sĩ có nhiều sáng tác về đề tài rừng núi nhất, cả rừng núi trong kháng chiến cứu nước hôm qua và trong lao động xây dựng hôm nay. Và những ca khúc xuất sắc nhất, độc đáo nhất của ông đã xuất hiện trong mảng đề tài tâm đắc này: Nhớ rừng, Lời ru của rừng, Hát về rừng, Đêm rừng già, Người K’ho xuống núi, Vó ngựa Đơn Dương, Tôi là con của rừng, Âm vang Tả Trạch, Chiều TrườngSơn….
 
Minh Phương cũng là nhạc sĩ xuất sắc trong các sáng tác cho thiếu nhi. Các ca khúc, nhất là các ca cảnh, kịch hát múa của ông về thiếu nhi rất lãng mạn và giàu sáng tạo, kết hợp thực với mộng, đời thường và cổ tích, vừa sinh động hấp dẫn vừa có giá trị giáo dục cao.
 
Có lẽ ở nước ta, không có nghệ sĩ nào có thể sở hữu một khối lượng tác phẩm âm nhạc lớn bên cạnh một khối lượng tác phẩm sân khấu còn khủng khiếp hơn và tất cả đều đầy tính chuyên nghiệp: 60 tác phẩm ngắn, dài với tất cả các thể tài chính kịch, bi kịch, hài kịch, náo kịch. Riêng về sân khấu, số lượng kịch mục của Trương Minh Phương phải nói là đầu bảng.
 
Kịch của Trương Minh Phương thể hiện khát vọng phản ánh kịp thời hiện thực cuộc sống vô cùng sôi động trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong thời kỳ hòa binh xây dựng CNXH trên đất nước ta. Đọc kịch của Minh Phương, chúng ta thấy được khả năng thâm nhập sâu vào cuộc sống của nhân dân, đồng cảm với nhân dân lao động, hiểu rất rõ tâm tư nguyện vọng, những vui, buồn, những khó khăn thuận lợi và những mâu thuẫn trong cuộc sống hàng ngày của người dân.  Từ đó, kịch của ông, dù là kịch ngắn, kịch dài hay chỉ là những hoạt cảnh, kịch bản thông tin lưu động đều rất chân thực và sống động, ngôn ngữ các nhân vật vừa bình dân, vừa có tính triết luận và chiều sâu tâm lý, con người trong kịch của Minh Phương rất phong phú đa dạng về tính cách và số phận.
 
Có thể thấy, Minh Phương rất lành nghề trong các vở kịch ngắn, không có xung đột bạo liệt giữa địch và ta, giữa chính nghĩa và gian tà mà phần nhiều là các “mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân” (Thuật ngữ sân khấu một thời ở Việt Nam), mâu thuẫn về tư tưởng, hành động tốt và xấu, giữa tiến bộ và lạc hậu, nói chung là rất đời, rất thực. Đó là những vở kịch lấy chân thiện mỹ đẩy lùi cái tà, cái ác trong con người, biến người xấu thành người tốt, người lạc hậu thành người tiến bộ, biến cái ác thành cái thiện, nhẹ nhàng khoan dung nhưng sâu sắc.
 
Là chủ nhiệm dự án “Đưa văn hóa giao thông vào cuộc sống cộng đồng qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức văn hóa nghệ thuật”, trong nhiều năm nay, chúng tôi từng rất khó khăn khi tìm kịch bản hay về đề tài này để dàn dựng phục vụ. Thế nhưng trong khối di sản kịch bản của Minh Phương tôi đã gặp được hai vở Cảnh sát giao thông mặc thường phục và Ngược chiều là hai kịch ngắn khá hay về văn hóa giao thông. Đây là hai vở kịch tác giả viết từ những năm 1990 ỏ Huế mà cứ thấy như chuyện trên đường phố Hà Nội hôm nay. Chuyện kịch không có gì to tát, gay cấn căng thẳng, nhưng về tâm lý nhân vật rất sâu, đầy bất ngờ và thông điệp nhân văn của tác phẩm rất thuyết phục. Những vở kịch như vậy chắc chắn rất cần cho cuộc sống hôm nay, bởi vậy, chúng tôi đã quyết định sẽ dàn dựng hai vở kịch này trong chương trình Văn hóa giao thông năm 2017 sắp tới.  Ngoài hai vở kịch vui trên, Minh Phương còn có hai vở kịch nữa về văn hóa giao thông, cũng rất sinh động, cho thấy ông là một trong những nhà viết kịch đầu tiên viết về văn hóa giao thông.
 
Những tác phẩm còn có giá trị đối với người xem hôm nay của nhà viết kịch Trương Minh Phương không chỉ là hai vở hài kịch về văn hóa giao thông này. Nhiều vở kịch khác của Trương Minh Phương, có vở viết từ hơn 40 năm trước vẫn còn nguyên giá trị, vẫn rất cập nhật, thời sự.
 
Một trong những vở như vậy là vở kịch dài ba cảnh “Mưa rừng”. Câu chuyện kịch diễn ra ở một công trường khai thác gỗ, mâu thuẫn diễn ra từ hai công nhân có hai tính cách và lối sống khác nhau, nó tác động tới những người lao động khác mà nhân vật trung tâm giải quyết mọi mâu thuẫn là một cấp dưỡng, cấp ủy Đảng cao tuổi. Vở kịch đầy ắp tươi xanh chất liệu cuộc sống, với những nhân vật như từ cuộc đời thực bước thẳng lên sân khấu. Những chi tiết sống như chi tiết thuần voi kéo gỗ rất hay, lấy chuyện dạy thú để dạy con người những giá trị tốt đẹp. Không phải ngẫu nhiên mà “Mưa rừng” đã được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trao giải sáng tác xuất sắc năm 1972 và giải thưởng đã được đích thân Chủ tịch Hội, nhà thơ kiêm đạo diễn sân khấu lừng danh Thế Lữ trực tiếp trao cho Minh Phương. Đây chính là một trong những vở kịch xuất sắc của sân khấu Việt Nam những năm kháng chiến chống Mỹ sớm đi vào đề tài xây dựng con người.
 
Cũng giống như sáng tác âm nhạc, các sáng tác sân khấu hay nhất của Minh Phương cũng là các tác phẩm viết về rừng. Ngoài “Mưa rừng” còn có “Gió rừng” từng nhận giải thưởng của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc UNDP năm 1996 hay các vở khác như “Bão tố Trường Sơn”, “Dấu ấn Trường Sơn”, “Đêm Cha Cháp”, “Ánh mắt rừng xanh”, “Tình bạn rừng xanh”… Có lẽ, nếu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Hội Nông dân Việt Nam  có Giải thưởng cho tác giả sáng tác nhiều nhất về đề tài Lâm Nghiệp thì chắc chắn Minh Phương “sẽ treo giải nhất chi nhường cho ai”!
 
Trong hơn 60 kịch bản sân khấu của tác giả Minh Phương gồm đủ mọi đề tài từ Điện Biên Phủ đến Trường Sơn, từ đồng bằng đến rừng núi, biển đảo, từ thành phố đến nông thôn, từ đồng bào, đồng chí đến kẻ địch … Ta có thể tìm thấy vô vàn hiện thực, vô vàn nhân vật được tác giả thể hiện một cách chân thực, sinh động và điển hình, nó hoàn toàn khác với những sản phẩm ra đời từ tháp ngà xa rời thực tế, chủ yếu là bịa đặt, hư cấu nên khó thuyết phục người xem.
 
Là một chiến sĩ văn hóa hoạt động trong hai cuộc kháng chiến và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa, lại từng đi làm chuyên gia nghệ thuật ở nước bạn Lào, có thể thấy vốn sống phong phú, tình yêu và tài năng thiên bẩm về âm nhạc và sân khấu đã làm nên nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương.  Vốn sống ấy, tài năng ấy cùng tinh thần lao động bền bĩ đã giúp ông sáng tác được một khối lượng tác phẩm phong phú, đồ sộ hiếm có, trở thành một nghệ sĩ hàng đầu về văn nghệ phong trào và văn nghệ chuyên nghiệp, có đóng góp đáng quý vào kho tàng văn nghệ cách mạng Việt Nam.
 
Để kết thúc bài đề dẫn này, tôi xin nêu lại lời chúc của nhà thơ Tố Hữu dành cho nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương với bút tích được ghi lại trong bộ sách “Rừng hát”: “Chúc đồng chí phấn khởi sáng tác những bài hát mới cổ vũ Cách mạng tiến lên”.
 
Đúng như lời của nhà thơ Tố Hữu, ngọn cờ đầu của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam, giá trị lớn nhất, có ý nghĩa nhất, được quan tâm nhất trong các sáng tác nghệ thuật của những văn nghệ sĩ chiến sĩ như Tố Hữu, như Trương Minh Phương chính là giá trị “Cổ vũ cách mạng tiến lên”. Đó là cái đích quang vinh của cả một thời văn nghệ, một nền văn nghệ, một thế hệ văn nghệ mà ngày nay nhiều khi đã bị quên lãng, có khi còn bị dè bĩu. Hội thảo về nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương là dịp để chúng ta nhờ về thời văn nghệ quang vinh ấy, thời các văn nghệ sĩ luôn muốn các tác phẩm mình có ích cho sự nghiệp cách mạng, cho tổ quốc cho nhân dân, thời các văn nghệ sĩ luôn đắm mình trong cuộc sống lao động chiến đấu của tổ quốc của nhân dân đế sáng tạo nghệ thuật và nhờ thế các tác phẩm của họ luôn tươi xanh như cuộc sống.
 
Nhạc sĩ, nhà viết kịch Minh Phương cần được tôn vinh xứng đáng hơn bởi những gì mà ông đã cống hiến trên lĩnh vực nghệ thuật. Nhân dịp Hội thảo này, Hội đồng Giải thưởng Đào Tấn đã chính thức thống nhất truy tặng Giải thưởng mang tên danh nhân văn hóa kiệt xuất của dân tộc cho nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương. Tôi cũng đề xuất và mong muốn Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nơi Trương Minh Phương là hội viên xem xét  đề nghị Đảng, Nhà nước truy tặng giải thưởng Nhà nước về học nghệ thuật cho ông. Tôi tin rằng dù Minh Phương không còn sống trên cõi đời này, nhưng nhiều đứa con tinh thần của ông vẫn là di sản quý của nền văn nghệ cách mạng, một nền văn nghệ “Cổ vũ cho Cách mạng tiến lên”.
 
Gs. Hoàng Chương
Tổng Giám đốc Trung tâm NCBT & PHVHDTVN

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nhac-si-nha-viet-kich-truong-minh-phuong-va-khoi-di-san-nghe-thuat-co-vu-cho-cach-mang-tien-len-a7917.html